Góc nhìn

Cần thiết ban hành hướng dẫn đầu tư PPP lĩnh vực thuỷ lợi, cung cấp nước sạch nông thôn

07:22 26/07/2023 GMT+7
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung trong hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư lĩnh vực thủy lợi, cung cấp nước sạch nông thôn.
Cần thiết ban hành hướng dẫn đầu tư PPP lĩnh vực thuỷ lợi, cung cấp nước sạch nông thôn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ở Việt Nam, chính sách đầu tư theo phương thức đối tác công tư được quy định từ năm 1993 áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài tại Nghị định số 87-CP về quy chế đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT). Đến năm 1997, Chính phủ đã ban hành Nghị định 77/CP ban hành Quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT áp dụng đầu tư trong nước. Đến trước khi có luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) Chính phủ đã ban hành 7 Nghị định và 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Rất ít dự án lĩnh vực thủy lợi và cung cấp nước sạch nông thôn đầu tư theo phương thức PPP

Trong lĩnh vực thủy lợi và cung cấp nước sạch nông thôn hiện nay có rất ít các dự án đã thực hiện theo chính sách đầu tư theo phương thức PPP. Đối với lĩnh vực thủy lợi chưa có dự án nào được triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Đối với lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn mới chỉ có 02 dự án đã được triển khai và ký kết hợp đồng ở tỉnh Nghệ An (dự án Xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Phú Thành, huyện Yên Thành) triển khai thực hiện và đã được ký kết hợp đồng năm 2018 theo hình thức Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (BOO) với tổng vốn đầu tư là 28.996 tỷ đồng và ở tỉnh Nam Định. Các dự án này triển khai thực hiện trước khi Luật PPP ban hành và có hiệu lực. Quy mô của các dự án cấp nước sạch nông thôn đã triển khai đều nhỏ so với quy định tại Nghị định 35/2021/NĐ-CP  hiện hành.

Từ sau khi có Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14  ngày 18/6/2020 (Luật PPP), có 03 dự án PPP mới trong lĩnh vực nước sạch (Dự án "cấp nước sạch trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định theo hình thức đối tác công tư PPP (hợp đồng BOO); Dự án trong lĩnh vực cung cấp nước sạch áp dụng loại hợp đồng BLT; Dự án "Xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Phú Thành, huyện Yên Thành, đầu tư theo hình thức hợp đồng Xây dựng- Sở hữu- Kinh doanh (Hợp đồng BOO)"). Tuy nhiên, đây đều là các dự án cấp nước sạch ở khu vực đô thị có đặc thù khác với các dự án cấp nước sạch ở khu vực nông thôn. Các đặc thù khác của cấp nước sạch khu vực nông thôn khác với cấp nước sạch ở khu vực đô thị là cấp nước sạch ở khu vực nông thôn quy mô thường nhỏ, dân cư phân tán không tập trung, khả năng chi trả thấp và có nhiều nguồn nước khác có thể thay thế các công trình cấp nước (nước mưa, nước giếng khoan,…). Quy mô nhỏ, dân cư ở khu vực nông thôn không tập trung dẫn đến chi phí đầu tư xây dựng cao hơn so với khu vực đô thị.

Chưa có dự án trong lĩnh vực thủy lợi, cấp nước sạch nông thôn đầu tư theo phương thức PPP được triển khai thực hiện theo quy định của Luật PPP. Nguồn lực đầu tư công chưa thực sự phát huy được vai trò dẫn dắt, làm "kích hoạt" để thu hút nguồn vốn của khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực thủy lợi và cung cấp nước sạch nông thôn.

Hệ thống văn bản quy định về đầu tư theo phương thức PPP chưa đầy đủ

Thêm nữa, hệ thống văn bản quy định về đầu tư theo phương thức PPP chưa đầy đủ, thiếu tính đồng bộ, thống nhất. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện dự án PPP trong lĩnh vực thủy lợi và cung cấp nước sạch nông thôn. Dẫn đến các địa phương ngần ngại triển khai dự án PPP trong lĩnh vực thủy lợi và cung cấp nước sạch, do chưa xác định rõ mô hình, loại hợp đồng PPP, quy định về tính toán hiệu quả kinh tế - xã hội, khung lợi nhuận dự án, thời hạn khấu hao công trình, và mẫu hợp đồng tương ứng với từng lĩnh vực.

Trong quá trình triển khai chính sách đầu tư PPP cách hiểu giữa phương thức PPP và xã hội hóa còn có sự nhầm lẫn giữa hai chính sách này. Theo đó, "xã hội hóa" và "đầu tư theo phương thức PPP" đều có cùng mục đích là thu hút nguồn lực tư nhân vào phát triển hạ tầng, dịch vụ công. Tuy nhiên trong khi PPP được định hình là phương thức đầu tư với trình tự, thủ tục bài bản và cơ chế chính sách đầy đủ thì xã hội hóa chỉ là chủ trương, chính sách khuyến khích. Do vậy, trong quá trình hoàn thiện hệ thống chính sách về đầu tư, bên cạnh PPP thì chủ trương xã hội hóa cũng cần phải được quy định cụ thể về quy trình, thủ tục đầu tư. Qua đó có thể xem xét định hướng: áp dụng xã hội hóa (sau khi có quy định đầy đủ về trình tự thủ tục) cho các dự án ở quy mô nhỏ, đơn giản. Áp dụng PPP với dự án quy mô lớn, phức tạp, cần ràng buộc trách nhiệm giữa các bên thông qua hợp đồng dài hạn.

Ngoài ra, dự án thủy lợi, cấp nước sạch ở khu vực nông thôn có đặc trưng riêng, ngoài việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho người sử dụng thì các dự án đó còn đảm bảo an sinh xã hội, lợi ích kinh tế, nguồn vốn đầu tư cao, lợi nhuận thu lại thấp nên kém thu hút hơn so với các lĩnh vực khác.

Cần thiết ban hành hướng dẫn đầu tư PPP

Từ những lý do trên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần thiết ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung trong hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư lĩnh vực thủy lợi, cung cấp nước sạch nông thôn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung trong hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư lĩnh vực thủy lợi, cung cấp nước sạch nông thôn gồm 4 chương, 18 điều.

Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã nêu rõ hướng dẫn một số nội dung về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi, hướng dẫn một số nội dung về tiêu chuẩn, phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu và mẫu hợp đồng dự án…

Theo Chinh phủ

Tin cùng chuyên mục
Tin khác