Sống khỏe

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá và báo chí

Bảo Minh - 14:10 22/11/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Đó là đề nghị của ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tại Hội nghị “Tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2024” tổ chức ngày 21/11/2024 tại Hà Nội.
Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT phát biểu khai mạc Hội nghị.

Hội nghị có sự tham dự của các Báo cáo viên thuộc Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế; chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển; Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cùng các đại biểu là phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí - truyền thông; cán bộ công tác tại các phòng văn hóa - thông tin của TP. Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận và đưa ra các đề xuất về công tác phòng chống tác hại thuốc lá trong thời gian tới tập trung vào các vấn đề trọng tâm như: Thuế thuốc lá - giải pháp y tế công cộng WIN-WIN; Thuế thuốc lá ở Việt Nam: sự cần thiết tăng thuế, đánh giá các phương án thuế, kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị của WHO; tăng thuế thuốc lá và mối liên quan với tình trạng buôn lậu, việc làm; vai trò của thuế thu nhập đặc biệt thuốc lá trong phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Báo chí là lực lượng chủ lực trong tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 

Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT thông tin: Tính đến nay, cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo chí, 670 cơ quan tạp chí; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình gồm 67 đài phát thanh truyền hình Trung ương và địa phương, 5 đơn vị báo chí có hoạt động truyền hình (Truyền hình Nhân Dân, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Truyền hình Công an Nhân dân, Truyền hình Quốc hội); 77 kênh phát thanh, 194 kênh truyền hình trong nước; 57 kênh truyền hình nước ngoài được biên tập để cung cấp trên dịch vụ truyền hình trả tiền Việt Nam. 

Hội nghị “Tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2024”.

Với ưu thế thông tin nhanh, phổ cập rộng, cách thức chuyển tải nội dung phong phú, hấp dẫn có sức lan tỏa và khả năng tác động lớn đến xã hội, báo chí đã trở thành lực lượng chủ lực góp phần thực hiện tốt, có hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong nhiều năm qua.

Các báo cáo kết quả giám sát, khảo sát của các Ủy ban của Quốc hội, các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam ngày càng tăng, nhất là ở giới trẻ, học sinh, sinh viên; có tình trạng lợi dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để lưu hành, sử dụng ma tuy trái phép, cụ thể, trong quý I năm 2024, công an các địa phương trong cả nước đã phát hiện, xử lý 111 vụ, 152 đối tượng liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó có 33 vụ với 73 đối tượng bị khởi tố do phạm tội về ma túy, còn lại bị xử lý lý hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ.

Các báo cáo viên là các chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống tác hại thuốc lá tham dự Hội nghị.

Các báo cáo, nghiên cứu cũng chỉ ra những tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đến sức khỏe, kinh tế, an ninh trật tư, môi trường như: Tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, rối loạn tâm thần, làm suy giảm sự trưởng thành não bộ, giảm khả năng học tập, năng suất lao động và ảnh hưởng đến sự phát triển của thanh thiếu niên; gây cháy nổ, thương tích khi thiết bị điện tử hỏng, lỗi; tạo gánh nặng kinh tế đối với gia đình và xã hội; dễ bị lợi dụng để tẩm ướp, pha trộn ma túy, các chất gây nghiện, dẫn đến nguy cơ gây mất trật tự, an toàn xã hội; gia tăng ô nhiễm môi trường do rác thải điện tử của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, nhất là với thiết bị sử dụng một lần.

Nhiều đại biểu tham dự Hội nghị là các phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí trong cả nước.

“Do đó, việc các cơ quan báo chí, các đơn vị làm công tác thông tin, tuyên truyền cùng chung tay đẩy mạnh truyền thông về tác hại của thuốc lá, nhất là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là việc làm cần thiết trong thời gian này – ông Hồ Hồng Hải nhấn mạnh - Với những nội dung thông tin của các báo cáo viên ngày hôm nay, Ban tổ chức hi vọng sẽ cung cấp thêm thông tin tới các phóng viên, biên tập viên, các cán bộ làm công tác thông tin tại Phòng Văn hóa - Thông tin về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới; tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá và các cơ quan báo chí; từ đó ngày càng nâng cao hiệu quả công tác truyền thông pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá”.

Thực trạng thuế và giá thuốc lá tại Việt Nam

Trình bày tham luận tại Hội nghị, Thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Hương, cán bộ Quỹ Phòng, chống tác tại của thuốc lá, Bộ Y tế cho biết: Từ năm 2008 đến 2019, Việt Nam mới chỉ thực hiện 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) thuốc lá nhưng mức tăng thuế mỗi lần thấp chỉ là 5% và khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài (giá xuất xưởng). Cụ thể: Năm 2008: tăng mức thuế từ 55% lên 65%; Năm 2016 (sau 8 năm) tăng từ 65% lên 70%; Năm 2019 (sau 3 năm): tăng từ 70% lên 75%. Theo đánh giá của các chuyên gia, các lần tăng thuế này là quá ít và chỉ có tác động giảm tiêu thụ vào năm tăng thuế sau đó lại tăng trở lại.

Thac sỹ Nguyễn Thị Thu Hương, cán bộ Quỹ phòng, chống tác tại của thuốc lá, Bộ Y tế cho rằng cần thiết phải tăng thuế thuốc lá trong giai đoạn tới đây.

Giá một bao thuốc nhãn phổ biến nhất ở Việt Nam chỉ vào khoảng 0.9 USD/bao. Với mức giá này, giá thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 15, gần thấp nhất, trong số 19 nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương (theo báo cáo của WHO, Report on the global tobacco epidemic 2021)

“Theo Báo cáo Điều tra giá bán lẻ thuốc lá điếu ở Việt Nam năm 2023. Trường Đại học Y tế Công Cộng, HealthBridge (2024). Trên thị trường có tới 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá bán lẻ dưới 10.000 đồng/bao 20 điếu, có nhiều nhãn hiệu chỉ có mức giá 7.000 đồng đến 8.000 đồng/bao 20 điếu. Với mức giá thuốc lá bán lẻ thấp như vậy, thuốc lá rất dễ tiếp cận với người có thu nhập thấp, trẻ em và trẻ vị thành niên” – Bà Nguyễn Thị Thu Hương đánh giá.

Ths. BS. Nguyễn Tuấn Lâm, Chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, tiêu dùng thuốc lá ở Việt Nam đã và đang gây ra những gánh nặng lớn về bệnh tật và tử vong, đe dọa sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Ths. BS. Nguyễn Tuấn Lâm, Chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá, thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam hiện ở mức thấp so với các quốc gia thế giới và mặt bằng chung của các nước trong khu vực.

Mỗi năm Việt Nam có hơn 84.500 ca tử vong do hút thuốc chủ động và 18.800 ca tử vong do các bệnh gây ra bởi phơi nhiễm với khói thuốc thụ động. Phần lớn những người chết vì bệnh liên quan đến thuốc lá là những người trong độ tuổi lao động, nghĩa là tử vong sớm. Sức khỏe kém và tử vong sớm do thuốc lá ảnh hưởng đến quy mô và chất lượng lao động của Việt Nam. Vấn đề này sẽ trở nên rõ rệt hơn trong 10-20 năm tới khi nhóm người hút thuốc lớn hiện nay bắt đầu trải nghiệm những tác động sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá.

“Tăng thuế là biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá, tuy nhiên thuế, giá thuốc lá của Việt Nam hiện đang ở mức thấp, tác động của chính sách thuế đến giảm tiêu dùng còn hạn chế” -

Ths. BS. Nguyễn Tuấn Lâm -Chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới.

Việc sử dụng thuốc lá cũng đang gây thiệt hại lớn về kinh tế: Nghiên cứu mới đây cho thấy chi phí kinh tế hàng năm cho việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam ước tính lên tới 108 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,14% GDP (năm 2022). Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia. Các chi phí bao gồm 16,4 nghìn tỷ đồng từ chi phí y tế trực tiếp, 5,9 nghìn tỷ đồng từ chi phí gián tiếp do bệnh tật và 85,8 nghìn tỷ đồng do tử vong sớm. Ngoài ra cũng phải kể đến 49 nghìn tỷ đồng người dân bỏ ra để mua thuốc lá hút hàng năm.

Đề xuất tăng thuế thuốc lá ở Việt Nam

Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) đánh giá “Các biện pháp về giá và thuế là những biện pháp quan trọng và hữu hiệu để giảm tiêu thụ thuốc lá trong các tầng lớp dân cư, đặc biệt là thanh thiếu niên.”; “Quyết tâm dành ưu tiên cho quyền bảo vệ sức khỏe công cộng”.

Quyết định 568/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia về PCTH thuốc lá đến năm 2030, đó là: Xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đảm bảo đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (70-75% trên giá bán lẻ). Trên cơ sở đó, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cũng đề xuất tăng thuế thuốc lá ở Việt Nam theo hướng: Bổ sung thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp) với mức đủ lớn; tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.

Các đại biểu tham dự Hội nghị còn có nhiều cán bộ công tác tại các Phòng Văn hóa - Thông tin tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Về mức thuế, theo đề xuất của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, cần bổ sung mức thuế tuyệt đối với sản phẩm thuốc lá ở mức ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030, bên cạnh thuế tỷ lệ hiện tại.

Ths. BS. Nguyễn Tuấn Lâm, Chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông tin: Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, chính sách giá và thuế là một trong những chính sách quan trọng nhất để kiểm soát tiêu dùng thuốc lá và có vai trò chiếm tới 50% trong việc giảm hút thuốc (phần còn lại là tác động từ các biện pháp khác bao gồm thực thi môi trường không khói thuốc, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, truyền thông về tác hại thuốc lá, cấm quảng cáo thuốc lá và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá). Tổ chức Y tế thế giới ước tính, trung bình khi giá thuốc lá tăng 10% sẽ làm giảm sử dụng thuốc lá khoảng 4% tại các nước có thu nhập cao và 5% tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Biện pháp thuế đặc biệt có hiệu quả với nhóm thanh thiếu niên, ước tính khi giá thuốc lá tăng khoảng 10% thì sẽ giảm sử dụng thuốc lá khoảng 10% hoặc hơn ở nhóm trẻ tuổi.

Ông Nguyễn Tuấn Lâm đánh giá, thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam hiện ở mức thấp so với các quốc gia thế giới và mặt bằng chung của các nước trong khu vực. Theo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi 2014 số 70/2014/QH13, hiện nay Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo tỷ lệ là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng. Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ (bao gồm TTĐB và giá trị gia tăng) chỉ chiếm 38.8% theo báo cáo của WHO năm 2023. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%), thấp hơn đa số các nước ASEAN (Thái Lan 81.3%, Indonesia 63.5%, Singapore 67.5%, Malaysia 51.6%), và còn cách xa khuyến cáo của WHO và Ngân hàng Thế giới về tỷ trọng thuế ở mức 75% giá bán lẻ thuốc lá. Chính vì thuế thấp nên giá thuốc lá ở Việt Nam cũng ở mức thấp.

Về mức thuế, để đảm bảo đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá theo Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá tới năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị cần bổ sung mức thuế tuyệt đối với sản phẩm thuốc lá ở mức ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030, bên cạnh thuế tỷ lệ hiện tại. Phương án khuyến nghị cụ thể như sau:

Phương án khuyến nghị này của Bộ Y tế và WHO sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam và nữ sẽ giảm xuống dưới 36% và 1,0% tương ứng vào năm 2030, qua đó sẽ đạt được các mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam. Với phương án này, cũng sẽ làm giảm đáng kể tổng số người hút thuốc, với mức giảm khoảng 696.000 người vào năm 2030 so với năm 2020. Phương án này cũng sẽ làm tăng doanh thu thuế hàng thực, đã điều chỉnh theo lạm phát, hàng năm lên 169%, tương ứng với việc thu thêm 29,3 nghìn tỷ đồng mỗi năm từ thuế từ thuốc lá so với năm 2020.

TS. Nguyễn Ngọc Anh, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển nêu lên mối lo ngại về nạn  buôn lậu thuốc lá.

TS. Nguyễn Ngọc Anh, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển cũng nêu lên mối lo ngại về nạn  buôn lậu thuốc lá. Thuốc lá lậu có giá cao hơn đáng kể so với thuốc lá hợp pháp. Mức chênh lệch này cao hơn rõ rệt ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc, mặc dù đây là những tỉnh có tỷ lệ thuốc lá lậu thấp nhất. Mức chênh lệch này đã tăng lên giữa năm 2012 và 2017. Gần như tất cả thuốc lá lậu vào cả năm 2012 và 2017 đều được tìm thấy ở các tỉnh phía Nam, gần biên giới Campuchia.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác