Công tác Hội

`Cần đồng bộ từ chính sách tới hạ tầng cơ sở`

Lương Thủy - 13:21 01/12/2021 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Đó là ý kiến của ông Phạm Tiến Nam – Phó Chủ tịch T. Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) tại cuộc Hội thảo “Ngày Nông dân không dùng tiền mặt” do T.Ư Hội NDVN và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 1/12/2021.
Ông Phạm Tiến Nam - Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN phát biểu tại Hội thảo. Ảnh N.T

Tham dự Hội thảo có ông Phạm Tiến Dũng – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NNVN); ông Nguyễn Huy Dũng – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo của Ngân hàng NNVN; lãnh đạo các ban, đơn vị của T.Ư Hội NDVN; các doanh nghiệp, công ty viễn thông; các nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021…

Hội thảo nằm trong khuôn khổ chuỗi chương trình "Tự hào nông dân Việt Nam 2021" được tổ chức thường niên, cùng thời điểm Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Hội thảo "Ngày nông dân không dùng tiền mặt" là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các doanh nghiệp, các chuyên gia cùng thảo luận những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt; vai trò của phương thức thanh toán hiện đại, cơ hội, lợi ích cũng như thách thức, khó khăn khi nông dân tham gia thanh toán không dùng tiền mặt; những khuyến nghị, đề xuất của các nhà nghiên cứu, chuyên gia, doanh nghiệp và nông dân nhằm thúc đẩy nông dân chuyển đổi mạnh mẽ sang phương thức thanh toán, giao dịch từ truyền thống sang hiện đại.

Cần đồng bộ từ chính sách tới hạ tầng cơ sở

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Tiến Nam - Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN cho biết, trong vài năm trở lại đây, thanh toán không dùng tiền mặt được đông đảo người dân Việt Nam lựa chọn, dần thay thế cho phương thức thanh toán tiền mặt truyền thống. Thực tế đã khẳng định khi thanh toán không dùng tiền mặt được khuyến khích và đưa vào vận hành chủ yếu trong xã hội sẽ đem lại nhiều lợi ích thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững đồng thời tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu giao dịch của các tổ chức, các đơn vị kinh doanh và cá nhân, giúp dòng tiền lưu thông nhanh chóng...

Tuy nhiên, để thực hiện thành công Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ thì vẫn còn nhiều thách thức và khó khăn, nhất là với khu vực nông thôn.

"Theo tôi có hai nguyên nhân chính khiến cho việc phổ cập phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn gặp khó khăn, đó là, điểm chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt rất hạn chế và thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân", ông Phạm Tiến Nam nêu rõ.

Muốn phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng xa, trước hết cần phải tuyên truyền đề người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toàn này để người dân tự đưa ra quyết định phù hợp. Quan trọng hơn cần phải đồng bộ từ chính sách tới hạ tầng cơ sở để phương thức thanh toán hiện đại có điều kiện sử dụng một cách rộng rãi hơn ở khu vực nông thôn.

Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: N.T

Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng NNVN cho biết, hệ thống thanh toán của ngân hàng đã có thể đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân, doanh nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm, hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 96,6% về số lượng và 133,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Thanh toán qua kênh điện thoại di động (Mobile banking) tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị. Đặc biệt, thanh toán qua kênh QR code tăng 64,1% về số lượng và 127,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Hiện tại, Ngân hàng NNVN đã cho phép triển khai thí điểm các mô hình thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn với 3 mô hình ngân hàng hợp tác với các tập đoàn viễn thông, cửa hàng xăng dầu để cung ứng dịch vụ chuyển tiền nhanh tới người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những người chưa có tài khoản ngân hàng. Ngân hàng NNVN sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo trong thời gian tới.

Nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như thẻ ngân hàng, QR code, ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking, Mobile Money… đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán triển khai, qua đó góp phần nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật, đem lại lợi ích lớn và thiết thực cho người sử dụng dịch vụ.

Theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì: Mục tiêu đề án đặt ra từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản; số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25%/năm…

Đẩy mạnh công tác truyền thông để thay đổi nhận thức, hành vi của nông dân

Theo bà Lê Thị Thúy Sen - Vụ trưởng Vụ truyền thông, Ngân hàng NNVN: Chủ trương chung của Chính phủ hiện nay là phát triển xã hội số, kinh tế số, theo đó phải có sự dịch chuyển chung về thanh toán không dùng tiền mặt của cộng đồng, với khu vực nông thôn chiếm hơn 60% dân số, nên thay đổi phải trước hết phải từ khu vực này. Để thúc đẩy chiến lược thanh toán không dùng tiền mặt, bên cạnh các cơ chế chính sách khác, truyền thông được xem là trụ cột quan trọng, nhằm đạt được mục tiêu thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, đặc biệt là người dân nông thôn về không sử dụng tiền mặt.

"Để thúc đẩy không dùng tiền mặt ở nông thôn, trước hết phải quan tâm tới những vấn đề nông dân cần ở lĩnh vực này để truyền thông. Người dân nông thôn quan tâm nhất là sự thuận lợi, an toàn, dễ sử dụng của các tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt. Tiếp đó là các vấn đề về giải pháp an ninh, an toàn, bảo mật khi nông dân còn rất e dè về điều này. Chúng tôi sẽ yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường phổ biến các thông tin tới nông dân; truyền thông cho họ nhiều hơn về các tầng nấc bảo đảm an toàn, lợi ích để nông dân yên tâm sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt một cách tiện lợi nhất, an tâm nhất" – bà Lê Thị Thuý Sen cho biết thêm. 

Mục tiêu truyền thông của ngân hàng là làm sao giúp nông dân sử dụng và hình thành hành vi thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, mỗi nông dân thay đổi thì nhiều nông dân thay đổi, tạo ra một cộng đồng dân cư nông thôn cùng không dùng tiền mặt. 

"Với các băn khoăn của nông dân về phí, an toàn, cách thức sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt... chúng tôi sẽ thúc đẩy tuyên truyền, có các game show, các chương trình để truyền thông một cách trực quan, sinh động để nông dân làm theo. Nông dân có giao dich lần đầu thì sẽ có giao dịch có lần sau, nhiều nông dân sử dụng dịch vụ không dùng tiền mặt dần dần sẽ tạo ra một cộng đồng sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt"- bà Sen cho biết.  

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: T.Quảng

Ông Nguyễn Hồng Sơn – Trưởng ban Tuyên giáo (T.Ư Hội NDVN) cho rằng: Để giúp nông dân tham gia vào nền kinh tế số, chuyển đối số thì không chỉ có trách nhiệm của các bộ, ngành mà còn có của Hội Nông dân Việt Nam. Hội tham gia rất tích cực trong công tác tuyên truyền về xã hội số, chuyển đổi số, kinh tế số đến nông dân. Tuyên truyền trên các kênh thông tin của Hội. Nhưng điều quan trọng là trong quá trình chuyển đổi, không dùng tiền mặt… thì cơ quan chức năng tạo ra các dịch vụ này cần phải cung cấp tài liệu, phải hướng dẫn cụ thể, hỗ trợ nông dân đầy đủ nội dung, dễ nhớ, dễ hiểu… có như vậy mới góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của họ.

Chia sẻ về những ưu điểm không dùng tiền mặt để thanh toán, anh Trần Như Kiên (xã Lóng Phiên, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) là chủ trang trại trồng xoài Đài Loan xuất khẩu và nhãn chín muộn chia sẻ: Gia đình anh có 7ha trồng cây ăn quả, mỗi năm thu hoạch từ 70-80 tấn các loại, nhu cầu để thanh toán, giao dịch các khoản mua bán các sản phẩm, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất là rất cần thiết. Gia đình anh có đến 7 cái thẻ ngân hàng để giao dịch các mặt hàng khác nhau nên rất tiện lợi, nhanh chóng. Đặc biệt là giao dịch với đối tác cũng rất yên tâm.

Anh Nguyễn Xuân Cần (xã Bình Hải, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) là chủ cơ sở nuôi trồng thuỷ sản cũng chia sẻ thêm, với diện tích 9ha nuôi thuỷ sản, mỗi năm cơ sở có doanh thu khoảng 18 tỷ đồng nên việc giao dịch thanh toán bằng thẻ ngân hàng rất tiện lợi nhất là mua thức ăn chăn nuôi, tôm giống, thuốc... Tuy nhiên, cơ sở có 20 nhân công thì vẫn chưa dùng tài khoản mà dùng tiền mặt để trả. Sắp tới anh sẽ vận động, hướng dẫn để họ biết cách sử dụng.

Thực tế thời gian qua, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng, việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn vẫn còn một số khó khăn. Đó là, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân nói chung và khu vực nông thôn trong giao dịch thanh toán, tiêu dùng. Theo ông Trương Đình Tuyển, ở Việt Nam, nhất là khu vực nông thôn có nhiều chợ dân sinh, người dân chủ yếu mua bán ở đó. Muốn thúc đẩy việc chuyển đổi thanh toán không dùng tiền mặt thì hệ thống ngân hàng phải với tay đến tận các chợ dân sinh và có giải pháp phù hợp hơn trong việc thanh toán của họ.

Một bộ phận người dân chưa có thói quen sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cũng như các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khác, nhất là những người lớn tuổi và ở khu vực vùng sâu vùng xa, kể cả những người đã có tài khoản ngân hàng.

Một số người dân có tâm lý e ngại tiếp cận công nghệ mới trong thanh toán điện tử, ngân hàng; sợ rủi ro, không an toàn trong sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Hơn nữa, trình độ dân trí khu vực nông thôn thấp hơn thành thị khiến cho việc triển khai nội dung và hình thức đào tạo ở khu vực nông thôn khó khăn hơn. Ngoài ra, mạng lưới điểm giao dịch ngân hàng, trụ máy ATM chưa phân bố đều tại các huyện, thị nên khó triển khai đồng bộ.

Anh Lưu Văn Dũng (xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) là chủ cơ sở nuôi cá cho biết: Việc thanh toán không dùng tiền mặt đúng là phát huy được nhiều ưu điểm nhưng ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa lại rất ít các điểm giao dịch, nếu có thì cũng dễ bị nghẽn mạng, có khi chuyển tiền 2-3 ngày mới nhận được nên rất mong trong thời gian tới tình hình sẽ được cải thiện.

Để đạt được mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt, trong thời gian tới, phát huy những kết quả đạt được, ông Pham Tiến Dũng cho biết, Ngân hàng NNVN sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo... Đồng thời, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị liên quan triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ;...

Ngân hàng Nhà nước trình nghị định thay thế Nghị định 101 năm 2012, trong đó đề xuất quy định về hoạt động đại lý thanh toán, qua đó tạo điều kiện cho người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi không có chi nhánh ngân hàng được tiếp cận, sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; Tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, hạ tầng hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7 cho mọi đối tượng và người dân; Nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ mới vào lĩnh vực thanh toán để đưa ra những sản phẩm, dịch vụ tiện ích, phù hợp với hành vi tiêu dùng ở khu vực nông thôn.

Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Phạm Tiến Nam cũng khẳng định, với vai trò của mình, T.Ư Hội NDVN sẽ triển khai tới Hội ND các cấp, hàng chục triệu hội viên nông dân trên toàn quốc để tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, góp phần thay đổi hành vi thay đổi phương thức thanh toán ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác