Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
Trong 9 tháng đầu năm 2024, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh có bước phát triển, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) khu vực ngư, nông, lâm nghiệp tăng 3,3%, sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản đều tăng so cùng kỳ năm trước. Diện tích nuôi tôm ổn định, kết hợp nuôi một số loài thuỷ sản khác có hiệu quả.
Bên cạnh đó, các ngành, địa phương đã phối hợp tập trung quyết liệt nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác chống khai thác IUU, chuẩn bị cho đợt thanh tra lần thứ 5 của EC. Công tác tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện giao nộp các thiết bị, công cụ khai thác có tính chất huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản được thực hiện tốt, ý thức của người dân được nâng lên.
Vụ lúa Đông Xuân và lúa - tôm cho năng suất khá, nông dân vừa được giá vừa được mùa; Lúa Hè Thu đã thu hoạch dứt điểm, sản lượng đạt 113,9% so kế hoạch năm, tăng nhẹ so cùng kỳ năm trước, mặc dù vụ lúa này bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Hiện nông dân đang xuống giống vụ lúa - tôm và lúa Mùa năm 2024 - 2025. Tình hình chăn nuôi ổn định, dịch tả heo châu Phi, bệnh dại trên vật nuôi mặc dù có xảy ra nhưng được khống chế kịp thời.
Công tác quản lý chất lượng con giống, vật tư phục vụ sản xuất được tăng cường, nhu cầu về con giống, các loại vật tư thiết yếu được cung ứng khá đầy đủ đã phục vụ sản xuất. Công tác bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm; các vụ vi phạm về lâm nghiệp có xảy ra nhưng quy mô nhỏ. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo, nhất là công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các xã có tiêu chí bị thiếu chuẩn theo quy định. Chất lượng, hiệu quả một số hợp tác xã được nâng lên theo hướng mở rộng sản xuất và dịch vụ.
Các sản phẩm OCOP ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ, chất lượng và quy mô sản xuất ngày càng được nâng lên, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại được quan tâm đầu tư, hỗ trợ.
Một số hạn chế, khó khăn cũng được chỉ ra tại hội nghị như: Kết cấu hạ tầng thuỷ lợi chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, hiện tượng sạt lở, sụt lún đất thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân. Công tác quản lý Nhà nước ở một số địa phương còn thiếu chặt chẽ nên tình trạng ô nhiễm môi trường do nuôi tôm chưa qua xử lý, thải ra môi trường bên ngoài nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn kịp thời; dịch bệnh trên tôm, cua nuôi vẫn còn xảy ra mặc dù đã tích cực hướng dẫn, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh…
Tại Hội nghị cũng nêu ra những phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm như: Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi; Tiếp tục tăng cường phối hợp với các địa phương có biện pháp tiêu độc, khử trùng tránh nguy cơ bùng phát dịch trở lại; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi, dịch cúm gia cầm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, kiểm dịch giống thuỷ sản.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xuống giống vụ lúa tôm và lúa mùa năm 2024 – 2025; Theo dõi các dự án, mô hình năm 2023 chuyển tiếp năm 2024; tiến hành khảo sát địa điểm, cơ sở vật chất triển khai thực hiện các mô hình, dự án trong năm 2024; Xây dựng kế hoạch phương án sử dụng đất bờ bao vuông tôm và xây dựng mô hình điểm;Tiếp tục xây dựng nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi, vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
- Vai trò của giai cấp Nông dân trong thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945