Tập huấn nâng cao kỹ năng, năng lực thực hiện Chương trình giảm nghèo về thông tin
Tham dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Minh Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông); các đại biểu là phóng viên, biên tập viên của các cơ quan thông tin, báo chí của Trung ương tại Hà Nội.
Hội nghị tập trung vào những vấn đề tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thông tin thiết yếu cho xã hội đặc biệt là các thông tin có liên quan đến cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, thông tin cho người dân sống trên địa bàn các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật thiết yếu cho xã hội trong lĩnh lực thông tin và truyền thông; tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, của người nghèo về công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững.
Hội nghị đã được nghe ông Đinh Xuân Thắng - Phó Vụ trưởng Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc thông tin về về thực trạng vùng đồng bào dân tộc và miền núi (DTTS&MN). Mặc dù đã được Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ, đầu tư phát triển, nhưng do xuất phát điểm thấp nên vùng DTTS&MN đến nay vẫn là nơi tồn tại “năm nhất” địa bàn khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất.
Một số vấn đề đặt ra hiện nay đó là đồng bào các DTTS, vùng DTTS đang đứng trước “nguy cơ” bị bỏ lại phía sau và tụt hậu ngày càng xa hơn so với sự phát triển chung của đất nước. Một số vùng DTTS đặc trưng và một số DTTS số đang đứng trước “nguy cơ” mất bản sắc văn hóa dẫn đến sự không tồn tại trong đời sống thực tiễn. Tình hình an ninh chính trị vùng đồng bào DTTS&MN đang tiềm ẩn những nguy cơ khó lường. Bất bình đẳng và phân hóa xã hội gia tăng cùng với tác động của “Diễn biến hòa bình”dẫn đến “nguy cơ” mẫu thuẫn, xung đột diễn ra ở vùng DTTS&MN rất khó kiểm soát…
Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế xã hội các vùng DTTS&MN, trước hết, tập trung vào phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, đi đôi với bảo vệ bền vững môi trường sinh thái; phát huy nội lực, tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc, đồng thời tăng cường sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và sự giúp đỡ của các địa phương trong cả nước…
Tuy nhiên, theo ông Đinh Xuân Thắng, ngoài việc giảm nghèo ở các lĩnh vực khác nhau thì “Thông tin” là một trong 6 dịch vụ xã hội cơ bản trong chuẩn nghèo đa chiều. Tiêu chí để xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận thông tin là sử dụng dịch vụ viễn thông qua việc hộ gia đình không có thành viên nào sử dụng dịch vụ Internet; Tài sản phục vụ tiếp cận thông tin, ở đây là hộ gia đình không có phương tiện nào trong số các phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin như phương tiện dùng chung gồm tivi, radio, máy tính để bàn, điện thoại; Phương tiện cá nhân gồm máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh.
Để đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tiếp cận thông tin, nhiều chính sách đã được ban hành, như: Chính sách cung cấp dịch vụ bưu chính công ích; Chính sách hỗ trợ hoạt động báo chí cung cấp thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chính sách cung cấp dịch vụ viễn thông công ích; Chính sách hỗ trợ tiếp cận thông tin thông qua 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Ông Đinh Xuân Thắng cho rằng, báo chí chính thống cần có các chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức cho lực lượng này. Cần thực hiện tốt chính sách hỗ trợ tiếp cận thông tin cho người nghèo, phản ánh được những khó khăn họ đang gặp phải để Nhà nước có các chính sách hỗ trợ, đồng thời có các cách tiếp cận, tuyên truyền, để nâng cao nhận thức làm cho họ tin vào các thông tin chính thống ngày càng nhiều hơn.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu còn được nghe TS. Nguyễn Quang Hòa – Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng viết bài tuyên truyền về vùng DTTS&MN, cần đi sâu, đi sát vào cuộc sống của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi thì mới có thể thấu hiểu, có thông tin, tư liệu để viết bài tuyên truyền, dễ hiểu, dễ đi vào lòng độc giả; giúp người dân ở khu vực này có thể tiếp cận được nhiều hơn các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, ổn định cuộc sông, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng như hiện nay, và không để ai bị bỏ lại phía sau.