Bến Tre cần phối hợp đồng bộ hơn trong phòng ngừa tàu cá vi phạm IUU
Ngày 24/8, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Phó Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về IUU làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Bến Tre về chống khai thác IUU, hạ tầng thuỷ sản, quản lý nuôi trồng thuỷ sản, tình hình khai thác và quản lý bảo tồn biển tỉnh Bến Tre.
Tỉnh Bến Tre hiện có hơn 3.780 tàu cá đăng ký hoạt động, trong đó có 563 tàu hoạt động xa bờ, chủ yếu làm nghề lưới kéo, tàu lưới kéo, lưới rê. Thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, đến nay có hơn 70% tàu cá được đăng ký, đánh dấu, gần 61% tàu được cấp giấy phép khai thác và đã có 2.008/2062 tàu cá thuộc diện bắt buộc đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, số còn lại đã ngưng hoạt động.
Từ đầu năm đến nay, qua giám sát, lực lượng chức năng đã phát hiện 16 tàu vượt ranh, 769 lượt tàu mất tín hiệu, 2 tàu bị nước ngoài bắt. Tổ kiểm soát nghề cá tỉnh Bến Tre qua kiểm tra đã phát hiện 3 trường hợp vi phạm không có nhật ký thu mua chuyển tải, không khai báo tàu nhập cảng. Bộ đội Biên phòng Bến Tre đã tuần tra, kiểm soát hơn 630 lượt tàu biển kết hợp phòng chống khai thác IUU, phát hiện và xử lý 13 trường hợp vi phạm với số tiền trên 300 triệu đồng.
Tình hình tàu cá tỉnh Bến Tre khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn diễn biến phức tạp, tàu vi phạm có biểu hiện đối phó với ngành chức năng. Từ đầu năm 2022 đến nay, UBND tỉnh ban hành 5 quyết định xử phạt đối với 5 chủ tàu của 9 phương tiện vi phạm, tổng số tiền phạt 4,45 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm ngoái, tàu vi phạm tăng 2 phương tiện. Từ khi có Nghị định số 42 của Chính phủ đến nay, Bến Tre có 28 tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, bị xử phạt hành chính, với số tiền phạt hơn 20 tỷ đồng, hiện còn 22 quyết định xử phạt chưa được thực hiện xong.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng như đoàn công tác của Bộ đánh giá cao công tác triển khai khuyến nghị EC về chống khai thác IUU của tỉnh Bến Tre. Tuy nhiên, Đoàn công tác lưu ý, tỉnh sớm khắc phục vấn đề ghi chép nhật ký cần được thực hiện ngay tránh tình trạng “hồi kí”; kiểm soát 100% số tàu lớn đánh bắt xa bờ; làm tốt truy xuất nguồn gốc; tránh việc sử dụng lao động trẻ em; tăng cường xử lý hành vi vi phạm mất tín hiệu thiết bị VMS; giảm tỷ lệ lưới kéo; bảo tồn đa dạng sinh học. Các cơ quan chức năng cần phối hợp đồng bộ hơn nữa để phòng ngừa tàu cá vi phạm IUU.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục thuỷ sản cho rằng, Bến Tre đã rất cố gắng trong việc cấp giấy phép vùng bờ, vùng lộng nhưng tỉ lệ còn rất thấp. Trong khi vấn đề này được EC rất quan tâm, nên tỉnh cần rà soát cấp giấy phép càng nhiều càng tốt.
“Chúng tôi quan sát hàng ngày có 100-200 tàu Bến Tre luôn đánh ở vùng giáp ranh với Malaysia và Thái Lan. Giải pháp ở đây là tỉnh cần tăng cường phối hợp với cấp Trung ương trực, đưa vào danh sách nguy cơ cao để kiểm tra. Các lực lượng công an, biên phòng phối hợp với kiểm ngư, cảnh sát biển trực ở các vùng đó một thời gian dài mới hạn chế được”, ông Hùng chỉ rõ.
Theo VOV
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi