Bộ trưởng Tô Lâm: Không ai được giữ thẻ căn cước của dân, ngoại trừ phục vụ điều tra
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh điều này khi thông tin thêm tới các đại biểu Quốc hội tại thảo luận tổ về dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), ngày 10/6.
Để không ai bị bỏ lại phía sau
Đại tướng Tô Lâm cho rằng, việc xây dựng luật nhằm tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường hiệu lực quản lý. Đặc biệt là quản lý với một số nhóm dân cư rất vất vả, đặc biệt là những trường hợp không thể tìm được thân nhân, không mang giấy tờ tùy thân nên không thể xác định danh tính.
“Hiện có tới hàng triệu người không có giấy tờ tùy thân, không có căn cước, hộ khẩu, nên không thể quản lý. Đó là con số đáng buồn” - Bộ trưởng nêu thực tế và nhấn mạnh, việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ dễ dàng quản lý, truy cập thông tin, đặc biệt với những người yếu thế.
Đại tướng kể lại câu chuyện, khi công an xã triển khai việc cấp căn cước công dân ở vùng sâu vùng xa, có những người già 70 tuổi chưa từng chụp ảnh. Còn ngay tại Hà Nội hay TP.HCM, cũng có hàng trăm nghìn người không có giấy tờ, không hộ khẩu. Đó là những người bán hàng rong, đánh giày, người làm thuê… cuộc sống tạm bợ, ngủ ở khu trọ, gầm cầu. Khi họ lập gia đình, sinh con, nhưng các cháu không có giấy khai sinh, không được đi học và lớn lên lại tiếp tục… đánh giày, cuộc sống lại khó khăn như vậy.
“Hiến pháp bảo vệ người dân, người dân có quyền cư trú ở bất cứ đâu và không ai cấm, hạn chế quyền theo Hiến pháp quy định. Do đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp căn cước sẽ giúp bảo vệ người dân” - ông Tô Lâm nói.
Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, với căn cước công dân tích hợp và Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư đang được xây dựng, người dân sẽ thuận tiện hơn trong các giao dịch, thực hiện thủ tục hành chính, góp phần thúc đẩy cải cách và quản lý cũng thuận lợi hơn.
“Trước đây một cửa đã thuận lợi rồi, nhưng giờ không có cửa nào, hoàn toàn môi trường điện tử, người dân có địa vị pháp lý, danh tính rõ ràng, ngồi nhà vẫn giao dịch được với cơ quan nhà nước và làm các thủ tục. Nhìn lại cảnh người dân xếp hàng xin hộ chiếu, hàng tập hồ sơ, xác nhận cơ quan công an, đủ thứ giấy tờ, thậm chí không đủ chỗ lưu giữ hồ sơ, nên giá trị hệ thống này mang lại là vô cùng lớn” - Bộ trưởng nhấn mạnh và thông tin thêm là đến nay 245 thủ tục hành chính của Bộ Công an đều đã được thực hiện trên môi trường điện tử.
Đề cập lý do của việc đổi tên từ Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, việc sửa lại tên gọi nhằm đảm bảo tính chính xác và bao hàm hơn. Thẻ căn cước không phải là giấy chứng nhận công dân. Có những trường hợp bị tước quyền công dân nhưng vẫn có căn cước và sở hữu tài sản. Vì vậy, cách gọi là căn cước công dân sẽ không chính xác.
Việc đưa tên gọi là căn cước để nhằm xác định những thông tin cơ bản như “anh là ai”, tên tuổi, nguồn gốc…; sử dụng căn cước để thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính.
Căn cước tích hợp mang lại lợi ích rất lớn
Trước những lo ngại về an toàn, an ninh thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia, Bộ trưởng thông tin là mỗi ngày có hàng nghìn cuộc tấn công xâm nhập vào hệ thống. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa ghi nhận vụ việc nào thâm nhập được vào hệ thống, đảm bảo mọi giao dịch của người dân và quyền bảo vệ dữ liệu, bí mật cá nhân.
Thông tin thêm về quá trình làm căn cước công dân cho người dân và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ trưởng cho hay đã có 19/63 tỉnh đã hoàn thành cấp căn cước đạt tỉ lệ 100%. Mặc dù quá trình thực hiện không tránh khỏi sai sót, nhưng hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ được cập nhật thường xuyên, đảm bảo tinh thần “đúng, đủ, sạch, sống”, tức cập nhật liên tục. Trường hợp xã nào không cập nhật khi kiểm tra là không được, cập nhật là kiểm soát hoạt động cơ sở, luôn có biến động thường xuyên, liên tục.
Về lợi ích của việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ông Tô Lâm cho biết, tới đây sẽ không phải thực hiện tổng điều tra dân số, tiết kiệm cho nhà nước 1.500 tỉ đồng. Chi phí xây dựng hệ thống là khoảng 3.000 tỉ đồng, nhưng mang lại lợi ích lớn là kết nối với các ngành khác và phục vụ cho nhân dân trong nhiều thủ tục hành chính, với con số tiết kiệm là hàng trăm nghìn tỉ đồng.
Theo đó, căn cước sẽ tích hợp kết nối với bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, sản xuất văn bằng chứng chỉ, in thẻ bảo hiểm y tế, sao y, chứng thực công chứng… đều mang lại lợi ích rất lớn. Đơn cử như căn cước tích hợp với sổ bảo hiểm y tế, sổ khám sức khỏe, để biết được tình trạng sức khỏe nhân dân, giúp tính toán được các địa phương cần bao nhiêu bác sĩ, hệ thống y tế, chống gian lận trục lợi bảo hiểm y tế…
Bộ trưởng cho biết thẻ căn cước có tiến bộ hơn do ứng dụng công nghệ mới. Trực tiếp cầm một thẻ căn cước trên tay, ông nói mã số trên thẻ có thể sử dụng trong việc đi máy bay cả ở trong nước và quốc tế, tiến tới không cần sử dụng hộ chiếu, người dân chỉ cần thị thực, quẹt thẻ căn cước là có thể di chuyển.
Thẻ căn cước của công dân hiện nay mà Việt Nam sử dụng là một trong số ít các nước có tích hợp QR với nhiều thông tin. Bộ Công an cũng tính toán đưa công nghệ sinh học vào quản lý, tránh trường hợp những người phẫu thuật thẩm mĩ, thay đổi nhận dạng hoặc không có dấu vân tay.
Bộ trưởng cũng bác bỏ các quan điểm cho rằng người dân sử dụng thẻ này sẽ bị theo dõi, do trên thẻ không có sóng, không có tín hiệu, nên không thể có chức năng “theo dõi”.
Ông cũng khẳng định mã số định danh trên thẻ được cấp là vĩnh viễn, việc cấp mới thẻ là của cơ quan nhà nước nhưng với thẻ cấp lại, cấp đổi người dân sẽ phải mất chi phí để nâng cao trách nhiệm bảo quản, giữ gìn thẻ. Việc sử dụng thẻ căn cước cũng sẽ được quy định rõ, sẽ không cơ quan, đơn vị nào có quyền giữ thẻ của người dân, mà chỉ được sử dụng thông tin trong căn cước, ngoại trừ các cơ quan công an phục vụ cho điều tra./.
Theo VOV
- COP29 đạt được thỏa thuận khởi động giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
- Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh vì tương lai phát triển bền vững
- Phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Hội Nhà báo Việt Nam
- Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica