Chất vấn ở Quốc hội: “Nóng” chuyện ô nhiễm môi trường, sạt lở đất
Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải được xây dựng từ năm 1958 từng là công trình thủy lợi lớn nhất miền Bắc, nhưng hiện nay rất nhiều cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở chăn nuôi đang xả thải trực tiếp ra đây khiến “Đại Thủy Nông” Bắc Hưng Hải trở thành công trình “đại ô nhiễm.”
Rác thải lấp kín mặt sông Cầu Treo, đoạn qua địa bàn xã Thanh Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: TTXVN phát)
Tình trạng nhức nhối này đã được nêu ra trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Loay hoay xử lý các ‘dòng sông chết’
Chất vấn tại phiên họp, Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh về việc thực hiện Nghị quyết số 499 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV có yêu cầu cơ chế, chính sách phù hợp để giải quyết ô nhiễm môi trường của hệ thống Bắc Hưng Hải.
Qua giám sát, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở hệ thống Bắc Hưng Hải chưa được giải quyết triệt để.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ đã ban hành chính sách nào và có giải pháp căn cơ gì để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây.
Cùng mối quan tâm, Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình trạng nguồn nước sông Cầu bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho hay việc xây dựng hệ thống Bắc Hưng Hải được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo. Năm 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng khởi công công trình này để phục vụ sản xuất nông nghiệp Bắc bộ. Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các đơn vị kiểm tra ô nhiễm hệ thống Bắc Hưng Hải và thấy rằng để xử lý được cần có thời gian và nguồn lực.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ hệ thống thủy nông, giờ hệ thống này “gánh” thêm nhiệm vụ là chứa nước thải cho nhiều tỉnh ở phía Bắc, mỗi ngày tiếp nhận 450.000-500.000 m3 nước thải, trong đó 70% là nước thải từ cụm công nghiệp làng nghề, từ các khu đô thị và khu dân cư chưa qua xử lý ô nhiễm. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xử lý dứt điểm tình trạng này.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện nghiêm việc kiểm tra các khu công nghiệp và đã xử phạt hành chính rất nhiều doanh nghiệp xả thải không đúng quy định. Bộ cũng tiếp tục tăng cường công tác quan trắc hệ thống thủy lợi và làm việc với các địa phương, cố gắng xử lý tình trạng ô nhiễm. Hiện nay, một số địa phương như Hưng Yên đã có những giải pháp xử lý, thu gom xử lý nước thải tại các khu dân cư.
Tuy nhiên, để đảm bảo hệ thống nước thải đô thị và nông thôn được xử lý, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng cần rất nhiều thời gian và nguồn lực.
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất các cấp có thẩm quyền xây dựng một Chương trình Mục tiêu Quốc gia xử lý ô nhiễm môi trường, xử lý các “dòng sông chết.”
“Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách về huy động nguồn lực xã hội hóa, huy động sự tham gia của doanh nghiệp tham gia xử lý nước thải, rác thải và gắn trách nhiệm đóng góp của các doanh nghiệp tham gia xả thải đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật; tăng cường quan trắc hệ thống Bắc Hưng Hải,” Bộ trưởng nêu rõ.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết trước đây Chính phủ đã có Chương trình Mục tiêu Quốc gia Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại để khôi phục các chương trình về kiểm soát ô nhiễm với phạm vi nhỏ hẹp hơn, mục tiêu cụ thể hơn.
Tìm giải pháp phòng chống sạt lở
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đại biểu Phạm Thị Kiều (tỉnh Đắk Nông) nêu vấn đề sạt lở, lũ quét diễn ra với tần suất ngày càng nhiều. Đại biểu đề nghị lãnh đạo ngành cho biết nguyên nhân và các giải pháp để cảnh báo, dự báo nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do sạt lở và lũ quét gây ra cho cộng đồng và cho người dân.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho hay Việt Nam là một trong 6 quốc gia chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu, trong đó vùng đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nguyên chịu ảnh hưởng mạnh do đặc điểm địa chất yếu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường khả năng cảnh báo thiên tai, ban hành đề án về khả năng dự báo, phối hợp địa phương để có bản đồ sạt lở, quy hoạch di dời dân cư, dự báo sạt lở tránh ảnh hưởng dân cư.
Ông Khánh cho biết vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã đi thị sát vùng đồng bằng sông Cửu Long và có chỉ đạo để trình Quốc hội các dự án bờ, kè; xây dựng Chương trình Mục tiêu Quốc gia chống sạt lở.
“Tại khu vực miền núi và vùng sâu vùng xa, việc di dời dân cư là rất khó khăn. Vì vậy, việc lựa chọn nơi phát triển kinh tế là rất quan trọng,” Bộ trưởng nói.
Một điểm bị sạt lở trên địa bàn huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)
Giải pháp của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian tới là tiếp tục tăng cường khả năng cảnh báo về thiên tai. Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành đề án dự báo và cảnh báo cho các địa phương, phối hợp với các địa phương thực hiện các bản đồ nền, tổng hợp những vùng sạt lở, nguy cơ sạt lở để quy hoạch, di dời dân cư, tránh ảnh hưởng đến dân cư và ảnh hưởng đến sự phát triển; đề xuất dự án về công trình và phi công trình để phòng chống sạt lở.
Tại phiên chất vấn, Đại biểu Ma Thị Thúy (tỉnh Tuyên Quang) đề cập đến trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho hay Chính phủ đã chỉ đạo tập trung trong cấp phép, kiểm tra giám sát khoáng sản và vật liệu công trình xây dựng.
Về việc khai thác khoáng sản trái phép, ông Khánh cho rằng địa phương có vai trò rất lớn trong kiểm tra, giám sát và khẳng định thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp địa phương để kiểm tra giám sát chặt chẽ việc này./.
Theo TTXVN/Vietnam+
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Triển khai công việc theo tinh thần 'vừa chạy vừa xếp hàng'
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
- Tổng Bí thư: Mục tiêu cao nhất của dân vận giai đoạn cách mạng mới là vì dân
- Còn nhiều băn khoăn quanh việc tăng thuế suất 5% cho mặt hàng phân bón