Khi nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống
Bài 3: Du lịch cộng đồng - Làn gió mới từ “Miền đất cổ huyền thoại”
Đánh thức tiềm năng
Đất Quỳ Châu phong cảnh hữu tình, man mát đầy chất thơ. Nơi đây có núi, có sông, có những danh thắng làm mê đắm lòng người. Ai đã đặt chân đến thác Đũa, thác Tạt Ngoi, khe Nặm Pông, làng Thái cổ Hoa Tiến, đền Chiêng Ngam, núi Bù Đằng, núi Phá Xăng… chắc hẳn sẽ xuyến xao mãi không thôi.
Lợi thế về cảnh quan thiên nhiên là điểm tựa để Quỳ Châu phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Ý thức được "thế mạnh trời ban" đó, những năm qua, địa phương đã kết nối và tranh thủ tối đa các nguồn lực để đẩy mạnh loại hình này. Dù bước đi ban đầu còn khiêm tốn, nhưng tín hiệu thu về rất khả quan, có ý nghĩa lâu dài rất đáng để kỳ vọng.
Xét trên nhiều yếu tố, hướng lựa chọn này thực sự phù hợp. Mô hình du lịch cộng đồng cùng lúc thỏa mãn nhiều tiêu chí, không chỉ bảo vệ môi trường sinh thái mà còn bảo tồn, phát huy nét văn hoá độc đáo của cộng đồng cư dân tại địa phương. Phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trực tiếp giúp người địa phương tham gia hoạt động này có điều kiện nâng cao thu nhập, thoát nghèo, làm giàu cho gia đình, từ đó có những đóng góp thiết thực cho cộng đồng, xã hội.
Nói thì dễ, nhưng để làm được lại là câu chuyện không hề giản đơn. Dù Quỳ Châu được thiên nhiên ưu đãi, nhưng nếu chỉ bám vào đó không thôi sẽ không có được bước chuyển mình toàn diện như hôm nay. Hoa thơm quả ngọt kết tinh nhờ lộ trình bài bản, trên hết là sự nhập cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự nỗ lực, quyết tâm cao độ của chính người dân, chủ thể quan trọng nhất của Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Quỳ Châu là huyện miền núi, nơi đây cách khá xa trung tâm tỉnh Nghệ An và xa vùng đồng bằng. Người dân các thôn bản trong huyện đa phần gắn bó với rừng, quanh năm suốt tháng trên nương, trên rẫy. Đồng bào bản địa ít có cơ hội mở rộng giao thương, dần dà một bộ phận không nhỏ người dân địa phương có lối suy nghĩ tự ti, ngại giao tiếp. Trong khi đó, mô hình du lịch cộng đồng cần đến những con người có tính cách niềm nở, hoạt bát, biết cách tạo dấu ấn trong lòng du khách ngay từ những cái nhìn đầu tiên tiếp đón họ đến vùng đất này.
Du lịch cộng đồng là loại hình khá mới mẻ ở Quỳ Châu. Ở một số mô hình đang vận hành hiện nay tại đây, đa số các gia đình tham gia còn ít kinh nghiệm, thiếu vốn đầu tư, thiếu nhân lực lãnh đạo kết nối giỏi nên chưa hình thành được chuỗi liên kết. Vì thế, thực trạng chung đang là mạnh ai nấy làm, chưa đồng bộ và thiếu chiều sâu. Câu chuyện làm homestay của chị Lang Thị Tâm đã giúp chúng tôi hình dung rõ hơn về thực trạng này. Tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ nhưng chị Lang Thị Tâm, chủ Homestay Từ Tâm ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến là người sâu sắc, thực sự tâm huyết với nghề. Nhìn lại chặng đường đã qua, chị Tâm bùi ngùi chia sẻ:
“Bản làng Hoa Tiến là điểm du lịch nổi tiếng tại khu vực miền núi Nghệ An. Ngoài khách trong nước, hàng năm chúng tôi còn đón cả du khách nước ngoài tìm đến trải nghiệm. Thành quả có tính điểm nhấn đó bắt nguồn từ nhiều khía cạnh, trên hết là chuyển biến trong nếp nghĩ của người dân địa phương. Những ngày đầu làm du lịch bà con thiếu hụt kinh nghiệm, vừa triển khai vừa tháo gỡ khó khăn, hình thức dịch vụ khá nhàm chán, đơn điệu, trước sau chỉ phục vụ lưu trú, trải nghiệm đơn phương. Về sau, từ định hướng của lãnh đạo các cấp, ngành của huyện, các hộ đã kết nối với nhau để tạo lập mối liên kết chặt chẽ hơn. Nói gì thì nói, tầm nhìn của cả tập thể sẽ bao quát hơn cá thể riêng biệt”.
Từng bước tháo gỡ các nút thắt về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, Quỳ Châu dần tạo được điểm nhấn cho riêng mình. Dù vẫn còn đó những rào cản, nhưng với nền tảng đã dựng xây, địa phương này có thể tự tin khắc họa bức tranh tươi mới trong giai đoạn kế tiếp.
Nhịp sống mới, khát vọng mới
Bắt nhịp, lĩnh hội nhanh Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND ngày 22/7/2020 của HĐND tỉnh Nghệ An về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, huyện Quỳ Châu đã ban hành một số chương trình, kế hoạch thực hiện như Chương trình số 10-CTr/HU về phát triển văn hóa, thể thao du lịch giai đoạn 2020-2025, Kế hoạch số 60/KH-UBND của UBND huyện về kế hoạch phát triển du lịch… nhằm mục tiêu “nâng tầm” bộ mặt du lịch cộng đồng, xem đây là "đòn bẩy" trong xây dựng nông thôn mới.
Nguồn lực có hạn, huyện Quỳ Châu phải xây dựng phương án sát thực tế, không mơ hồ, chung chung, trái lại vạch ra chỉ tiêu trọng tâm, đối tượng cụ thể để ưu tiên. Trong định hướng phát triển loại hình du lịch cộng đồng, huyện Quỳ Châu xác định bản Hoa Tiến (xã Châu Tiến), bản Kẻ Can (xã Châu Bình), bản Minh Châu (xã Châu Hạnh)… làm các điểm chính.
Trong số các điểm du lịch này, nổi bật hơn cả là cộng đồng bản Hoa Tiến - nơi có bước nhảy vọt ngỡ ngàng chỉ sau vài năm ngắn ngủi. Đến Hoa Tiến hôm nay người khó tính nhất cũng phải thừa nhận “thay da đổi thịt” trên nhiều phương diện. Lọt ngay vào mắt du khách ngay từ phút đầu đến đây là hàng trăm ngôi nhà sàn tươm tất, ngăn nắp. Dù nhà sàn đã được nâng cấp, cải tiến nhưng vẫn giữ được lối kiến trúc truyền thống. Bản Hoa Tiến có tổng cộng 9 homestay chuyên phục vụ nhu cầu ngủ nghỉ, ăn uống. Trước đó vào năm năm 2021, Hợp tác xã Du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến đã được tỉnh Nghệ An công nhận là chủ thể có sản phẩm OCOP 3 sao.
Chưa hết, nơi đây còn có Câu lạc bộ (CLB) Bảo tồn văn hóa truyền thống cấp tỉnh, mang trong mình sứ mệnh truyền tải và phát huy những giá trị tinh hoa của thế hệ trước để lại. CLB duy trì sinh hoạt đều đặn hàng tháng, hàng quý, có trách nhiệm luyện tập, bảo tồn dân nhạc, dân ca, dân vũ; sưu tầm, dịch thuật, thống kê diễn xướng dân gian; tổ chức các nghi lễ, nghi thức tín ngưỡng trong đồng bào… Nhờ đó, lớp trẻ có điều kiện tiếp nối văn hoá “nguồn cội”, tránh mai một vốn quý thế hệ trước gìn giữ, trao truyền lại.
Gắn chặt đời mình với lĩnh vực này, nghệ nhân Sầm Thị Xanh (bản Hoa Tiến) thấu hiểu hơn ai hết giá trị của việc bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa truyền thống: “Muốn làm được trước hết phải say mê, nhiệt huyết, xác định rõ ràng tư tưởng “hòa nhập, không hòa tan”. CLB là nơi quy tụ những người am hiểu chuyên môn sâu sắc, nhờ đó có phương pháp truyền đạt lại cho thế hệ trẻ. Chúng tôi xác định còn sống là còn cống hiến, bằng mọi giá không thể để mai một vốn quý, các em, các con, các cháu phải thuộc nằm lòng nghi lễ buộc chỉ cổ tay, nghi lễ Xăng Khan…, hay các làn điệu dân ca truyền thống, có như thế mới lưu giữ được cho muôn đời sau.
Bản Hoa Tiến níu chân người đến bằng tình cảm chân thành, hiếu khách. Du khách trong hay ngoài nước đến bản làng dễ tìm được tâm trạng thoải mái, khoan thai. Họ tự tin vận trên mình những bộ trang phục bắt mắt của đồng bào, trên áo đính những quả đào lúc lắc tạo ra tiếng nhạc êm tai. Làm du lịch cộng đồng, người dân bản tự hào nhất là khi du khách nâng niu, trân trọng những gì mình làm ra”.
Nghệ nhân Sầm Thị Xanh kể thêm, đồng bào Thái vùng này có 8 làn điệu dân ca, gồm hát nhuôn, hát suối, hát lăm, hát khắp, hát on, hát ổi, hát ru, hát long lai. Các làn điệu dân ca thể hiện cảnh sắc thiên nhiên, tình cảm con người, về lao động sản xuất hay nhịp sống thường ngày… Những làn điệu cất lên làm cho cuộc sống thêm phong phú, xua tan muộn phiền âu lo, thay vào đó là hạnh phúc ngập tràn.
Đến với vùng đất này, du khách được đắm chìm trong lời ca, tiếng hát ca ngợi vẻ đẹp tình người và đất của đồng bào Thái nơi miền rẻo cao:“Ai về với đất Chiêng Ngam thơm thơm hương nếp, say say men nồng/ Ẩm thực điệu múa lăm vông để bao nỗi nhớ vấn vương cõi lòng/ Ai về với đất Chiêng Ngam ngắm ba sông chảy trong vòng tay êm…”, hay tâm tư gợi nhớ, gợi thương:“Đến Chiêng Ngam được ăn cơm nhiều ruộng, ăn cá 3 sông/ Được cồng chiêng, được khắc luống/ Tiếng cồng khắc luống tiếng chiêng say khẻn say pí nối mình với ta”.
Vùng đất Chiêng Ngam nổi danh nằm trọn giữa 3 con sông Nặm Việc, Nặm Quàng, Nặm Hạt trù phú, bản Hoa Tiến lại được bao bọc bởi các dãy núi Phá Èn, Phá Hủng, Phá Coóng. Nơi đây có những hang động độc đáo, như Hang Bua là một điển hình. Tất cả tạo nên một quần thể núi rừng, sông nước hùng vĩ, hư ảo sương khói, vừa quyến rũ vừa khác biệt với những vùng đất khác.
“Con người, bản sắc văn hóa, danh lam thắng cảnh của xã Châu Tiến nói chung, bản Hoa Tiến nói riêng phù hợp để phát triển du lịch cộng đồng. Được sự quan tâm, định hướng của các cấp, các ngành, cùng với đó là sự quyết tâm của chính địa phương đã mang lại những kết quả khá tích cực, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể (chữ viết, các làn điệu dân ca), hỗ trợ phục hồi các nhà sàn cổ…
Hoa Tiến nằm trong 28 điểm du lịch cộng đồng của tỉnh Nghệ An nên được ưu tiên nguồn lực phát triển, qua từng năm diện mạo bản làng có nhiều đổi mới, điểm nhấn là thúc đẩy chuỗi cung ứng liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Đến thời điểm này, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 52 triệu đồng/ năm, thuộc tốp đầu của huyện Quỳ Châu”.
Ông Trần Văn Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Châu Tiến.