Xã hội

Các tỉnh Bắc Bộ cấp bách khắc phục hậu quả bão số 3 và ứng phó với hoàn lưu bão

Bảo Minh - 17:00 08/09/2024 GMT+7
Ngay sau khi bão số 3 (bão Yagi) đi qua, các địa phương khu vực đồng bằng Bắc Bộ đã có thống kê ban đầu, các số liệu cho thấy bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất và đời sống. Các địa phương đang khẩn trương khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định đời sống cho nhân dân.

Theo thông tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, trong hôm nay và ngày mai (9/9), hoàn lưu sau bão số 3 sẽ gây mưa lớn cho cả khu vực đồng bằng, trung du và vùng núi phía Bắc, với lượng mưa trung bình 24 giờ có thể lên tới 100 - 150mm, có nơi có thể trên 200mm, nguy cơ cao xảy ra lũ trên các sông suối và lũ quét, sạt lở đất tại một số địa phương.

Quảng Ninh huy động toàn lực khắc phục hậu quả bão số 3 

Ngày 8/9, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Công điện số 04/CĐ-UBND về việc tập trung khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra. Công điện nêu rõ: Ngày 7/9/2024, siêu bão số 3 đã đổ bộ vào Quảng Ninh là cơn bão lịch sử với cường độ rất mạnh, với sức gió cấp 13 - 14, giật trên cấp 17 và mưa rất to với lượng mưa từ 100 - 250 mm. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương, Tỉnh ủy; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương chủ động tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó từ sớm, từ xa; tuy nhiên với cường độ mạnh (cấp siêu bão), bão số 3 đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh.

Để nhanh chóng ổn định đời sống Nhân dân và khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra, trong đó ưu tiên khôi phục ngay hoạt động trong các lĩnh vực: đảm bảo giao thông, điện nước, viễn thông, môi trường; với tinh thần hết sức khẩn trương, quyết liệt, thực hiện làm ngày, làm đêm, sớm đưa các hoạt động của người dân trở lại bình thường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Khẩn trương chỉ đạo các xã, phường, thị trấn và các cơ quan chuyên môn, huy động các lực lượng thanh niên, xung kích hỗ trợ người dân khắc phục các sự cố do bão số 3 gây ra; Các Sở, ban, ngành, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh... phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành đơn vị có liên quan huy động mọi lực lượng, phương tiện chủ động thực hiện hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả sau bão, tổ chức dọn dẹp các vị trí bị ảnh hưởng do bão số 3 gây ra đảm bảo vệ sinh, môi trường không để xảy ra dịch bệnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, các đoàn viên, hội viên thực hiện tốt các giải pháp khắc phục hậu quả sau bão, khôi phục phát triển sản xuất có hiệu quả, bền vững...  

Công an tỉnh Quảng Ninh xác định các địa bàn trọng điểm cần tập trung khắc phục hậu quả bao gồm: Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô. Trong đó chú ý đến các địa điểm bị sạt lở đất, cây xanh, cột điện đổ chặn các tuyến đường giao thông; khu vực dân cư ở vùng trũng bị ngập úng do mưu sau bão; các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa có thiệt hại do tác động của mưa bão. Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương cần tiếp tục tinh thần chủ động hơn nữa; phải đánh giá đúng, chính xác về thiệt hại và vùng thiệt hại đã và có thể xảy ra, đồng thời cần phải dự báo tốt theo từng địa bàn cụ thể để có kế hoạch bố trí nhân lực và phương tiện phù hợp, hiệu quả.

Công an tỉnh phân công 5 đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Công an tỉnh trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương bị thiệt hại do mưa bão gây ra. Nhiệm vụ trọng tâm các đoàn kiểm tra cần nắm bắt thông tin về tình hình hậu quả thiệt hại do bão gây ra; những địa điểm đã và có nguy cơ bị ngập úng, lũ, sạt lở do mưa lớn; những vấn đề khó khăn, vướng mắc về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị… Các đoàn nắm tình hình, phát hiện những vấn đề phát sinh liên quan an ninh, trật tự, để kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp có phương án, giải pháp xử lý như vấn đề về an toàn giao thông (thủy, bộ); an ninh kinh tế các lĩnh vực liên quan nông, lâm, ngư nghiệp, an toàn hồ đập, đê điều, an ninh nguồn nước, than, điện…

Tổng hợp báo cáo của các địa phương cấp huyện như Hạ Long, Cẩm Phả, Cô Tô, Tiên Yên, Hải Hà cho thấy, chưa ghi nhận có thiệt hại về người lao động lĩnh vực thủy sản, 1 người lao động thủy sản mất tích, 18 tàu cá bị đắm hoặc trôi dạt, trên 1.000 ô lồng, bè nuôi trồng thuỷ sản bị cuốn trôi, 7 cơ sở nuôi trồng thuỷ sảnnước ngọt và nuôi tôm thẻ chân trắng bị tốc mái tôn (diện tích khoảng 17.000m2) và ngập úng. Các địa phương còn lại báo cáo không có thiệt hại về người, chưa có con số thống kê thiệt hại về tài sản trong lĩnh vực thủy sản.

Người dân TP. Hạ Long thu dọn cây gãy đổ sau bão.

Tại TP. Hạ Long: Trước khi bão đổ bộ, với tinh thần “4 tại chỗ”, bí thư chi bộ, trưởng các khu phố của thành phố Hạ Long đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân chủ động cắt tỉa cành cây, chuẩn bị trang thiết bị như cuốc, xẻng, dao, cưa máy và vật dụng khác để sẵn sàng xử lý các tình huống do bão gây ra. Ngay sau bão tan, người dân khu phố đã sớm tập trung cùng nhau dọn dẹp ngõ phố, đến 9 giờ 30 ngày 8/9, nhiều đường phố, ngõ xóm của Hạ Long đã thông thoáng, phương tiện đi lại bình thường.

Tại huyện Cô Tô: Theo thống kê đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Cô Tô có 22 phương tiện thủy, bè nuôi thủy sản bị đắm gồm: 14 tàu xi măng, 2 tàu gỗ, 1 xuồng composite, 4 bè nuôi trồng thủy sản, 1 mảng gỗ; khoảng trên 500 nhà dân, trụ sở, trường học, khách sạn, nhà văn hóa thôn, nhà văn hóa trung tâm huyện bị tốc mái tôn, ngói lợp; sập toàn bộ 3 mái sân chơi của trường mầm non; đổ 180m tường rào trường học, tường rào nhà văn hóa trung tâm huyện; nhiều nhà dân, khách sạn bị gió thổi vỡ kính, hỏng cửa; hơn 10 cột điện bị gãy đổ; không có nhà bị sập. Toàn huyện có khoảng trên 400 cây xanh 2 bên đường bị gãy đỗ; khoảng trên 5ha rừng phòng hộ ven biển bị gió đánh gãy, đổ; không có thương vong, thiệt hại về người.

Người dân huyện Cô Tô (Quảng Ninh) dọn dẹp sau bão. Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN

Hiện nay, toàn huyện Cô Tô đang tập trung khắc phục các đường dây, thiết bị điện nhằm sớm có điện sinh hoạt trở lại và tín hiệu để đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt; huy động tối đa các lượng lượng giúp dân khắc phục hậu quả của bão, sửa chữa tạm thời nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường, cắt dọn cây đổ ven đường.

Tại huyện Vân Đồn: Sau khi triển khai công tác tìm kiếm trên biển đối với những người mất tích, đến 8 giờ 50 phút hôm nay, các lực lượng của huyện Vân Đồn đã tìm kiếm được 6 người mất tích. Những người này là công nhân trông coi các bè nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có 3 người thuộc hộ gia đình anh Long Văn Quảng. Hiện sức khoẻ của những người này đều ổn định. Cũng trong sáng nay, huyện Vân Đồn đã thành lập nhiều tổ công tác, chia thành nhiều mũi trực tiếp xuống các địa bàn, khu vực nuôi trồng thuỷ sản trên biển để nắm tình hình, kiểm tra, khắc phục hậu quả do bão số 3. Hiện tại trên địa bàn huyện Vân Đồn có mưa nhỏ, mưa vừa, gió nhẹ. Công tác khắc phục hậu quả đang được các cấp, ngành triển khai thực hiện tích cực, quyết liệt. Tuy nhiên trên biển, sóng và gió to khiến cho công tác kiểm tra, rà soát gặp khó khăn.

Tại huyện Hải Hà: Theo báo cáo nhanh của huyện Hải Hà, bão số 3 đã làm tốc mái 37 nhà ở, sập 1 nhà dân đang thi công dang dở, 4 trường học bị tốc mái với diện tích 620m2, 19 trường học bị hư hỏng cửa kính, nhà vệ sinh, cổng trường, các biển hiệu trong trường; 800m2 công trình phụ bị tốc mái; 305m tường bao bị sập đổ; 152 biển pano, quảng cáo bị hư hỏng; 44 cột điện bị gãy, đổ (5 cột điện hạ thế, 39 cột điện thắp sáng đường quê và đường điện xương cá); 3.200m dây điện các loại bị đứt; 1.612 cây xanh tại các trục đường giao thông, khuôn viên các cơ quan, trường học bị gãy đổ.

Nhân dân huyện Hải Hà phối hợp với Công ty vệ sinh môi trường sử dụng máy móc, dụng cụ để tổng dọn vệ sinh môi trường ở các khu dân cư, khu vực công cộng. 

Hơn 160 ha rừng sản xuất bị gãy đổ, 605 cây ăn quả bị gãy đổ; 149 ha lúa bị ngập cục bộ, đổ rạp; 6,7 ha mía, 7,4 ha hoa màu khác bị gãy đổ; hơn 2 tấn cá ao nuôi nước ngọt chết do mất điện. Nuôi trồng thủy sản trên biển hiện tại chưa thống kê được thiệt hại.

Ngay khi bão số 3 đi qua, các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn đã tích cực huy động cán bộ công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân phối hợp với Công ty vệ sinh môi trường sử dụng các phương tiện, máy móc, dụng cụ để tổng dọn vệ sinh môi trường ở các khu dân cư, khu vực công cộng, các điểm còn tồn đọng rác thải, cành cây đổ, gãy…; góp phần khắc phục nhanh chóng, giữ gìn cảnh quan đô thị, môi trường huyện.

Thành phố Uông Bí: Bão số 3 đã gây ảnh hưởng lớn đến thành phố Uông Bí. Thống kê sơ bộ toàn thành phố có 24 nhà đổ sập, 1.577 nhà mái tôn bị tốc mái, 1.385 nhà bị ngập nước, 623.250 cột điện và 7.769 cây xanh bị gãy đổ, 296 công trình khác bị hư hỏng. Ngoài ra, thành phố Uông Bí có 6 trạm biến áp bị hư hỏng, 6 cột điện cao thế bị gãy đổ, 300ha hoa màu và 200ha nuôi trồng thuỷ sản bị ảnh hưởng.

Trước tình hình thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra, TP Uông Bí khẩn trương huy động lực lượng khắc phục, thu dọn cây xanh, bảng biển gãy đổ ra đường để tránh ách tắc giao thông. Ngay sau khi bão đi qua, các tuyến đường trên địa bàn đều thông tuyến. Thành phố ưu tiên nhân lực và vật lực rà soát, hỗ trợ các hộ dân bị ngập lụt, trong đó di dời dân đối với hộ ngập lụt sâu và di chuyển, bảo vệ tài sản đối với hộ ngập lụt ít nghiêm trọng. Thành phố Uông Bí khuyến khích người dân tự dọn dẹp, khắc phục hậu quả của bão tại gia đình và khu vực công cộng nơi mình sinh sống. Đơn vị điện lực thành phố khẩn trương khắc phục hư hại về thiết bị, công trình điện, mục tiêu nhanh nhất phục hồi, cấp điện trở lại.

Thành phố Cẩm Phả nhanh chóng khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống người dân: Hậu quả của bão số 3, TP Cẩm Phả thiệt hại 298 nhà ở tốc mái, 1.122 mái chống nóng bị tốc, 223 cột điện bị gãy đổ tại đường quốc lộ và thôn bản; 8.385 cây xanh bị đổ, gãy… Thời điểm này, TP Cẩm Phả đang huy động tối đa nhân lực, vật lực và vận động quần chúng nhân dân cùng chung tay dọn dẹp vệ sinh, khắc phục các ảnh hưởng do bão gây ra.

TP Cẩm Phả có 94 cột điện tại đường quốc lộ và 129 cột điện tại các đường thôn, xóm bị gãy, đổ.

Thị xã Đông Triều: Số liệu sơ bộ thống kê đến sáng ngày 8/9/2024, toàn địa bàn thị xã bị mất điện, tổng số cột điện bị đổ gãy là 277 cột (trong đó có 1 cột cao thế 110KV tại xã Bình Khê); số nhà bị tốc mái 3.885 nhà; số cây bị đổ gãy là 5.928 cây; diện tích hoa màu 208ha; diện tích lúa 183ha. Không có thiệt hại về người. Sau cơn bão, các địa phương trên địa bàn thị xã đang tích cực khắc phục theo phương án 4 tại chỗ, ưu tiên khắc phục hạ tầng giao thông, hỗ trợ sửa chữa nhà ở của người dân, sửa chữa và khôi phục hệ thống điện. Đồng thời, lực lượng chức năng và người dân tập trung dọn dẹp cây xanh, cột điện, mái tôn bị đổ, bay chắn ngang đường; hỗ trợ người dân ở các khu vực bị cô lập do nước dâng cao ngập tràn do hoàn lưu sau cơn bão.

Ngập lụt gây khó khăn trong việc di chuyển cho người dân huyện Đông Triều.

Hải Phòng nhanh chóng khắc phục sự cố viễn thông, giao thông, điện, nước, vệ sinh môi trường

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố, bão số 3 đã làm 2 người chết (tại huyện Tiên Lãng và Thuỷ Nguyên); 12 người bị thương tại gia đình do vỡ kính, mái tôn, đã được sơ cứu tại Trung tâm Y tế huyện/quận. Trong đó, huyện An Dương 4 người, quận Ngô Quyền 7 người, huyện Thuỷ Nguyên 1 người. Về hệ thống công trình đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai trên địa bàn thành phố được đảm bảo an toàn, chưa phát sinh sự cố. Các phương tiện neo đậu tại các khu tránh trú bão đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, nhiều tuyến đường, tuyến phố bị gãy đổ cây xanh, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, biển báo, đường dây thông tin, bị ngập nước gây ách tắc nghiêm trọng; hoạt động giao thông bị đình trệ, gián đoạn. Nhiều khu vực bị cắt điện để đảm bảo an toàn hoặc do sự cố đường dây. Nhiều nhà dân, trụ sở cơ quan, cơ sở doanh nghiệp, kho tàng, xưởng sản xuất, trang trại chăn nuôi bị hư hại, tốc mái, cột điện bị gãy đổ. Nhiều diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, cây cảnh bị gãy đổ, hư hại. Diện tích lúa có khoảng 5.000 ha đang trỗ bông bị hư hại, rau màu: 1.750 ha rau màu bị ảnh hưởng nặng, 1.000 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng nặng, 400 ha hoa cây cảnh bị ảnh hưởng. Các phương tiện neo đậu tại các khu tránh trú bão đảm bảo an toàn. Tình hình thiệt hại ở mức rất lớn và chưa thể đánh giá, thống kê chính xác, chỉ tiết.

Tàu Minh Anh 01 (có 12 thuyền viên) bị mất khả năng điều động, trôi dạt tại khu neo vịnh Lan Hạ đã được Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng phối hợp với các lực lượng chức năng hỗ trợ neo đậu, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Khắc phục sự cố mất điện trên diện rộng, hiện đã có 3 trên 5 trạm 220KV gặp sự cố (trong tổng số 35 trạm 110KV) đã khắc phục, đến 6h sáng nay toàn thành phố đã có160.000 trong tổng số 793.000 khách hàng được sử dụng điện, đến 12 giờ ngày 8/9 sẽ cấp điện cho 80% hệ thống điện, cố gắng khắc phục 20% còn lại xong trước 18 giờ ngày 08/9/2024.

Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng chủ trì cuộc họp với các sở, ban ngành tập trung khắc phục hậu quả bão số 3.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Hải Phòng kiến nghị khẩn trương thu dọn vật cản khôi phục giao thông, sửa chữa khắc phục kết cấu hạ tầng thiết yếu, cấp điện, cấp nước trở lại, khôi phục các hệ thống hạ tầng thông tin liên lạc; tiêu thoát nước ngập úng, vệ sinh môi trường; tổ chức cảnh báo nguy hiểm đối với các tuyến giao thông, kết cấu hạ tầng hư hại chưa được khôi phục... 

Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị các đơn vị chức năng, địa phương cần quan tâm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; tổ chức hỗ trợ đối với các đối tượng bị thiệt hại như về y tế, nhu yếu phẩm cần thiết; động viên, hỗ trợ nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp khẩn trương khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất, trở lại cuộc sống bình thường; các lực lượng chuyên trách tiếp tục tập trung ứng cứu kịp thời các sự cố có thể xảy ra...

Khu vực phố Chùa Hàng mưa ngập, cây xanh đổ la liệt chắn lối đi khiến người dân di chuyển khó khăn.

UBND thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo khắc phục sự cố về viễn thông, giao thông, điện, nước, vệ sinh môi trường… để đảo bảo sinh hoạt cho Nhân dân; trong đó, tập trung chỉ đạo khắc phục sự cố viễn thông trong thời gian sớm nhất; điện lực phải đảm bảo hoạt động sản xuất bình thường của các doanh nghiệp, nhất là các khu, cụm công nghiệp, chậm nhất trong ngày hôm nay phải hoàn thành; khắc phục ngay sự cố cây xanh, chặt tỉa, thu gom cành cây gãy đổ, trồng lại các gốc cây bảo đảm yêu cầu; trong ngày hôm nay phải đảm bảo giao thông kết nối các quận huyện, đến ngày 9/9/2024 phải đảm bảo giao thông thông suốt toàn thành phố.

Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy đề nghị, trên cơ sở thống kê các thiệt hại, UBND thành phố đề xuất kinh phí hỗ trợ cho người bị thiệt hại do bão số 3 gây ra; MTTQ và các đoàn thể rà soát nguồn lực hiện có để có kế hoạch hỗ trợ người dân, huy động đoàn viên, hội viên hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau bão. 

Thái Bình: Thiệt hại ước tính 2.000 tỷ đồng do bão số 3 gây ra

Do ảnh hưởng của bão số 3, tại Thái Bình đã đo được gió mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 12; lượng mưa trung bình toàn tỉnh từ ngày 6/9 đến 19h ngày 7/9 là 203,4mm, đặc biệt có nơi cao hơn như An Hiệp (Quỳnh Phụ) 419,4mm.

Tỉnh Thái Bình hiện chưa ghi nhận thiệt hại về người và tàu thuyền. Hiện có một số nhà dân, nhà xưởng, cơ quan, trường học bị tốc mái, tình trạng cây cối bị gãy đổ, bật gốc nhiều. Về hệ thống điện, sơ bộ theo thống kê ban đầu có khoảng 30 cột điện bị đổ; 11 cột viễn thông bị đổ, gẫy; 17 trạm biến áp bị sự cố.

Về sản xuất nông nghiệp, có 28 nghìn ha lúa bị thiệt hại từ 30-70%; 27 nghìn ha bị thiệt hại trên 70%. Về rau màu vụ Đông mới trồng và rau màu vụ Hè thu chưa thu hoạch, có 585 ha bị ảnh hưởng từ 30-70%; 2.760 bị ảnh hưởng trên 70%. Cây ăn quả có 1.215 ha bị ảnh hưởng từ 30-70%; 170 bị ảnh hưởng trên 70%. Diện tích lúa đổ bị úng ngập là 18.000 ha. Tình hình công trình đê điều, sạt lở một số vị trí tuyến kè, bờ sông, bờ biển và một số tuyến kênh nội đồng. Tỉnh Thái Bình cho biết tổng thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND Tỉnh Thái Bình kiểm tra, chỉ đao công tác khắc phục ảnh hưởng bão số 3 ngay trong đêm.

UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu các đơn vị trong tỉnh rà soát, đánh giá cụ thể thiệt hại diện tích lúa mùa, hoa màu, thủy sản, chủ động các biện pháp khắc phục, phục hồi sản xuất. Các đơn vị có phương án để kịp thời hỗ trợ cho người dân vùng bị thiệt hại khôi phục và phát triển sản xuất; kiểm tra, rà soát, khắc phục sớm nhất hệ thống thông tin liên lạc, internet, đảm bảo thông tin thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành và nhu cầu của người dân ngay sau bão. Các địa phương, đơn vị cần tập trung nhân lực, vật tư, phương tiện khẩn trương triển khai công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, khắc phục hậu quả cơn bão.

Lúa mùa của người dân xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình ngập trong nước. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Tỉnh Thái Bình đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ thiệt hại sản xuất theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh: với tổng kinh phí 123 tỷ đồng; hỗ trợ phục hồi sản xuất: giống cây trồng các loại bao gồm 100 tấn ngô, 250 tấn đậu tương, 500 tấn lạc, 5.000 tấn khoai tây và 20 tấn rau màu các loại ; hỗ trợ khắc phục sự cố đê điều, thủy lợi: với tổng kinh phí 850 tỷ đồng. Khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển: Xây dựng tuyến kè bảo vệ chống sạt lở với tổng kinh phí 250 tỷ đồng; khắc phục sạt lở các tuyến kè với tổng kinh phí 250 tỷ đồng...

Báo số 3 gây thiệt hại hơn 50 tỉ đồng ở tỉnh Nam Định

Theo thông tin từ UBND tỉnh Nam Định, trong thời gian bão số 3 đổ bộ (khoảng từ 13h đến 19h30 ngày 7/9), trên vùng biển tỉnh Nam Định có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13, biển động dữ dội; trên đất liền có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10 kèm theo mưa.

Về thiệt hại ban đầu, tỉnh Nam Định chưa ghi nhận thiệt hại về người; khoảng 5.000ha lúa, 230ha cây hoa màu, 130ha cây ngô hè thu, 20ha nuôi cá da trơn, 220ha nuôi tôm thâm canh bị ảnh hưởng. Hai công trình nhà văn hoá bị tốc mái, hàng nghìn cây bóng mát bị đổ, 15 cột điện hạ thế bị đổ và hệ thống đường điện liên quan, nhiều biển quảng cáo, biển chỉ dẫn bị bay tốc. Một số công trình đê điều, phòng chống thiên tai bị sạt lở, lún sụt. Tổng thiệt hại bước đầu ước khoảng 50 tỷ đồng.

Trưa ngày 8/9, các ông Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy (thứ 4 từ trái sang); Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có buổi kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 tại TP. Nam Định.

Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định chỉ đạo các địa phương, đơn vị có liên quan trên địa bàn khẩn trương rà soát, thống kê bước đầu, xác định mức độ thiệt hại do bão gây ra và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Các địa phương đơn vị huy động các lực lượng hỗ trợ người dân bị di dời tránh bão trở về nhà và kiểm tra chỗ ở đảm bảo an toàn, hỗ trợ người dân khắc phục các thiệt hại do bão gây ra; dọn dẹp vệ sinh môi trường, nhanh chóng khắc phục các sự cố như mất điện, ngập lụt... để sớm ổn định sản xuất và đời sống cho nhân dân sau bão; cắt, thu gom cây xanh bị gãy đổ và di dời khỏi vị trí, xử lý vật cản giao thông trên các tuyến đường để đảm bảo giao thông được thông suốt, an toàn.

Bão số 3 gây thiệt hại ước tính hơn 50 tỉ đồng ở tỉnh Nam Định.

Do kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai của tỉnh còn nhiều khó khăn, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành Trung ương xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí thiệt hại cho tỉnh Nam Định trong việc khắc phục bão số 3./.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác