Bình Thuận: Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia
Tại Hội nghị, các sở, ban ngành tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đã báo cáo tình hình thực hiện, giải ngân các hạng mục, dự án của các Chương trình mục tiêu Quốc gia; tình hình giải ngân nguồn vốn sự nghiệp; việc xây dựng kế hoạch vốn năm 2024.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2023 nguồn vốn ngân sách Trung ương giao cho tỉnh thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia là 365.661 triệu đồng, trong đó vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là 168.627 triệu đồng; Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững là 53.731 triệu đồng và Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 143.253 triệu đồng.
Tính đến ngày 30/9/2023, tỉnh này đã giải ngân được 38.769 triệu đồng, đạt 10,6% kế hoạch vốn, trong đó giải ngân vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giải ngân được 19.343 triệu đồng, đạt 11,47% kế hoạch; Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giải ngân được 741 triệu đồng, đạt 1,38% kế hoạch; Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân được 18.685 triệu đồng, đạt 13,04% kế hoạch.
Nguồn vốn đối ứng sự nghiệp ngân sách tỉnh để thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2023 là 65,791 tỷ đồng, trong đó vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là 46,721 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững là 7,753 tỷ đồng và Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền múi là 11,317 tỷ đồng. Tính đến nay, mới giải ngân được 1,047 tỷ đồng, đạt 1,59% kế hoạch.
Thời gian qua, các sở, ngành đã có quyết tâm triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, đã triển khai cơ bản hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, kết quả giải ngân có cao hơn tháng 8/2023. Tuy nhiên, tình hình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn chậm so yêu cầu, giải ngân còn thấp.
Hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, là sự phối hợp giữa sở ngành được giao làm chủ chương trình với các sở, ngành, địa phương có liên quan chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên chủ động, chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong việc rà soát các công việc được UBND tỉnh giao; gặp vướng mắc khó khăn nhưng chậm tham mưu giải quyết kịp thời; công tác chuẩn bị thủ tục hồ sơ dự án ở cấp xã còn chậm.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã đốc thúc các Sở, ngành, địa phương được giao vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Theo đó, trong thời gian tới các Sở, ngành, địa phương được giao vốn đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia đảm bảo đến ngày 31/12/2023 giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2022 chuyển sang năm 2023 và giải ngân trên 95% kế hoạch vốn năm 2023 được giao.
Đối với kế hoạch vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương liên quan có văn bản đăng ký nguồn vốn thực hiện trước ngày 15/10/2023. Việc phân bổ nguồn vốn phải dựa trên nhu cầu thực tế cần thiết tại các đơn vị, địa phương.