Góc nhìn

Câu chuyện xếp hàng mua nhà ở xã hội và cam kết của nhiều đời Bộ trưởng Xây dựng

10:51 17/05/2023 GMT+7
Bộ Xây dựng luôn coi việc phát triển nhà ở xã hội là một ưu tiên để người thu nhập thấp được tiếp cận, sở hữu nhà ở. Tuy nhiên, dự án nhà ở xã hội quá ít ỏi, khiến khả năng tiếp cận của người dân khó khăn, phát triển nhà ở xã hội chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Cảnh tượng lặp lại sau hơn 10 năm

Năm 2010, người dân Hà Nội xếp hàng nộp hồ sơ mua dự án nhà ở xã hội đầu tiên trên địa bàn - dự án nhà ở CT1 Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông). Sau khi xét điểm hồ sơ mua nhà, đơn vị bán đã phải bốc thăm để chọn vì số lượng người có nhu cầu quá nhiều mà căn hộ có hạn. Dù xếp hàng nhưng những hy vọng về một chính sách hỗ trợ để người thu nhập thấp có một mái ấm được nhen nhói lên.

Niềm vui vỡ òa của những người bốc thăm được quyền mua nhà ở xã hội CT1 Ngô Thì Nhậm trong hội trường. Người thu nhập thấp tiếp cận với nhà ở xã hội với giá rẻ, đây là chính sách nhân văn và đúng đắn.

Hàng trăm người dân chờ đợi trước sảnh tòa nhà N09B1 khu đô thị Dịch Vọng nộp hồ sơ mua dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn. (Ảnh: Báo Thanh niên)

Hơn 10 năm sau, tình cảnh tương tự vẫn tái diễn, dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm) mở bán, người dân lại xếp hàng nộp hồ sơ mua nhà từ 2h sáng.

Với số lượng căn hộ khá khiêm tốn hơn 200 căn hộ, chủ đầu tư mở bán 157 căn hộ nhà ở xã hội và cho thuê 68 căn, cả nghìn hồ sơ nộp mua, dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn có lẽ phải lọc hồ sơ và bốc thăm quyền được mua.

Vậy sau hơn 10 năm, một chính sách nhân văn chăm lo đến đời sống người dân nghèo, người thu nhập thấp ở đô thị vẫn giậm chân tại chỗ?

Cam kết của nhiều đời Bộ trưởng Bộ Xây dựng… người dân thì vẫn mòn mỏi

Từ năm 2010 tới nay, 3 đời Bộ trưởng Bộ Xây dựng, từ thời nguyên Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, nguyên Bộ trưởng Phạm Hồng Hà và người kế nhiệm hiện nay là Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, Chiến lược nhà ở Quốc gia hay các chương trình nhà ở đều hưởng tới chính sách phát triển nhà ở xã hội. Nhưng có vẻ như mục tiêu phát triển nhà ở xã hội không đạt được kết quả tốt.

Mới đây nhất, vào tháng 11/2022, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận, mặc dù đạt được những kết quả ban đầu song việc phát triển nhà ở xã hội chưa đáp ứng như kỳ vọng: Đến nay cả nước mới có 7,79 triệu m2 nhà ở xã hội trong khi yêu cầu đặt ra là 12,5 triệu m2. Quỹ đất cho nhà ở xã hội cũng chỉ đáp ứng được 36,34%.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn trước Quốc hội về nhà ở xã hội 3/11/2022.

Bộ Xây dựng cũng đưa ra Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 và đã được Chính phủ phê duyệt (tháng 4/2023).

Người dân chờ những hành động cụ thể, kết quả là số lượng dự án, căn hộ nhà ở xã hội tăng lên để người dân không còn cảnh mòn mỏi xếp hàng từ đêm đến sáng nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội.

Vướng từ chính sách đến thực tiễn

Trở lại câu chuyện chính sách về phát triển nhà ở xã hội trong hơn 10 năm qua, thực tế số lượng dự  án có tăng nhưng khá khiêm tốn, điểm sáng duy nhất của quá trình này là gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội (trong 2 năm 2015-2016). Kể từ khi kết thúc gói hỗ trợ, chương trình nhà ở xã hội đã giảm hẳn số lượng.

Trong nhiều năm qua, thị trường căn hộ ở các thành phố lớn thiếu nguồn cung đặc biệt là nhà ở giá rẻ. Thực tế, doanh nghiệp hiện không mặn mà với nhà ở xã hội do thủ tục đầu tư dự án có khó khăn, thậm chí còn nhiều thủ tục hơn dự án nhà thương mại, lãi thấp hơn rất nhiều so với dự án nhà ở thương mại.  

Hành lang pháp lý quy định đảm bảo nguồn vốn để người dân, doanh nghiệp được tiếp cận, song quá trình thực hiện lại không cân đối đủ. Lãi suất cho vay xây dựng nhà ở xã hội là 14%, gần đây giảm còn 12%, vẫn được cho là "quá cao, không phù hợp".

TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam. (Ảnh: Nguoidothi)

Quỹ đất cho nhà ở xã hội vẫn không đáp ứng được nhu cầu, các địa phương chưa ưu tiên quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, một số địa phương hiện nay chưa quan tâm đúng mức đến việc chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, chưa chủ động dành đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội khi phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu nghiên cứu đào tạo theo quy định của Luật Nhà ở.

"Thậm chí có địa phương chỉ trông chờ vào 20% quỹ đất dành cho nhà ở xã hội có được thông qua phát triển các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị" - TS. Đặng Việt Dũng nhận định.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục để triển khai dự án nhà ở xã hội phải được thực hiện nhanh hơn dự án thương mại thông thường như vậy mới thu hút được các nhà đầu tư.

“Chỉ cần các điểm chốt về thủ tục liên quan đến ưu đãi của Nhà nước, các nội dung khác vận hành theo cơ chế thị trường. Về ưu đãi thuế, cần thảo luận với Bộ Tài chính để miễn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp cho khu vực đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, bổ sung quy định về chất lượng và quản lý chất lượng nhà ở xã hội, quy định về chính sách ưu đãi đi kèm với chất lượng công trình” - GS. Đặng Hùng Võ nêu ý kiến.

Phát triển nhà ở xã hội là một chính sách nhân văn, hỗ trợ người thu nhập thấp tiếp cận nhà ở nhưng người dân mong chờ đó là kết quả cụ thể không phải là những báo cáo, đề án trên giấy./.

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục
Tin khác