Thông tin từ cơ sở

Bình Định: Phát huy vai trò người uy tín trong hòa giải ở cơ sở

Thu Hoài - 07:12 09/07/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nhờ biết tận dụng, phát huy kinh nghiệm quý của những người uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số mà giờ đây ở Bình Định cuộc sống của người dân ấm no, kinh tế phát triển ổn định, đặc biệt nhiều vụ việc mâu thuẫn được hòa giải, giảm khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp.
Người uy tín vận động, hướng dẫn bà con người dân tộc thiểu số về phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Đi đầu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo 

Trong những năm qua, các già làng, Người có uy tín đã thực sự là những tấm gương sáng để bà con noi theo. Họ thực sự là những cây cao bóng cả, góp phần giúp người dân tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. 

Ông Nguyễn Bá Kiêu (Vĩnh An, huyện Tây Sơn, Bình Định) là một người như vậy. Vĩnh An vốn là vùng đất nghèo, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhưng từ khi có ông Kiêu dẫn dắt, nhiều bà con nông dân được truyền đi sức mạnh, và cả kiến thức pháp luật, kiến thức làm kinh tế nên đời sống của bà con mới bớt khổ. 

Vốn là nông dân giỏi, khi được người dân tin tưởng bầu làm già làng, ông đã không quản ngại giúp đỡ bà con. Khi mới có chủ trương vận động bà con tham gia các mô hình phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, nhiều người dân còn ngần ngại, không muốn tham gia, già làng Bá Kiêu đã xung phong làm trước. 

Theo đó, ông cùng gia đình cải tạo vườn trồng cây ăn quả, trồng rau sạch và trồng cây keo lai. Sau khi thấy được hiệu quả từ việc làm của ông, nhiều người dân đã làm theo. Giờ đây, hầu hết các hộ gia đình ở xã Vĩnh An đều biết tận dụng đất vườn nhà để sản xuất, có rau sạch để ăn, còn dư thì mang ra chợ bán, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Xã Vĩnh An có 404 hộ, với 1.510 nhân khẩu được chia thành 5 làng, trong đó đồng bào Ba Na chiếm gần 90%. Kinh tế của bà con ở đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, còn nhiều khó khăn, nên công tác vận động tham gia các mô hình sản xuất, bảo tồn văn hóa gặp không ít trở ngại. “Mình phải gương mẫu, luôn phân tích nhẹ nhàng, không nóng vội thì bà con mới nghe và làm theo”, ông Bá Kiêu nói.

Rời xa xã Vĩnh An, chúng tôi tới làng T2, xã Bok Tới (huyện Hoài Ân), nơi đây cũng có 1 già làng râu tóc bạc phơ. Dù đã 82 tuổi nhưng ông Đinh Sinh vẫn miệt mài với công tác xã hội, hoạt động của cộng đồng. 

Ông Sinh được người dân tin yêu, đặt ông cái tên “Vua hòa giải”. Để làm tốt công tác vận động và hòa giải, già làng Đinh Sinh thường xuyên đến từng nhà, gặp gỡ bà con tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thuyết phục mọi người tin vào lẽ phải và phân biệt cái đúng, cái sai. Từ đó, người dân tự ý thức việc làm của mình, tự hóa giải những mâu thuẫn nhỏ, sống hòa thuận và đoàn kết.

“Để làm tốt công tác hòa giải, thì trước hết mình phải luôn gần gũi, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của bà con. Có nhiều trường hợp người dân trong làng mâu thuẫn kéo dài, mình phải đi lại nhiều lần, kiên trì, khéo léo phân tích đúng, sai, phải, trái, làm chỗ dựa tin cậy thì bà con mới tin tưởng, nghe theo”, già làng tâm sự. 

 Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm công tác dân vận già làng Đinh Sinh đã hòa giải được hàng chục vụ mâu thuẫn, tranh chấp đất đai, các vụ ly hôn, gia đình mâu thuẫn. 

“Kết quả vui nhất không phải là mình có bằng khen hay thành tích, tôi vui nhất là khi thấy dân bản tin tưởng nghe theo cùng nhau đoàn kết xây dựng cuộc sống hạnh phúc”, ông Sinh nói. 

Tuyên truyền phòng dịch, thực hiện hòa giải không kể ngày đêm

Những ngày xã An Dũng (An Lão, Bình Định) thực hiện giãn cách, “ai ở đâu ở yên đó” ngỡ như còn mới đây. Thời gian đó, người dân ở đây không ai là không nhớ đến hình ảnh của già làng Đinh Văn Chẻ (75 tuổi). 

Bất kể là nắng hay mưa, gió rét hay nắng nóng già làng Chẻ vẫn âm thầm đến những hộ dân xung quanh để tuyên truyền, nâng cao ý thức, tự giác thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch. 

Già Chẻ cho biết: Từ ngày dịch Covid-19 xuất hiện trên địa bàn tỉnh, già cùng các thành viên trong thôn tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” trong thôn để tuyên truyền về cách phòng, chống dịch bệnh. Từ đó, mọi người dân trong thôn đều có ý thức tự giác, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch do chính quyền đưa ra. 

“Cũng có những lúc có người này người kia chưa hiểu, chưa chấp hành, làm khó mình thế nhưng mình phải giữ vững quan điểm, niềm tin. Họ chưa hiểu nói cho bằng hiểu. Tuyên truyền không được nêu gương... kiểu gì người dân cũng hiểu, đồng thuận”, già Chẻ nói. 

Hiện nay, đa số các già làng, Người có uy tín đều đang ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, sức lực không như thời còn trai trẻ, nhưng với tấm lòng vì cộng đồng, trong bất cứ công việc gì của làng họ vẫn xông pha lên tuyến đầu. 

Ông Bá Kiêu tâm sự: Già được bà con tin tưởng thì phải cố hết sức làm tốt mọi việc để bà con noi theo. Điều già trăn trở nhất hiện nay là, tại xã Vĩnh An vẫn còn tình trạng nghiện rượu, tự tử, tự sát và sản xuất lạc hậu nên đời sống còn khó khăn.

 Để xóa bỏ tình trạng này, già sẽ đi đến từng nhà nhiều lần, lắng nghe, chia sẻ và kiên trì giải thích, phân tích cái lợi và mặt hại của từng trường hợp; để người dân hiểu, nhận thức được vấn đề, từ đó điều chỉnh hành vi của mình, góp phần giúp gia đình, cộng đồng làng xóm yên bình, đời sống phát triển đi lên.

Trong khi đó, già làng Đinh Văn Chẻ kể lại, trong thời gian cao điểm của dịch, ông thường xuyên nhắc nhở, giải thích để bà con hiểu rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh, không tập trung đông người, tuân thủ việc đeo khẩu trang mỗi khi ra đường. Nhà nào có người thân ở nơi khác về thì phải khai báo y tế, xét nghiệm nhanh để nếu có bệnh thì cách ly điều trị. Khi có người lạ tới địa phương, phải kịp thời báo cáo cho chính quyền, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của xã biết để theo dõi. Hiện nay, tình hình dịch đã tạm ổn, nhưng không vì thế mà chủ quan. Ông vẫn tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở bà con cẩn trọng, không để dịch bệnh bùng phát trở lại.

“Chuyện quên ăn, quên ngủ đi tuyên truyền phòng dịch là chuyện bình thường. Dù mệt nhưng vẫn vui vì mình làm được việc ý nghĩa cho cộng đồng”, ông Chẻ chia sẻ. 

Ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định cho biết: Nhờ có uy tín và nắm rõ tình hình ở địa phương, Người có uy tín trong đồng bào DTTS chính là “cánh tay nối dài” của chính quyền thôn, xã trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

“Vai trò của các già làng, trưởng bản càng được phát huy khi cả nước phải trải qua thời điểm chống dịch Covid-19. Thực tế, những thôn, làng được Người có uy tín tích cực vận động, tuyên truyền phòng, chống dịch thì thường không xảy ra dịch bệnh. Thời gian tới, tỉnh sẽ kịp thời nêu gương, khen thưởng những Người có uy tín tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch covid-19 và phát huy hơn nữa vai trò của họ ở các thôn, làng đồng bào DTTS để góp phần xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, an ninh quốc phòng toàn dân”, ông Đinh Văn Lung nói. 

“Để làm tốt công tác hòa giải, thì trước hết mình phải luôn gần gũi, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của bà con. Có nhiều trường hợp người dân trong làng mâu thuẫn kéo dài, mình phải đi lại nhiều lần, kiên trì, khéo léo phân tích đúng, sai, phải, trái, làm chỗ dựa tin cậy thì bà con mới tin tưởng, nghe theo”.
Già làng Đinh Sinh. 
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác