Ca mắc sốt xuất huyết gia tăng tại Hà Nội với 5 ổ dịch đang hoạt động
Ngày 8/7, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 28/6 đến 5/7, trên địa bàn thành phố ghi nhận 118 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 34 trường hợp so với tuần trước đó). Bệnh nhân phân bố tại 21 quận, huyện, trong đó tại huyện Đan Phượng có 68 trường hợp.
Như vậy, tính từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.058 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, tuần qua Thủ đô ghi nhận thêm 1 ổ dịch sốt xuất huyết tại phường Dương Nội, quận Hà Đông. Tổng số ổ dịch từ đầu năm đến nay tại Hà Nội là 18, hiện còn 5 ổ dịch đang hoạt động.
Để phòng chống dịch sốt xuất huyết, thời gian qua, CDC thành phố đã tổ chức giám sát thường xuyên, trọng điểm các chỉ số côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có bệnh nhân, ổ dịch, các khu vực nguy cơ, khu vực ổ dịch sốt xuất huyết cũ, giám sát sau khi triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy để chủ động theo dõi, đánh giá nguy cơ và tham mưu triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp thực tiễn.
Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2024, CDC Hà Nội đã thực hiện giám sát 125 lượt tại 30/30 quận, huyện, thị xã. CDC thành phố dự báo, số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới và ghi nhận thêm các ổ dịch mới.
Trước thực tế đó, Sở Y tế đề nghị ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và cơ quan chuyên môn thực hiện giám sát, xử lý triệt để khu vực có ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết theo đúng quy định, hạn chế thấp nhất ổ dịch lan rộng, diễn biến kéo dài.
Các địa phương tập trung kiểm tra giám sát tại các xã, phường có tỷ lệ bỏ sót ổ bọ gậy và tỷ lệ phun hoá chất diệt muỗi chưa triệt để cao. Đồng thời, chỉ đạo ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng tập trung huy động nguồn lực thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch không để ổ dịch kéo dài lan rộng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Sở Y tế thành phố cũng đề nghị ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn chỉ đạo tổ chức triển khai các hoạt động chủ động phòng, chống dịch như: Chiến dịch thả cá chủ động, vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất diện rộng chủ động.
Các địa phương kiện toàn đội xung kích diệt bọ gậy; Duy trì thường xuyên hoạt động của đội xung kích diệt bọ gậy ít nhất 1 lần/tuần, trong đó tập trung vào các khu vực có nhiều bệnh nhân, bảo đảm chỉ số bọ gậy phải dưới mức nguy cơ./.
Theo TTXVN/Vietnam+