Diễn đàn mở

Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới "Tri thức, đạo đức, sức khoẻ và trách nhiệm"

Bảo Minh - 14:40 20/11/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sáng 20/11/2024 tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã tổ chức  Hội thảo Nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”. Tham dự và chủ trì hội thảo có bà Hoàng Anh Thơ, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Chủ nhiệm Đề tài cùng các đại biểu là đại diện Hội LHPN các cơ quan Trung ương và TP. Hà Nội.
Các đại biểu tham dự Hội thảo Nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” sáng 20.11.

100% Hội LHPN các tỉnh, thành, đơn vị đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện phong trào

Phong trào thi đua "Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới" được triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước với mục tiêu chính là khơi dậy tinh thần dân tộc, giá trị truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, khát vọng vươn lên, thể hiện việc đóng góp nhiều hơn nữa công sức, trí tuệ vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Hội thảo nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và căn cứ tình hình thực tế, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022 - 2027 đã phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước thực hiện phong trào thi đua  “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” với 4 tiêu chí: Có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.

Đây là phong trào thi đua  mới, vừa kế thừa, phát huy ưu điểm phong trào thi đua “Phụ nữ Việt Nam tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã được các cấp Hội triển khai thực hiện trong suốt 4 nhiệm kỳ vừa qua; đưa ra nội dung, tiêu chí phù hợp thể hiện quan điểm “lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ là mục tiêu cho mọi hoạt động”.

Đề tài nghiên cứu cấp Bộ năm 2024 đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới" do Văn phòng Trung ương Hội LHPN Việt Nam thực hiện đã khảo sát trực tiếp tại 3 tỉnh: Cao Bằng, Gia Lai, Cà Mau và khảo sát online tại 63 Hội LHPN tỉnh, thành và 2 đơn vị. Đối tượng khảo sát gồm nhóm cán bộ Hội Phụ nữ các cấp; hội viên, phụ nữ; cán bộ, lãnh đạo đại diện cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội. 

Nghiên cứu này đã xem xét đánh giá các hoạt động triển khai thực hiện phong trào thi đua trên cơ sở 5 nội dung: Hoạt động tập huấn về Phong trào thi đua cho cán bộ Hội các cấp; tổ chức phát động phong trào thi đua; tổ chức tuyên truyền phong trào thi đua; hoạt động biểu dương điển hình trong Phong trào thi đua; hoạt động đánh giá thực hiện tiêu chí, kiểm tra giám sát phong trào thi đua.

Bà Hoàng Thị Anh Thơ - Phó Chánh Văn phòng Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Hoàng Anh Thơ, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Chủ nhiệm Đề tài cho biết, kết quả khảo sát cho thấy, Hội LHPN Việt Nam đã triển khai phong trào thi đua một cách khá đồng bộ và đạt hiệu quả tốt ở hầu hết các hoạt động. Có 82,5% lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương cho rằng, nội dung các tiêu chí của phong trào thi đua phù hợp, thiết thực với hội viên, phụ nữ tại địa phương; có 17,5% cho rằng nội dung các tiêu chí mới chỉ phù hợp một phần. 

Kết quả khảo sát về đánh giá việc triển khai các hoạt động thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” cho thấy, điểm trung bình cao nhất 3.89  (theo thang đánh giá: Mức độ từ 0 đến 5 - Hoàn toàn chưa tốt đến Hoàn toàn tốt) được các cấp Hội đánh giá dành cho tiêu chí Xác định mục tiêu thực hiện phong trào thi đua của các cấp Hội, điều này cho thấy mức độ hài lòng cao của cán bộ Hội các cấp đối với công tác chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào thi đua của Hội là cần thiết và quan trọng trong quá trình xác định nội dung tổ chức phong trào thi đua.

Theo báo cáo nghiên cứu, trong nửa đầu nhiệm kỳ 2022 - 2027 đã có 100% Hội LHPN các tỉnh, thành, đơn vị chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện phong trào thi đua, cụ thể hóa các tiêu chí của phong trào thi đua cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương.

Đến nay, có 37 tỉnh/thành giữ nguyên các tiêu chí của phong trào thi đua như phát động tại Đại hội toàn quốc Hội LHPN Việt Nam lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022 - 2027, 28 tỉnh/thành đơn vị bổ sung, cụ thể các tiêu chí. Các tiêu chí được các tỉnh/thành lựa chọn bổ sung, cụ thể thêm hầu hết đều có nội hàm gắn với vai trò của người phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, nâng cao kiến thức kỹ năng, khát vọng vươn lên phát triển kinh tế gia đình như: Năng động, sáng tạo, có kiến thức, đoàn kết, nghĩa tình, nhân ái, tự lực, tự cường, có ý chí khát vọng vươn lên... phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo, TƯ Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Qua khảo sát thực tế, 51.8% hội viên, phụ nữ cho rằng tiêu chí có tri thức là khó thực hiện nhất, tiếp đến là tiêu chí có Trách nhiệm với bản thân, gia đình và đất nước chiếm 40.5%. Tiêu chí có sức khỏe và tiêu chí có đạo đức được cho rằng dễ thực hiện nhất. Có 57.8% lãnh đạo chính quyền địa phương cũng cho rằng tiêu chí có Tri thức là khó thực hiện nhất, tiếp đến là tiêu chí có Trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước chiếm 25%.

Cùng với đó, các đại biểu cũng nhận định, đầu mối tham mưu, triển khai thực hiện phong trào thi đua chưa được thống nhất từ Trung ương xuống địa phương. Nhân lực tham mưu thực hiện phong trào thi đua cũng rất hạn chế, khối lượng công việc nhiều nên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng thực hiện phong trào thi đua nói riêng và công tác thi đua khen thưởng nói chung.

Bà Đinh Thị Phương Liên, Chủ tịch Hội LHPN quận Ba Đình chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện phong trào thi đua tại Hội thảo.

Tham luận tại Hội thảo, bà Đinh Thị Phương Liên, Chủ tịch Hội LHPN quận Ba Đình (TP. Hà Nội) đã chia sẻ kinh nghiệm về công tác phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng các mô hình, cách làm hay, điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua phong trào thi đua. Theo bà Liên, điểm mới trong triển khai thực hiện phong trào thi đua đó là đã khai thác hiệu quả mô hình hoạt động của các cụm thi đua có sự hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển, qua đó nhiều hoạt động lớn mang nhiều ý nghĩa được chung tay tổ chức (các phường mạnh về nguồn xã hội hoá hỗ trợ các phường còn khó khăn…), khai thác hiệu quả những hội viên danh dự là nam giới chung tay với các hoat động, các công trình phần việc...

“Vấn đề cốt lõi nhất chính là luôn xác định và lấy phụ nữ làm trung tâm của mọi hoạt động: Phụ nữ được biết, được hiểu, được làm, được bảo vệ và họ cùng con em và gia đình được thụ hưởng, được công nhân, ghi nhận và được tỏa sáng, từ đó tổ chức vận động họ theo, họ gia nhập tự nguyện, đông đảo đạt mục tiêu: “Ở đâu có phụ nữ ở đó có hoạt động Hội”.

Bà Đinh Thị Phương Liên.

Công tác phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt luôn được Hội LHPN  quận Ba Đình quan tâm kịp thời, qua đó động viên, thu hút nhiều nhân tố tích cực nhiều tấm gương người tốt việc tốt… tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong các cấp Hội và cộng đồng. Trong 3 năm qua, quận Ba Đình có 12 cá nhân được biểu dương người tốt việc tốt cấp thành phố, 26 cá nhân được biểu dương người tốt việc tốt cấp quận; 2 Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu; 1 cá nhân được tặng Bằng khen “Là Chủ tịch Hội LHPN cấp huyện tiêu biểu toàn quốc”, nhiều tập thể xuất sắc trong phong trào thi đua. Hội LHPN quận Ba Đình 3 năm liên tiếp nhận cờ thi đua dẫn đầu và nhiều năm liền nhận bằng khen của Trung ương Hội.

Hội LHPN Quận Ba Đình cũng duy trì và thường xuyên quan tâm biểu dương các  gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Phụ nữ Ba Đình làm theo lời Bác” đặc biệt trong các đợt thi đua cáo điểm, thi đua đặc biệt gắn với các sự kiện chính trị, các ngày lễ kỷ niệm lớn của thủ đô, đất nước và quận. Có sản phẩm riêng ”Nét đẹp phụ nữ Ba Đình” nhằm tôn vinh, giới thiệu quảng bá các gương điển hình tiên tiến hàng năm.

Đề xuất các nhóm giải pháp thực hiện hiệu quả phong trào thời gian tới

Từ khảo sát của mình, nhóm nghiên cứu của Văn phòng Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã đề ra 5 nhóm giải pháp đối với Hội LHPN các cấp và 4 nhóm giải pháp đối với hội viên, phụ nữ.

Trong đó, 5 nhóm giải pháp đối với Hội LHPN các cấp là:

Nhóm thứ nhất, tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội: Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, triển khai thực hiện phong trào thi đua; xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, chọn triển khai thực hiện mô hình điểm, xây dựng các tiêu chí thực hiện phong trào thi đua phù hợp, sát thực với tình hình địa phương, đơn vị. Chủ động tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền và các tổ chức cùng cấp lồng ghép triển khai thực hiện phong trào thi đua của Hội với các phong trào thi đua đang triển khai tại địa phương, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong việc thực hiện Nghị quyết và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Huy động, vận động nguồn lực thực hiện. Tổ chức định kỳ công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm kịp thời trong quá trình triển khai thực hiện; chú trọng công tác khen thưởng, biểu dương để động viên phong trào; tuyên truyền các gương điển hình để nêu gương học tập.

Bà Dương Thị Thuỷ - Phó ban Tổ chức,( Uỷ banTrung ương MTTQ Việt Nam) tham luận về kinh nghiệm trong triển khai phong trào thi đua của Uỷ ban Trung ương MTTQ VN.

Nhóm giải pháp thứ 2 là đẩy mạnh công tác tuyên truyền: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động hội viên, phụ nữ tích cực tham gia, hưởng ứng thực hiện Phong trào thi đua, giúp hội viên phụ nữ biết, hiểu để tự nguyện tham gia. Chú trọng xây dựng chuyên trang, chuyên mục đăng tải trên các kênh truyền thông; quan tâm xây dựng tài liệu truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hoá tài liệu tuyên truyền để đảm bảo tính hấp dẫn, hiện đại. Tích cực tuyên truyền những cách làm hay, việc làm tốt, gương hội viên, phụ nữ tiêu biểu trong cộng đồng để tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong cộng đồng. Hình thành các cộng đồng/nhóm phụ nữ gắn với phong trào thi đua trên các nền tảng số, đặc biệt là mạng xã hội để hội viên, phụ nữ cùng nhau chia sẻ về Phong trào thi đua, kiến thức pháp luật, tri thức kinh doanh, kiến thức chăm sóc gia đình, về các môn thể thao giúp rèn luyện sức khoẻ... Các chương trình cần có định hướng của Hội các cấp để lan truyền, thúc đẩy phong trào thi đua tốt hơn. 

Nhóm giải pháp thử 3 là chủ động tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua bằng các hoạt động thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu, nguyện vọng, xu hướng của đông đảo hội viên, phụ nữ tại địa phương; lựa chọn cụ thể hoá tiêu chí thi đua cho phù hợp với địa phương…, giải quyết những vấn đề mới, khó, vấn đề ưu tiên trong thực hiện nhiệm vụ của các cấp Hội. Đặc biệt lưu ý các đối tượng phụ nữ, đặc điểm vùng miền để có hình thức tuyên truyền phù hợp; không chung chung, không khiên cưỡng, không cào bằng trong đánh giá thực hiện, thi đua. 

Thứ tư là chú trọng mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Hội để có thể tham mưu, đề xuất, tổ chức hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, từng bước nâng cao chất lượng triển khai thực hiện phong trào. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, đặc biệt là phát huy vai trò của hội viên nòng cốt trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao vị thế cho hội viên, phụ nữ thông qua việc thực hiện phong trào thi đua, xây dựng hình ảnh người phụ nữ thời đại mới.

Và thứ 5, mở rộng quan hệ phối hợp với các tổ chức, cá nhân; tăng cường vận động nguồn lực kinh phí để triển khai, thực hiện phong trào thi đua; Tổ chức tham quan/giao lưu/học tập kinh nghiệm của các tỉnh, thành đã thực hiện thành công đề xuất chính sách hoặc có cách làm hay/giải pháp tổ chức triển khai hiệu quả phong trào thi đua.

Bà Đỗ Thị Sâm - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nông Thôn Mới (TƯ Hội Nông dân Việt Nam) phát biểu tại Hội thảo.

Bốn giải pháp đối với hội viên, phụ nữ, thứ nhất là tích cực tham gia thực hiện, hưởng ứng phong trào thi đua, tham gia các hoạt động của Hội và địa phương phát động, triển khai.

Thứ hai, tăng cường tìm hiểu, nghiên cứu nội dung phong trào thi đua để hiểu, nắm rõ ý nghĩa các tiêu chí của phong trào và tự giác thực hiện.

Thứ ba, lan tỏa ý nghĩa tích cực của việc thực hiện phong trào thi đua tới nhiều phụ nữ và cộng đồng; đóng góp ý kiến, thể hiện nhu cầu, mong muốn đối với phong trào thi đua và hoạt động Hội tổ chức ở địa phương. Thể hiện tốt vai trò nòng cốt thực hiện phong trào thi đua.

Cuối cùng là nâng cao ý thức về trách nhiệm với bản thân, cộng đồng xã hội, tích cực rèn luyện đạo đức, lối sống theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, cuộc truyền thông, các hoạt động Hội; nêu cao tinh thần tự giác học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, phát huy thế mạnh của bản thân trong thực hiện nhiệm vụ công tác Hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, từng bước xây dựng hình ảnh người Phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu thời đại mới. 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác