Nhà nông với khoa học, kỹ thuật

Biến rơm rạ thành phân bón

Nguyễn Minh Hằng - 07:03 02/01/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nhằm đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch, bảo vệ môi trường, Hội Nông dân Ninh Bình đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực giúp hội viên phát huy sức sáng tạo, thúc đẩy vai trò quảng bá du lịch tại cơ sở. Hướng dẫn các hội viên kỹ thuật làm phân hữu cơ vi sinh; Phương pháp xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học; nâng cao nhận thức người dân, người tiêu dùng về lợi ích của canh tác lúa cải tiến SRI…
Buổi tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa cải tiến theo phương pháp SRI cho hội viên nông dân xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh).

Tập huấn cho hội viên canh tác lúa sinh thái, thân thiện môi trường

Hội Nông dân Ninh Bình đã tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác lúa cải tiến theo phương pháp SRI cho hơn 30 hội viên trong chi hội nghề nghiệp tại xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Sau lớp tập huấn các hội viên, nông dân tỉnh Ninh Bình đã thăm quan trực tiếp hộ sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ thành phân vi sinh góp phần cải tạo ruộng trồng lúa, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý trên mặt ruộng và các hộ tham gia sẽ áp dụng phương pháp SRI trực tiếp vào mô hình ruộng lúa nhà mình trong vụ tới.

Hệ thống canh tác lúa cải tiến (System of Rice Intensification - SRI), tên gọi đầy đủ là Hệ thống thâm canh tổng hợp trong sản xuất lúa, là phương pháp canh tác lúa sinh thái, mang lại hiệu quả và năng suất cao, giảm phát thải khí nhà kính dựa trên những tác động kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón... Tại những lớp học đầu bờ này, hội viên nông dân được giảng viên truyền đạt những kiến thức về kỹ thuật canh tác lúa cải tiến theo phương pháp SRI; Giới thiệu tổng quan về việc áp dụng phương pháp canh tác lúa SRI tại Việt Nam; 5 nguyên tắc của canh tác lúa theo phương pháp SRI và các biện pháp kỹ thuật của SRI…

Thông qua lớp tập huấn đợt này, các học viên cùng nhau chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm của gia đình và bản thân qua đó cùng thảo luận, nhận định và đánh giá về hiệu quả khi canh tác lúa cải tiến theo phương pháp SRI.

Lớp tập huấn đợt này là dự án tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam do quỹ BRACE tài trợ, trong đó tại Ninh Bình triển khai tại 2 huyện Hoa Lư và huyện Yên Khánh. Dự án nhằm góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp hiện đại và bền vững nhằm giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách hỗ trợ nông dân tại các vùng nông thôn Việt Nam.

Nông dân xã Gia Lạc (Gia Viễn) được hướng dẫn thực hành cách ủ rơm rạ, chất thải chăn nuôi. 

Giúp nông dân biến rơm rạ thành phân bón hữu cơ

Sử dụng chế phẩm sinh học, Trung tâm ứng dụng Khoa học, Công nghệ và Đo lường thử nghiệm (Sở KHCN Ninh Bình) đã giúp nông dân biến rơm rạ thành phân bón. Phương pháp này không chỉ giảm tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường mà còn có khả năng tiết kiệm cả chục tỷ đồng mỗi năm nhờ giảm chi phí phân bón và tăng năng suất cây trồng.

Trên những cánh đồng của xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh), lúa Thu Đông đã thu hoạch xong. Mọi năm, thời điểm này cũng là lúc người dân đốt rơm rạ, nhưng năm nay thay vì đốt bỏ, nhiều người đã biết tận dụng chính các phế phẩm nông nghiệp để tạo ra nguồn phân bón cho vụ sau.

Ông Phạm Văn Ba, xóm 13, xã Khánh Thành lần đầu tiên bắt tay vào làm phân hữu cơ từ rơm rạ. Ông cho biết: “Trước kia, rơm rạ sau khi thu hoạch về tôi chỉ đốt bỏ nhưng nay đã biết cách chế biến thành phân hữu cơ. Vụ này tôi làm 5 tấn. Cách làm khá đơn giản, ai cũng có thể áp dụng.

Sau khi gặt, chỉ cần thu gom rơm rạ vào góc ruộng hòa chế phẩm cùng với nước và phân NPK rồi tưới lên rơm rạ, sau đó phủ nilon lên đống rơm để giữ ẩm. Cứ mỗi tấn rơm rạ ủ 200g chế phẩm, 1kg phân NPK và 50 lít nước sao cho độ ẩm đạt trên 80%. Sau 10-15 ngày thì tiến hành đảo đống để vi sinh vật phân bổ đều, đồng thời bổ sung nước nếu thấy độ ẩm không đảm bảo. Từ 30 ngày trở đi có thể tiến hành kiểm tra chất lượng phân, nếu đảm bảo yêu cầu có thể mang ra sử dụng”.

Đề tài do Trung tâm ứng dụng Khoa học, Công nghệ và Đo lường thử nghiệm thực hiện với sự tham gia của 4 HTX thuộc 3 huyện Yên Mô, Yên Khánh và Gia Viễn; quy mô 280 tấn rơm rạ trong vụ Xuân và 120 tấn rơm rạ trong vụ Mùa, tương đương với lượng phân hữu cơ sau khi xử lý là 160 tấn.

Để chuẩn bị cho công tác triển khai đề tài, Trung tâm đã tổ chức 4 lớp tập huấn cho 160 cán bộ trong Ban quản trị HTX nông nghiệp, người nông dân tham gia mô hình về quy trình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học và cách bón phân hữu cơ sau xử lý cho cây lúa, cây khoai tây.

Đến nay, qua kiểm tra và đánh giá của cán bộ kỹ thuật và các hộ nông dân tham gia mô hình, tất cả các đống rơm ủ đều đạt kết quả tốt, sau 30-40 ngày rơm rạ cơ bản đã phân hủy thành phân hữu cơ có chất lượng tốt. Một số địa phương thực hiện có hiệu quả cao như xã Gia Lạc (Gia Viễn), xã Khánh Thành (Yên Khánh), xã Yên Nhân (Yên Mô)... Mô hình đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của bà con nông dân.

Kỹ sư Trịnh Đình Thể, Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Chế phẩm vi sinh Fito-Biomix RR là một hỗn hợp vi sinh vật xử lý rơm rạ. Chế phẩm bao gồm hỗn hợp các chủng vi sinh vật phân giải hữu cơ, vi sinh vật kháng bệnh cho cây trồng có mật độ lớn hơn hoặc bằng 107 CFU/g, các nguyên tố khoáng, vi lượng có tác dụng bổ sung các chủng giống vi sinh vật phân giải hữu cơ có khả năng phân giải nhanh và triệt để rơm rạ thành phân bón hữu cơ vi sinh giàu dinh dưỡng phục vụ sản xuất nông nghiệp”. 

Đây sẽ là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho cây, cải tạo độ màu mỡ và bổ sung cho đất một lượng lớn vi sinh vật, góp phần nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm sạch không ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng, không ảnh hưởng tới môi trường sinh thái xung quanh. Nếu tiến hành xử lý rơm rạ thu được từ 1ha trồng lúa sẽ có 2,4 tấn phân ủ tương đương với khoảng 2,6 triệu đồng, trong khi đó chi phí xử lý chỉ mất 1,8 triệu đồng, như vậy lãi được 800.000 đồng. 

Tỉnh Ninh Bình hiện có khoảng 80 nghìn hecta lúa mỗi năm, tương đương với lượng rơm rạ sau thu hoạch ước khoảng 500 nghìn tấn. Nếu chỉ cần xử lý khoảng 30% trong số đó thì số tiền tiết kiệm được là trên 18 tỷ đồng. Được biết, hiện nhóm thực hiện đề tài đang tiếp tục hoàn thiện quy trình xử lý rơm rạ, đồng thời xây dựng mô hình ứng dụng phân ủ hữu cơ trên giống lúa LT2, cây khoai tây, từ đó xây dựng các công thức bón phân thích hợp.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác