Cần chiến lược để cây thanh long phát triển lâu dài
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Long An, đến nay, tổng diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh khoảng 11.650ha, đạt 97,11% kế hoạch, bằng 98,6% so cùng kỳ; trong đó có khoảng 11.375ha cho trái, tập trung chủ yếu ở các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức và TP.Tân An với tổng sản lượng hàng năm khoảng 330.000 tấn. Hiện thanh long tiêu thụ thị trường nội địa khoảng 15% sản lượng, còn lại tập trung cho xuất khẩu, trong đó lượng thanh long xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.
Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, thêm vào đó thị trường chính là Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero Covid-19” khiến việc xuất khẩu thanh long gặp nhiều khó khăn, giá thanh long giảm mạnh khiến nông dân thua lỗ. Cũng vì lý do hàng xuất sang Trung Quốc đến cửa khẩu bị ách tắc, ngưng trệ nên có thời điểm nhiều doanh nghiệp đã hủy hợp đồng thu mua thanh long với các thương lái, nông dân đã ký kết trước đó, gây thiệt hại lớn cho cả nhà nông lẫn thương lái thu mua. Điều này đang dẫn đến tâm lý phá bỏ cây thanh long từ nhiều nông hộ. Bên cạnh đó, trước nhiều khó khăn, có thời điểm thanh long vào vụ thu hoạch chính nên ngành chức năng, chính quyền địa phương phải kêu gọi “giải cứu” thanh long để giảm bớt thiệt hại cho nông dân. Mặt khác, hỗ trợ đưa đi tiêu thụ bán lẻ ở các cửa hàng, địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp ở trong nước với giá “bán bỏ” vì tính bình quân mỗi ký thanh long thấp hơn giá sản xuất.
Nhìn khu vườn thanh long ruột đỏ 1ha đã hơn 7 năm tuổi tự phát triển gần như bỏ hoang, ông Đinh Văn Chiều (ấp 2, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa) cho biết: “Hai năm vừa qua, việc tiêu thụ thanh long rất khó khăn, nhiều vụ thu hoạch không đủ trả chi phí xông đèn, phân, thuốc. Ước tính gia đình tôi bị thua lỗ khá nhiều. Nên giờ bỏ hoang, gia đình tôi hiện vẫn chưa biết sẽ phải trồng cây gì, có thể tiếp tục trồng lại thanh long. Tuy nhiên, hiện nay, giá vật tư đang tăng nên gia đình tôi còn đang cân nhắc có tiếp tục trồng hay phá bỏ”.
Trong bối cảnh này, Sở NN&PTNT khuyến cáo nông dân cần bình tĩnh, tránh hoang mang và cân nhắc kỹ việc chặt bỏ cây thanh long. Bởi vì thanh long là cây ăn trái lâu năm, nếu phá bỏ thì khi xây dựng lại vườn sẽ rất tốn kém chi phí đầu tư và phải nhiều năm sau mới cho thu hoạch. Trong khi đó, với thị trường Trung Quốc, việc xuất khẩu gặp khó khăn có thể chỉ diễn ra trong thời gian trước mắt, các ngành chức năng cũng đã thực thi nhiều biện pháp khai thông cửa khẩu với nước bạn. Vì vậy, trong khi chờ việc xuất khẩu thanh long được khai thông trở lại, nông dân nên tạm dừng khai thác trái, duy trì vườn thanh long, tránh tình trạng cây bị suy kiệt, teo tóp cành, phát sinh dịch hại.
Song song đó, tỉnh Long An tiếp tục đẩy mạnh triển khai, thực hiện chương trình đào tạo nguồn nhân lực, trong đó, ưu tiên đào tạo cho người dân quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đào tạo cán bộ khuyến nông, cán bộ nông nghiệp đáp ứng yêu cầu trình độ quản lý, nâng cao năng lực tham mưu. Sở NN&PTNT cũng đề ra giải pháp phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở nêu gương thực hiện; vận động người dân tham gia thực hiện các cơ chế ưu đãi về vốn để phát triển sản xuất, thị trường xuất khẩu thanh long cũng như những quy định về chất lượng trái thanh long khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác để người dân nắm bắt và thực hiện tốt,...nhằm định hướng phát triển cho cây thanh long ổn định hơn.
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi