Các địa phương thả hàng triệu con giống tái tạo nguồn thủy sản
Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản phát biểu tại lễ mít tinh và thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ảnh Văn Thọ
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, thực hiện lời dạy của Bác, 63 năm qua, với sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ, ngành Thủy sản đã có những bước phát triển liên tục, toàn diện cả về khai thác, nuôi trồng và chế biến, xuất khẩu, duy trì được sự tăng trưởng ổn định qua các năm. Những thành tựu đạt được của ngành Thủy sản đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Sự hiện diện thường xuyên của bà con ngư dân và các tàu cá trực tiếp khai thác hải sản trên biển chính là những cột mốc sống, góp phần quan trọng giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Trong thời gian qua, ngành Thủy sản tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với khai thác thủy sản; giá nhiên liệu, xăng dầu tăng cao; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan, diễn biến phức tạp, khó lường; đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid -19 bùng phát trên diện rộng làm đứt gãy các chuỗi cung ứng. Nhưng với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự vào cuộc tích cực của các bộ ngành, địa phương đặc biệt là sự nỗ lực của người dân, các doanh nghiệp, Hội, hiệp hội và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, ngành thủy sản đã đạt được những kết quả ấn tượng: tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản năm 2021 đạt 3,01%, tổng sản lượng thủy sản đạt 8,73 triệu tấn (tăng 1% so với năm 2020). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,89 tỷ USD tăng 5,7% so với năm 2020.
Ngay sau buổi lễ, đã có khoảng 4,3 triệu con giống thủy sản, trong đó gần 4 triệu tôm sú giống và 300.000 cua biển giống được thả xuống vùng biển tự nhiên.
Các con giống thủy sản trên một phần do ngân sách mua, còn lại chủ yếu vận động các doanh nghiệp, ngư dân, người hoạt động trong ngành thủy sản đóng góp. Các con giống thả đều được kiểm tra, khỏe mạnh và sạch bệnh trước khi thả xuống vùng biển, dễ thích nghi với điều kiện tự nhiên của địa phương.
Nhân dịp này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Thị Thu Nguyệt đã phát động phong trào toàn dân Việt Nam tham gia bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản; các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành thủy sản, các tăng ni, phật tử, các tín đồ tôn giáo, các em học sinh, sinh viên và toàn thể người dân hãy “Chung tay bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản” cho chúng ta và cho thế hệ mai sau.
Ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu thả cá giống tái tạo thủy sản. Ảnh Nguyễn Bình
Trong dịp này, Sở NNPTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với địa phương, các Sở ban ngành có liên quan thả 2.000 con cá chim vây vàng, kích thước 8 – 9 cm, 2.000 con cá chẽm kích thước 10 – 11 cm, 1.000 con cá mú kích thước 6 – 7 cm, 700.000 con tôm sú post 13 – 15 và 100 kg cá trê, cá rô phi;
Lễ thả giống được tổ chức tại 3 địa điểm Khu tượng đài Tàu Không số, ngay cầu sông Ray, tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc; Ngã ba sông Mũi Giui, tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu và Hồ Quang Trung, Hồ Hải An, tại huyện Côn Đảo;
Chiều 1.4.2022, Sở NNPTNT tỉnh Nam Định tổ chức thả 1 triệu con giống thủy sản xuống sông Hồng (đoạn qua địa bàn xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc), đồng thời phát động Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2022.
Ngày 1.4, Sở NNPTNT tỉnh Nam Định tổ chức thả một triệu con giống thủy sản xuống sông Hồng (đoạn qua địa bàn xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc). Ảnh Trần Khánh
Theo bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nam Định, tỉnh có 72km bờ biển và 3 sông lớn chảy qua là sông Hồng, sông Đáy và sông Ninh Cơ; có hơn 17.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Năm 2021, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh đạt hơn 175.570 tấn, giá trị sản xuất thủy sản ước đạt 11.000 tỷ đồng (theo giá hiện hành), chiếm 31% tỷ trọng cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tốc độ tăng trưởng sản xuất thủy sản tăng 6,7% so năm 2020.
Sáng 2.4.2022, tại huyện Cần Giờ, Sở NNPTNT TP.HCM và Chi cục Thuỷ sản TP.HCM phối hợp tổ chức hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản năm 2022. Bà Võ Thị Mộng Thu, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản TP.HCM cho biết: Đợt này có 10.000 con cá giống bống mú và hơn 20.000 con cá chẽm (từ nguồn kinh phí vận động) được các đại biểu và nhân dân thả xuống lưu vực sông Dần Xây, huyện Cần Giờ. Công tác thả đảm bảo cá giống sau khi phóng sinh sẽ đạt tỉ lệ sống cao nhất.
Cũng trong dịp này, Sở NNPTNT thành phố Cần Thơ phối hợp cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Cần Thơ tổ chức lễ phát động phong trào thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn thành phố. 40.000 con cá giống các loại đã được thả xuống sông nhằm nâng cao công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Năm nay, thành phố Cần Thơ tổ chức thả cá ở 9 điểm với các loài cá bản địa tại địa phương như: cá rô, cá lóc, cá trê, cá hô, cá chạch… tổng số lượng cá thả khoảng 150.000 con cá giống các loại.
Tổng diện tích thả nuôi thủy sản ở Cần Thơ hiện nay là 8.803 ha, bằng 99% so với năm 2020, vượt 7% so với kế hoạch năm (8.200 ha). Sản lượng nuôi thủy sản đạt 217.488 tấn, vượt 1% so với cùng kỳ năm 2020 và vượt 9% so với kế hoạch năm (199.600 tấn).
Công Duy (tổng hợp)
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi