Nông nghiệp

Các tỉnh Bắc bộ khẩn trương khắc phục diện tích lúa Đông Xuân bị ảnh hưởng rét đậm, rét hại

Nguyễn Minh - 13:04 03/03/2022 GMT+7
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) thống kê sơ bộ, hiện đã có hàng nghìn héc ta lúa Đông Xuân mới gieo cấy ở các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng của rét đậm, rét hại (chủ yếu gieo sạ), nhiều khả năng phải gieo cấy lại.

Hàng nghìn héc ta diện tích lúa cấy và sạ bị thiệt hại

Thời gian qua, do rét đậm, rét hại liên tục, nhiều diện tích lúa Đông Xuân của huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đã bị ảnh hưởng, cục bộ một số ruộng không có khả năng hồi phục, phải gieo cấy lại.

Ông Phạm Văn Mưu, Phó Giám đốc HTX Định Hóa (xã Định Hóa, huyện Kim Sơn) cho biết: Vụ này, toàn HTX gieo cấy hơn 400 ha lúa, trong đó 90% diện tích áp dụng phương pháp gieo sạ còn lại là cấy. Bà con xuống giống tập trung từ ngày 12-17/2, ngay giáp đợt mưa rét nên nhiều diện tích lúa bị ảnh hưởng, cây lúa táp lá, sinh trưởng phát triển kém. Hiện HTX đang khẩn trương đưa nước vào các kênh mương để bà con chủ động bơm tát vào ruộng của từng gia đình; cũng như tuyên truyền hướng dẫn nhân dân ngâm ủ giống sạ bổ sung các diện tích bị thiệt hại, đảm bảo khung lịch thời vụ tốt nhất.

Nông dân HTX nông nghiệp Tân Thành (xã Tân Thành, huyện Kim Sơn) lấy nước chuẩn bị gieo sạ lại các diện tích lúa bị chết do rét đậm, rét hại. Ảnh minh họa Nguyễn Lựu

Theo phòng NNPTNT huyện Kim Sơn, vụ Đông Xuân 2021-2022, toàn huyện có kế hoạch gieo cấy hơn 8 nghìn héc ta lúa, trong đó toàn bộ diện tích cấy ở trà xuân muộn, với 95% là các giống thuần, chất lượng cao. 

Về cơ bản, đến ngày 20/2, các địa phương đã cơ bản gieo cấy xong. Tuy nhiên, sau đó, nhiều ngày có rét đậm, rét hại, có những thời điểm nhiệt độ xuống dưới 100C khiến một số diện tích lúa cấy và sạ bị thiệt hại phải gieo cấy lại. Phòng đã tham mưu cho UBND huyện ra công văn về việc khắc phục. Theo đó, yêu cầu UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các HTX Nông nghiệp đôn đốc, hướng dẫn nông dân kiểm tra lại diện tích lúa đã gieo cấy, xác định mức độ thiệt hại để tổng hợp báo cáo và đưa ra các biện pháp khắc phục cho phù hợp. 

Đối với diện tích bị thiệt hại dưới 70% thì cấy dặm bằng mạ dự phòng cho đủ mật độ; đối với những diện tích bị thiệt hại từ 70% trở lên thì tiến hành gieo sạ lại bằng những giống ngắn ngày để đảm bảo thời vụ.

Tại tỉnh Hải Dương, hơn 1.000 ha lúa Đông Xuân khó có khả năng hồi phục phải gieo cấy lại, chủ yếu là diện tích lúa gieo thẳng từ ngày 16 - 18/2, tập trung chính tại các huyện Bình Giang 200ha, Cẩm Giàng 85ha, Thành phố Chí Linh 670ha… Theo đánh giá sơ bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Dương, tính đến ngày 24/2, toàn tỉnh đã gieo cấy được 47.765ha, đạt 86,8% so với kế hoạch. Diện tích chưa gieo cấy chủ yếu ở Kinh Môn (do thu hoạch hành muộn) và một số xã thuộc huyện Bình Giang, Tứ Kỳ, Nam Sách, Chí Linh.

Thời gian qua, do rét đậm, rét hại liên tục, đã ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của mạ và lúa mới gieo cấy. Một số diện tích mới gieo thẳng và cấy mạ non từ ngày 15/2 trở đi đã bị ngập úng cục bộ, bị trôi mầm mạ và đến nay đã có biểu hiện bị chết rét. Ước tính có khoảng 7.342 ha, tương đương 15% tổng diện tích lúa đã gieo cấy của tỉnh Hải Dương bị ảnh hưởng do rét đậm, rét hại, chủ yếu là lúa  gieo thẳng và lúa cấy mạ non sau ngày 15 - 16/2.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Dương, nông dân đang khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục như tiếp tục chăm sóc phục hồi cho cây lúa, ngâm ủ mạ để chuẩn bị gieo lại đối với những diện tích năng bị chết.

Về nguồn cung lúa giống, ông Nguyễn Hữu Hỷ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Hải Dương cho biết: Đối với những diện tích lúa bị ảnh hưởng, buộc phải gieo cấy lại, bà con nên sử dụng các giống lúa ngắn ngày ở trà xuân muộn như Bắc thơm 7, Khang dân 18… Đặc biệt, với lịch thời vụ năm nay, bà con cần hoàn thành gieo cấy chậm nhất đến 15/3. Hiện Công ty đang dự trữ khoảng 200 – 300 tấn lúa giống, do đó không lo xảy ra tình trạng thiếu giống khôi phục sản xuất.

Khẩn trương khắc phục, gieo cấy lại

“Cục Trồng trọt đề nghị Sở NNPTNT các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc bộ tiếp tục rà soát, đánh giá, tổng hợp gửi về Cục, đặc biệt là những diện tích gieo cấy vào thời điểm rét đậm, rét hại vừa qua - ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) nhấn mạnh và nhận định thời gian tới, diện tích lúa bị thiệt hại sẽ tăng lên.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Về diện tích lúa ảnh hưởng do rét, đến thời điểm này đã có một số địa phương có báo cáo tổng hợp ban đầu về tình hình lúa Đông Xuân bị chết rét, cụ thể như: Hòa Bình có 15,5ha; Hà Nam khoảng 95,5ha có khả năng phải gieo trồng lại. Phú Thọ khoảng gần 1.100ha bị ngập úng và ảnh hưởng bởi rét... Diện tích thiệt hại chủ yếu là diện tích gieo sạ.

Chi Cục trồng trọt các địa phương cũng khuyến cáo nông dân không gieo cấy trong những ngày nhiệt độ trung bình ngày dưới 150C. Đối với diện tích mạ chưa cấy, mở dần nilon khi trời nắng ban ngày và che đậy lại ban đêm, đồng thời bón tro bếp, phân chuồng ủ mục chống rét cho mạ hoặc phun một số chế phẩm sinh học để giúp mạ ra nhiều rễ trắng, tăng khả năng chống chịu cho mạ.

Tuyệt đối không bón đạm, NPK cho mạ. Đối với diện tích mạ không có khả năng phục hồi sau mưa rét, cần thống kê diện tích để có phương án ngâm ủ thóc giống bổ sung ngắn ngày để gieo thẳng hoặc gieo mạ trên nền đất cứng có che phủ nilon. 

Khi thời tiết ấm dần, mạ hồi phục ra rễ trắng, nhiệt độ trung bình trên 150C tiếp tục cấy. Tập trung gieo cấy hết diện tích trong khung thời vụ. Không bón lót đạm trước khi gieo cấy.

Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Tân Uyên (Lai Châu) hướng dẫn nông dân xã Phúc Khoa che phủ ni lông cho mạ vụ Đông Xuân. Ảnh minh họa Bùi Chiến

Đối với diện tích lúa đã gieo cấy, cần tăng cường thăm đồng, kiểm tra, nếu diện tích nào bị chết hoặc bị ảnh hưởng nặng, khó có khả năng phục hồi, phải khẩn trương hướng dẫn nông dân kịp thời ngâm ủ giống lúa ngắn ngày (HN6, KD18, BT7, Q5...) để gieo thẳng (đối với chân cao, vàn) hoặc gieo mạ sân để cấy (đối với chân trũng).

Những diện lúa tích đến nay chưa bị ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng nhẹ do rét đậm rét hại vừa qua phải tăng cường chống rét cho lúa và chăm sóc lúa sau khi thời tiết ấm lên như: Cung cấp đủ nước, duy trì mực nước nông thường xuyên từ 2 - 3 cm và láng mặt đối với diện tích lúa mới gieo thẳng để chống rét, giữ ấm cho lúa với phương châm “lấy nước làm áo”; không để lúa chết úng hoặc chết khô do thiếu nước.

Bón tro bếp, phân chuồng ủ mục, phun bổ sung phân lân, kali qua lá... để tăng khả năng chống rét cho lúa. Tuyệt đối không bón thúc đạm cho lúa khi nhiệt độ trung bình ngày thấp dưới 150C.

Khi thời tiết ấm dần, lúa bén rễ, hồi xanh cần kịp thời san tỉa, cấy dặm bón thúc cho lúa,

Khi thời tiết ấm dần, lúa bén rễ, hồi xanh cần kịp thời san tỉa, cấy dặm bón thúc cho lúa, với phương châm bón đủ, cân đối, bón sớm, tập trung, bón thêm phân kích thích phát triển rễ để lúa phục hồi nhanh, cung cấp đủ nước tưới dưỡng, và phòng trừ sâu bệnh cho lúa kịp thời... để lúa sinh trưởng phát triển tốt.

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác