Lâm Đồng: Công nhận 3 mô hình điểm với sản phẩm là du lịch canh nông
Với định hướng đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch gắn với sản phẩm OCOP, góp phần đưa các sản phẩm du lịch, mua sắm đặc trưng mang màu sắc riêng của Lâm Đồng đến với khách du lịch, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch số 6195/KH-UBND ngày 18/7/2023 về việc triển khai thực hiện Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Công văn số 1959/SNN-PTNT ngày 15/8/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về việc hướng dẫn triển khai thực hiện Kế hoạch Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025.
Theo Quyết định số 933/QĐ-UBND ngày 13/4/2021, trong năm 2024, tỉnh Lâm Đồng công nhận 3 mô hình điểm du lịch với sản phẩm là du lịch canh nông. Điểm khác so với 33 mô hình du lịch canh nông được hoạt động thí điểm trước đây, mỗi mô hình du lịch canh nông mới đều có một loại sản phẩm chủ lực khác biệt.
Cụ thể, danh sách 3 mô hình điểm du lịch với sản phẩm là du lịch canh nông được tỉnh Lâm Đồng công nhận bao gồm: Công ty XNK Cà Phê Tám Trình xây dựng Điểm du lịch trải nghiệm văn hóa cà phê bản địa - Tám Trình Coffee Experiences. Đây là mô hình chuỗi sản xuất khép kín nhằm quảng bá, giới thiệu và nâng tầm giá trị hạt cà phê, nét đẹp sản xuất văn hoá cà phê bản địa của huyện Lâm Hà nói riêng và Việt Nam nói chung đến tất cả khách du lịch trong nước cũng như thị trường quốc tế.
Điểm du lịch canh nông Avocado Farm (xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương) đang thực hiện hồ sơ đăng ký công nhận sản phẩm OCOP “Quả bơ tươi Ông Tĩnh” là sản phẩm du lịch nông thôn được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, phát triển phù hợp trên vùng đất Đơn Dương, cho chất lượng tốt. Cùng với các loại rau, củ, qua đặc trưng của địa phương, năm 2023 của Avocado Farm đạt 10 tấn sản phẩm nông nghiệp và đón tiếp 5 ngàn lượt khách trong và ngoài huyện; năm 2024 đến năm 2026, doanh nghiệp dự kiến tăng số lượng liên kết và sản lượng lên 42 tấn rau, củ, quả và đón tiếp hơn 20 ngàn lượt khách/năm...
Bồng Lai Farm, tại thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng - điểm du lịch canh nông thứ 3 của tỉnh Lâm Đồng với sản phẩm chủ lực là nho đen giống Nhật có tên là Summer Black, sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP. Bồng Lai farm là nông trại chuyên trồng các loại rau, củ, quả, đặt biệt là 300 gốc nho giống Nhật được trồng thử nghiệm từ năm 2018, chăm bón bằng các loại phân vi sinh và chế phẩm sinh học. Ngoài vườn nho đen, Bồng Lai farm còn có thêm các loại: nho móng tay, nho xanh, nho mẫu đơn xanh... thu hút du khách bởi phương thức canh tác sạch, có thể thưởng thức nho ngay tại vườn...
Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ 6 mô hình/điểm thí điểm phát triển du lịch nông thôn; xây dựng 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch và đang hoàn thiện các hồ sơ thủ tục phát triển 1 sản phẩm du lịch nông thôn. Với 407 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, cấp Quốc gia được chứng nhận (trong đó, có 2 sản phẩm 5 sao, 7 sản phẩm đã trình Bộ NN&PTNT xem xét đánh giá phân hạng 5 sao; 87 sản phẩm 4 sao, 311 sản phẩm 3 sao), 100% sản phẩm OCOP hiện có của tỉnh Lâm Đồng đã đăng ký thông tin, bán hàng qua các trang thương mại điện tử, 6 cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại các tuyến quốc lộ và các điểm du lịch, qua đó góp phần đưa sản phẩm OCOP đến gần với khách du lịch.
Thông qua Chương trình khuyến công, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung hỗ trợ phát triển sản phẩm mới, sản phẩm chế biến sâu, các nông sản chủ lực thông qua các nội dung: hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị sản xuất các sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; đăng ký và xây dựng nhãn hiệu; các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khuyến khích các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mở rộng sản xuất, góp phần tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm.
Trong giai đoạn 2022 - 2024, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai thực hiện 44 đề án hỗ trợ phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch với tổng kinh phí trên 13,7 tỷ đồng bằng hai hình thức hỗ trợ có thu hồi và hỗ trợ không thu hồi kinh phí.
Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng chú trọng xây dựng và thường xuyên quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, với 771 nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đươc cấp giấy chứng nhận và được người tiêu dùng (đặc biệt là khách du lịch) tìm kiếm, sử dụng và mua làm quà. Sản phẩm OCOP và các sản phẩm mang thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đang góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch chất lượng cao của Lâm Đồng nói chung và sản phẩm đặc sản của du lịch nông thôn Lâm Đồng nói riêng.