Chọn con giống tốt để chăn nuôi hiệu quả
Nhiều mầm bệnh từ con giống
Năm 2020, tại huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) xuất hiện 5 ổ dịch bệnh tả lợn châu Phi. Trong đó, có 3 ổ dịch được xác định phát sinh từ việc người dân mua con giống không rõ nguồn gốc từ địa phương khác về chăn nuôi.
Theo ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cư Jút, việc người dân mua con giống về chăn nuôi không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch, không được tiêm phòng sẽ luôn đối diện với nguy cơ dịch bệnh.
Thực tế, trên địa bàn đã có nhiều ổ dịch bệnh trên vật nuôi xuất phát từ nguồn giống không bảo đảm. Dịch bệnh cũng gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi. Địa phương, ngành chức năng phải mất nhiều công sức để huy động lực lượng tìm nguyên nhân, dập dịch.
Cuối tháng 7/2021, dịch bệnh lợn tai xanh xuất hiện tại một hộ dân ở xã Tân Thành (Krông Nô). Nhờ vào cuộc nhanh chóng của cơ quan chuyên môn, dịch bệnh đã được khống chế thành công.
Các cơ quan chuyên môn sau đó xác định, nguyên nhân gây bệnh được xác định là do hộ dân trên đã mua con giống trôi nổi về chăn nuôi. Con giống không có giấy kiểm dịch, giấy chứng nhận tiêm phòng của cơ quan thú y. Hộ dân này cũng không thực hiện kê khai chăn nuôi với chính quyền xã theo quy định…
Theo Sở NN&PTNT, có nhiều nguyên nhân làm phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi của tỉnh thời gian qua. Có thể kể đến như không tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, không tiêu độc khử trùng, chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng chưa tốt…
Thế nhưng, nguồn giống vật nuôi trôi nổi, không an toàn là một trong những nguyên nhân lớn nhất làm phát sinh các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.
Hãy chọn con giống tốt
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chưa có nhiều cơ sở sản xuất con giống đạt chuẩn để đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi của người dân. Do đó, hàng năm, nhiều người dân đã mua phải giống vật nuôi trôi nổi, kém an toàn.
Đối với giống lợn, trên địa bàn tỉnh có Công ty Green farm sản xuất lợn giống, với quy mô hơn 8.000 con lợn nái; Trang trại Đồng Tiến, có 1.800 con lợn nái… Tuy nhiên, số lượng con giống từ các cơ sở này vẫn chưa đủ để phục vụ người dân.
Đối với trâu, bò, gia cầm…, đến nay Đắk Nông chưa có cơ sở sản xuất con giống đạt chuẩn. Phần lớn người dân tự trao đổi, mua bán giống hoặc thông qua thương lái để mua con giống, nên luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh phát sinh.
Theo ông Đoàn Văn Đáp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông nghiệp (Sở NN&PTNT), thời gian qua, mặc dù ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhưng vẫn có nhiều trường hợp người dân mua, bán con giống không bảo đảm an toàn dịch bệnh. Tình trạng này làm dịch bệnh xảy ra nhiều, gây thiệt hại kinh tế cho người dân, doanh nghiệp. Khi dịch bệnh phục hồi, hoạt động tái đàn diễn ra, các doanh nghiệp sản xuất con giống đều có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi lớn. Chính vì thế, các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, lẻ khó tiếp cận được nguồn giống đạt chuẩn.
Cũng theo ông Đáp, hướng giải quyết cho vấn đề này là bà con phải tập hợp với nhau lại theo các hình thức tổ, nhóm, hợp tác xã để tiếp cận với các đơn hàng con giống chất lượng.
“Con giống tốt là yếu tố quyết định phần lớn thành công cho người chăn nuôi. Do đó, người dân hãy chọn con giống tốt, nguồn gốc rõ ràng từ các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh”, ông Đáp khuyến cáo.
Theo Nhachannuoi.vn