Cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá
Tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc lá vẫn còn cao
Hiện nay, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc tỷ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm là do thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo. Bên cạnh đó, trên thị trường xuất hiện các sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng,…
Theo báo cáo thống kê của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cho thấy, việc sử dụng thuốc lá, gây 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới (trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động). Tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD. Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường. Hàng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá, cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính, mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho rằng, hút thuốc lá có những tác hại khôn lường đến sức khoẻ, tạo gánh nặng lên kinh tế cho gia đình và xã hội. Do đó, cần phải có những giải pháp đẩy mạnh phòng, chống tác hại thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ người dân, nhất là thanh thiếu niên, thế hệ trẻ tương lai của đất nước và giảm gánh nặng về kinh tế.
Trong những năm qua, tại Việt Nam, Bộ Y tế và các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố đã có những nỗ lực giúp tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Tuy nhiên, mức giảm ở trên vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 đó là giảm sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống còn 39%.
Dù vậy, với kết quả trên, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam đã phòng tránh được 280.000 ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá; tiết kiệm chi phí do giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015 - 2020 là 1.277 tỷ đồng/năm.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, (Bộ Y tế) cũng cho biết: Hiện, giá thuốc lá ở Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trên thế giới. Để có thể so sánh một cách công bằng giá thuốc lá giữa các quốc gia, thì giá bao thuốc Marlboro ở các nước được chuyển đổi thành giá theo đô la quốc tế. Theo đơn vị quy đổi này thì, giá trung bình 1 bao thuốc Marlboro ở Việt Nam là 2,82 đô la (tính theo sức mua tương đương), chỉ bằng 1/2 so với mức bình quân của tất cả các quốc gia trên thế giới (5,62 đô la/bao). Vì vậy, tỷ lệ hút thuốc lá vẫn còn cao, công tác tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Thuốc lá điện tử đang nhắm mạnh vào giới trẻ đặc biệt là nữ giới
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, ngoài thuốc lá truyền thống, hiện nay, thuốc lá điện tử có chứa nicotin là một chất gây nghiện cao. Trong khi đó, các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện. Đáng lưu ý, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá thông thường, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái.
Thuốc lá điện tử ở Việt Nam đang nhắm mạnh vào giới trẻ và đặc biệt là nữ giới trẻ tuổi. Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử năm 2020 tăng 18 lần so với năm 2015 (từ 0,2% lên 3,6%). Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Theo nghiên cứu về sức khỏe thanh thiếu niên ở nhóm tuổi 13 - 17 tuổi của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử chiếm 2,6% năm 2020. Đặc biệt, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15 - 24 tuổi với tỷ lệ là 7,3% so với các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%).
Để giảm thiểu tình trạng sử dụng thuốc lá tại Việt Nam, bà Hương đề xuất, ủng hộ tăng thuế thuốc lá, cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ, truyền thông rộng rãi đến người dân qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong đó, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Quảng cáo, Luật Thương mại đã quy định rõ cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng với mọi hình thức.
Chia sẻ tại hội thảo, bác sĩ Nguyễn Thị An, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Việt Nam cũng khuyến nghị: Chúng ta cần tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong đó tập trung xử lý vi phạm địa điểm cấm hút thuốc, vi phạm về quảng cáo, khuyến mại và tài trợ, kinh doanh buôn bán các sản phẩm thuốc lá lậu.
Bên cạnh đó, cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá để ngăn chặn sự gia tăng sức mua thuốc lá, hạn chế thanh niên tiếp cận với thuốc lá giá rẻ. Thuế và giá là giải pháp có chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả cao đối với việc giảm tiêu dùng thuốc lá và là giải pháp phòng bệnh hữu hiệu đã được Tổ chức Y tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới khuyến cáo các quốc gia cần áp dụng
Ban hành chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng tại Việt Nam theo khuyến cáo của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới; Truyền thông nâng cao hiểu biết về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và trách nhiệm của cha mẹ, giáo viên, trẻ em trong bảo vệ trẻ em.
Ngày Thế giới không thuốc lá 31 tháng 5 năm 2023 được Tổ chức Y tế thế giới phát động với chủ để “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá” nhằm kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng; đề cập đến mối liên hệ giữa sử dụng, trồng cây thuốc lá và đói nghèo; kêu gọi bỏ thuốc lá để tăng chi cho thực phẩm.