Nông nghiệp

Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đắkrông: Tạo sinh kế để phát triển rừng bền vững

Hoàng Tính - 13:18 06/10/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Được giao nhiệm vụ quản lý hơn 23 nghìn hecta (trong đó có gần 17 nghìn hecta đất có rừng, hơn 12 nghìn hecta rừng tự nhiên, gần 5 nghìn hecta rừng trồng...) phân bổ trên 15 xã, thị trấn thuộc hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đắkrông, những năm qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đắkrông (tỉnh Quảng Trị) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ và giữ rừng.
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương trong công tác bảo vệ và phát triển rừng ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông.

Chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc

Nhận thức được vai trò của việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trong những năm qua Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đắkrông đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; giảm dần số lượng các cuộc họp, hội nghị, giảm khối lượng văn bản giấy được phát, từng bước xây dựng “văn phòng không giấy”, tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc gửi, nhận văn bản, xử lý thông tin trong đơn vị; thực hiện việc gửi, nhận văn bản qua mạng (không gửi bản giấy)… 

Hiện nay, Ban quản lý đang Sử dụng hệ thống Quản lý văn bản và hồ sơ công việc vào điều hành, chỉ đạo công việc, mọi thao tác liên quan đến văn bản đều được xử lý trên mạng, công tác quản lý thông tin nội bộ hiệu quả, trao đổi dữ liệu và chia sẻ thông tin một cách dễ dàng. 

Để quản lý bảo vệ rừng bền vững, bên cạnh nâng cao nhận thức của người dân rất cần hỗ trợ thiết bị, giải pháp công nghệ để cùng với người dân có điều kiện, chủ động tham gia giám sát… Ban quản lý đã ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý bảo vệ rừng như: máy định vị GPS, bản đồ Mapinfo, Map Plus, Gtfield, MapTile,….để thuận lợi trong việc quản lý diện tích rừng được giao trên bản đồ số cũng như phục vụ công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng.

Nhìn chung, 100% cán bộ, viên chức Ban quản lý đều sử dụng các phần mềm thông thạo. Đạt được những thành quả như vậy chính là nhờ sự quan tâm của Ban lãnh đạo đơn vị, thường xuyên cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Bảo vệ và phát triển rừng tận gốc

Để đảm bảo cho nhiệm vụ bảo vệ, giữ rừng và phát triển rừng bền vững, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đắkrông đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các ngành chức năng và đặc biệt người dân để xây dựng những tổ quản lý và bảo vệ rừng.

Nói về lợi ích của tổ quản lý bảo vệ rừng, ông Hồ Văn Thoa ở xã Hướng Tân (huyện Hướng Hoá) cho biết: Từ khi nhận được việc giao khoán bảo vệ rừng, tôi cùng 4 người đang nhận khoán bảo vệ 46,2ha rừng, chúng tôi đã phân công công việc cụ thể cho từng người để tuần tra bảo vệ rừng, qua đó mà diện tích rừng được nhận khoán luôn đảm bảo phát triển bền vững. Vừa được bảo vệ những cánh rừng của quê hương lại có thêm kinh phí nên chúng tôi vui lắm. Mỗi năm cũng được trên 33 triệu đồng; đây là nguồn kinh phí rất quan trọng để giúp chúng tôi sinh hoạt, trang trải cuộc sống.

Ngoài việc tạo sinh kế từ việc nhận khoán bảo vệ rừng; hàng năm người dân ở các xã Hướng Tân, Hướng Phùng, Hướng Linh và thị trấn Lao Bảo còn có nguồn thu đáng kể từ việc thu nhặt hạt trẩu từ những cánh rừng ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đắkrông. 

Tranh thủ những ngày nghỉ Hè đi nhặt hạt trẩu, em Hồ Văn Loi (xã Hướng Phùng) cho biết: Việc nhặt hạt trẩu không khó, chúng em tranh thủ đi từ sáng đến đầu giờ chiều là về tới nhà, mỗi ngày cũng được 12-15kg, theo giá thị trường 10.000-12.000đồng/kg mỗi người có thu nhập khoảng 200.000 đồng. Từ đó có tiền để phụ giúp gia đình cũng như có tiền mua sắm sách vở khi năm học đang chuẩn bị tới dần.

Hoạt động hiệu quả của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đắkrông thời gian qua đã góp phần bảo vệ và phát triển rừng tận gốc, giữ vững an ninh rừng, giảm tình trang khai thác rừng trái phép, cháy rừng, không phát nương làm rẫy, xâm lấn đất rừng… góp phần bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, điều tiết nguồn nước cho sản xuất và dân sinh. 
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác