Thông tin từ cơ sở

Sơn La: Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với nông dân

Kiều Thanh Tâm - 14:40 13/11/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 12/11, UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân. Ông Nguyễn Thành Công, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi đối thoại. Dư hội nghị có lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, hội viên nông dân tiêu biểu.

Diễn đàn của người nông dân

Đây là sự kiện được cụ thể hoá từ việc thực hiện Quy định số 429-QĐ/TU ngày 01/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; người đứng đầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh với Nhân dân và thực hiện Kế hoạch số 169/KH-UBND ngày 26/6/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La về tổ chức hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân tỉnh Sơn La năm 2024.

Hội nghị được tổ chức với chủ đề "Hỗ trợ Nông dân Sơn La liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững". Hoạt động này góp phần tăng cường sự hiểu biết, gắn kết giữa cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội với nông dân, làm cho nông dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của các cấp chính quyền; khẳng định vai trò, vị thế, quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của nông dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện.

Hội nghị này cũng là hoạt động cụ thể hóa nội dung các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước như: Nghị quyết số 46 ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới; Quyết định số 182 ngày 20/02/2024 của Chính phủ về phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 20230 và Nghị quyết số 19 ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân
Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân. Ảnh: Văn Ngọc.

Ông Nguyễn Huy Anh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho biết: Ngay sau Hội nghị đối thoại năm 2023, các sở, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được ban hành xuyên suốt từ tỉnh đến địa phương, tạo sự đồng bộ, thống nhất về cơ chế; phát huy tính đổi mới, sáng tạo trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện theo tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm".

Việc ban hành các cơ chế, chính sách đã giúp tạo điều kiện, nguồn lực, môi trường thuận lợi, khuyến khích đầu tư, hỗ trợ nông dân sản xuất kinh doanh, phục hồi và thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, tiếp tục duy trì tăng trưởng, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế.

Sản xuất kinh doanh nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát huy lợi thế vùng, địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp ngày càng được hoàn thiện; tỉ lệ nông sản qua chế biến tăng dần, thị trường tiêu thụ được mở rộng, xuất khẩu tăng nhanh cả về sản lượng, giá trị và tỉ trọng sản phẩm chất lượng cao.

Trình độ, học vấn của nông dân từng bước được nâng cao; tư duy sản xuất nông nghiệp không ngừng đổi mới, dần thích ứng với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, tham gia hợp tác, liên kết, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân.
Ông Nguyễn Thành Công, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Văn Ngọc.

Giải đáp những câu hỏi của nông dân

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Đến nay, rất nhiều chủ trương, chính sách của tỉnh đã được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nổi bật là: Cơ cấu ngành nông nghiệp đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng khai thác tốt tiềm năng, lợi thế từng vùng, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, từng bước mang lại hiệu quả cao.

Tính đến ngày 30/10/2024 trên địa bàn tỉnh Sơn La đã tiêu thụ và xuất khẩu được gần 7.400 tấn dâu tây, hơn 81.000 tấn mận. Sản lượng xoài đã thu hoạch và tiêu thụ xong với tổng sản lượng đạt gần 70.900 tấn, thu hoạch và tiêu thụ xong với tổng sản lượng đạt 77.000 tấn nhãn, sản lượng chuối đã tiêu thụ hơn 53.700 tấn...

Tình hình an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn Sơn La được giữ vững. Diện mạo nông thôn tiếp tục có nhiều đổi mới; kinh tế phát triển theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, xanh hóa. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn; hệ thống chính trị ở nông thôn và Hội Nông dân được củng cố.

Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân.
Ông Nguyễn Huy Anh, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Văn Ngọc.

Để Hội nghi đạt được kết quả cao ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đề nghị: Đối với các đại biểu là cán bộ, hội viên nông dân, đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đối thoại phát huy tinh thần hết sức thẳng thắn, cởi mở, tập trung thảo luận, trao đổi, nêu ý kiến ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể trên các lĩnh vực, trong đó, tập trung vào các vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang nhận được sự quan tâm của nông dân và toàn xã hội.

Cán bộ, hội viên nông dân, đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã cần nêu lên những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, trong thực hiện chương trình hỗ trợ nông dân khởi nghiệp... Đồng thời, cán bộ, hội viên nông dân cũng cần mạnh dạn hiến kế, tham gia góp ý kiến, đề xuất giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới văn minh, bền vững; phát huy vai trò chủ thể của nông dân, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Đối với các sở, ngành, cơ quan có liên quan khi được cán bộ, hội viên nông dân nêu câu hỏi, kiến nghị, đề xuất: Nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến; trả lời đúng - trúng - thỏa đáng, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, ngắn gọn, dễ hiểu; không qua loa, né tránh; đảm bảo đúng quy định đối với các ý kiến, kiến nghị.

Tại Hội nghị, cán bộ, hội viên nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp trong toàn tỉnh đã nêu ý kiến, đặt câu hỏi với hàng chục nội dung, tập trung vào các vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Về phát triển vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ông Đoàn Trung Kiên - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mai Sơn nêu: Hiện nay UBND tỉnh Sơn La đã ban hành quyết định công nhận 3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện, trong đó: 2 vùng trồng cà phê và 1 vùng trồng na. Để duy trì và phát triển vùng ứng dụng công nghệ cao, ông Kiên đề nghị UBND tỉnh xem xét có các chính sách hỗ trợ xây dựng (đường nội đồng, hệ thống tưới ẩm, bể chứa nước….) cho các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ dân.

đối thoại với nông dân sơn la
Ông Đoàn Trung Kiên - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mai Sơn đặt câu hỏi tại Hội nghị. Ảnh: Tuệ Linh.

Trả lời nội dung trên, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho hay, để duy trì và phát triển vùng ứng dụng công nghệ cao hiện nay tỉnh đang triển khai hỗ trợ các chính sách như: Nghị quyết số 127/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 về Quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND ngày 28/02/2020 của HĐND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Theo đó, tổ chức thuỷ lợi, cơ sở đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước được hỗ trợ tối đa 100% chi phí thiết kế và chi phí máy thi công theo dự toán được duyệt, mức hỗ trợ không quá 50 triệu đồng/công trình.

Mức hỗ trợ đầu tư xây dựng cống lấy nước và kiên cố hoá kênh mương: Hỗ trợ đầu tư xây dựng cống, kiên cố kênh mương tối đa 90% tổng giá trị đầu tư xây dựng công trình theo dự toán được duyệt (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng), mức hỗ trợ không quá 500 triệu đồng/công trình; Hỗ trợ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, hỗ trợ tối đa 50% chi phí vật liệu, máy thi công và thiết bị để đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn theo dự toán được duyệt, mức hỗ trợ không quá 40 triệu đồng/ha.

Doanh nghiệp khi tham gia liên kết được hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, hệ thống tưới tiết kiệm: Hỗ trợ tối đa 60% kinh phí đầu tư nhưng không quá 500 triệu đồng/dự án. Hợp tác xã khi tham gia liên kết được hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, hệ thống tưới tiết kiệm: Hỗ trợ tối đa 60% kinh phí đầu tư nhưng không quá 500 triệu đồng/dự án.

Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân.
Ông Nguyễn Văn Điện – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Châu đặt câu hỏi tại Hội nghị. Ảnh: Văn Ngọc.

Về cơ chế, đãi ngộ, ông Nguyễn Văn Điện, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Châu đề nghị HĐND, UBND tỉnh nghiên cứu, xem xét hỗ trợ kinh phí cho Chi hội phó và kinh phí hoạt động của chi hội trên địa bàn toàn tỉnh. 

Trả lời nội dung này, bà Lương Thị Như Hoa – Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Sơn La cho biết, triển khai Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 80/2024/NQ-HĐND ngày 17/4/2024 của HĐND tỉnh quy định mức phụ cấp, chế độ kiêm nhiệm của người hoạt động không chuyên trách; mức hỗ trợ, chế độ kiêm nhiệm đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, bản, xóm, tiểu khu, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.

Tại điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 80 quy định mức hỗ trợ đối với 9 chức danh là người trực tiếp tham gia hoạt động ở bản, trong đó có 5 chức danh là Chi hội trưởng các chi hội (phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên, cựu chiến binh, người cao tuổi).

Như vậy, việc quy định 01 người/01 tổ chức (là trưởng các chi hội) đã đảm bảo tính tương quan về số lượng giữa các tổ chức, đảm bảo kế thừa các quy định trước đây của HĐND tỉnh, phù hợp với nguồn lực của tỉnh và tương quan giữa các tỉnh trong khu vực.

Trường hợp quy định thêm Chi hội phó Chi hội Nông dân ở bản thì cũng phải quy định thêm đối với cấp phó của 04 tổ chức còn lại để đảm bảo tương quan giữa các tổ chức, như vậy mỗi bản sẽ có thêm 5 chi hội phó là người trực tiếp tham gia hoạt động ở bản, toàn tỉnh sẽ có thêm 11.240 người của 2.248 bản (kinh phí chi trả khoảng 56 tỷ đồng/năm), trong khi ngân sách Trung ương không giao cho địa phương để thực hiện chính sách đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở bản, địa phương phải tự cân đối trong nguồn cải cách chính sách tiền lương để xây dựng và thực hiện, phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan và đặc thù của từng cấp xã.

Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân.
Bà Lương Thị Như Hoa – Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Sơn La trả lời ý kiến tại Hội nghị. Ảnh: Văn Ngọc.

Đại diện cho nhiều hội viên nông dân có nội dung hỏi chung một chủ đề, ông Đỗ Thanh Huy – Trưởng ban Kinh tế - Xã hội, Hội Nông dân tỉnh Sơn La nêu câu hỏi, để giúp đỡ nông dân sản xuất, chế biến sản phẩm từ quả, trong giai đoạn tới UBND tỉnh có giải pháp cụ thể như thế nào để tiếp tục duy trì, phát triển diện tích sẵn có đảm bảo sinh kế cho người dân?

Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Sơn La cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La có trên 83.757 ha cây ăn quả và cây Sơn tra, với sản lượng ước đạt trên 379.000 tấn. Để tiếp tục giúp đỡ nhân dân sản xuất, chế biến sản phẩm từ quả, trong giai đoạn tới UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp sau:

Đối với vùng nguyên liệu cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng, diện tích sản xuất phục vụ xuất khẩu quả cần thực hiện tuân thủ theo đúng quy định, yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã quả của từng nước nhập khẩu phục vụ xuất khẩu quả, sản phẩm quả. UBND tỉnh tiếp tục hướng dẫn nông dân sản xuất quả đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, sản phẩm có chứng nhận phục vụ các chuỗi siêu thị trong và ngoài tỉnh, nhất là thị trường Hà Nội; xây dựng các vùng nguyên liệu đảm bảo năng suất, chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn phục vụ cho các nhà máy chế biến quả trong và ngoài tỉnh; tiếp tục thực hiện thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm nông sản, ổn định đầu ra; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt tập trung vào xuất khẩu và tiêu thụ nội địa qua các kênh thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm quả cho tỉnh. Khuyến khích mô hình liên kết giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để ổn định đầu ra, cải thiện chất lượng và giá trị sản phẩm.

Ngoài những câu hỏi, nội dung đã trả lời tại hội nghị đối thoại, còn các ý kiến, câu hỏi chưa trả lời trực tiếp sẽ được Hội Nông dân tỉnh Sơn La tổng hợp, gửi đến các sở, ngành và xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh để có văn bản trả lời gửi đến nông dân.

Phát biểu kết luận hội nghị đối thoại, ông Nguyễn Thành Công đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại; nông dân văn minh”. Các sở, ban, ngành nghiêm túc tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của nông dân; rà soát các quy định, chính sách của Trung ương, của tỉnh. Từ đó, tỉnh nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, để các nghị quyết, cơ chế chính sách thực sự đi vào cuộc sống; tiếp tục tham mưu các giải pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị trên một diện tích, khuyến khích nông dân đầu tư, phát triển...

Tin cùng chuyên mục
Tin khác