Bình Phước: Đến năm 2025 có 20% trang trại, doanh nghiệp nông thôn với khoảng 5-7 sản phẩm được số hóa
Hội thảo nhằm giúp ngành NN&PTNT và các địa phương tỉnh Bình Phước có những quyết sách, chỉ đạo, định hướng nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số vào quản trị, sản xuất, kinh doanh nhằm mang lại lợi nhuận cao nhất; tạo đột phá phát triển cho ngành Nông nghiệp tỉnh, cũng như nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho hàng hoá, nông sản Bình Phước.
Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Phước cho biết: Ý thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã và đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 18/5/2021 về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước, với quyết tâm: Đến năm 2025, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh.
Riêng với lĩnh vực nông nghiệp, Nghị quyết 04 nêu rõ: Thực hiện từng bước trong từng khâu sản xuất, từng sản phẩm; từng trang trại, doanh nghiệp; Phấn đấu đến năm 2025 có 20% trang trại, doanh nghiệp với khoảng 5 - 7 sản phẩm được số hóa; các xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm số hóa phải có 100% sản phẩm OCOP được số hóa.
Thực hiện thí điểm chuyển đổi số toàn diện mô hình hợp tác xã tiêu hữu cơ Lộc Quang, huyện Lộc Ninh và hợp tác xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp. Trong Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023, UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục triển khai thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 297/KH-UBND ngày 17/9/2021 của UBND tỉnh về việc đưa sản phẩm nông sản của tỉnh lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025.
Thông qua chuyển đổi số sẽ giúp toàn ngành, các hộ nông dân, hợp tác xã, hộ kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Thụy Luân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước cho biết: Thời gian qua, chuyển đổi số trong ngành NN&PTNT đạt được những kết quả rất tích cực trên nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý như: cấp mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu; hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp được cấp chứng nhận OCOP 3, 4 sao; hỗ trợ nhiều hộ nông dân đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số ngành NN&PTNT gặp những khó khăn như: Hạ tầng kỹ thuật thiếu về trang thiết bị và nguồn nhân lực chưa đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số trong nông nghiệp. Cơ cấu tổ chức hệ thống quản lý nhà nước đã khác biệt với các tỉnh thành trong nước và lẫn lộn giữa quản lý nhà nước và sự nghiệp công lập. Do đó, ảnh hưởng đến công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát triển nông thôn cho phù hợp với thời đại cách mạng công nghệ.
Để việc chuyển đổi số ngành NN&PTNT mang lại hiệu quả, Sở NN&PTNT đề nghị, các cấp ngành đầu tư nâng cấp trang bị máy chủ, máy tính cá nhân, hệ thống kết nối, phòng điều hành, phòng họp trực tuyến cho ngành Nông nghiệp để đáp ứng được yêu cầu về công việc.
Đồng thời, nâng cấp đường truyền, hệ thống mạng, wifi cơ quan; đầu tư máy chiếu, màn hình led hoặc màn hình chiếu, đặc biệt xây dựng phòng họp trực tuyến để phục vụ họp trực tuyến với bộ và địa phương. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở dữ liệu cho ngành NN&PTNT để kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đi sâu chia sẻ, trao đổi về ý nghĩa của vấn đề thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, qua đó góp phần quan trọng phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, bền vững; chú trọng nông nghiệp thông minh; xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, quản lý bảo vệ rừng, tưới tiêu, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế...
- Chỉ có 1 loại thuế GTGT 5% mới được hoàn thuế: Cần thay đổi để tạo công bằng giữa các doanh nghiệp
- Cà Mau: Chủ động xây dựng, hình thành các liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp
- Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị
- Đồng Tháp: Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững