Sơn La: Tôn vinh 25 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2024
Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp Sơn La
Sau 7 tháng triển khai, Ban Tổ chức Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp Sơn La tiêu biểu năm 2024 đã tiếp nhận 57 sản phẩm của 40 đơn vị trên địa bàn 11 huyện, thành phố, với 3 nhóm sản phẩm: Nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và đồ uống 46 sản phẩm chiếm 80,7%; nhóm sản phẩm hoa quả tươi là 10 sản phẩm chiếm 17,5% và nhóm sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp có 1 sản phẩm chiếm 1,8%.
Đây là những sản phẩm nông nghiệp của hội viên, nông dân sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh Sơn La; sản phẩm nông nghiệp của doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, trang trại, làng nghề... có đăng ký hoạt động hợp pháp.
Hội đồng bình chọn đã tiến hành thẩm định và chấm điểm các sản phẩm theo các thang điểm, tiêu chí được phê duyệt với nguyên tắc tập trung dân chủ, minh bạch, khách quan. Tổng số điểm tối đa cho một sản phẩm là 100 điểm. Các sản phẩm được lựa chọn phải có tổng điểm từ 70 điểm trở lên. Kết quả, có 25 sản phẩm đạt từ 70 điểm trở lên và 32 sản phẩm dưới 70 điểm.
Trên cơ sở kết quả thẩm định và bình chọn của Hội đồng bình chọn, Ban Tổ chức chương trình tôn vinh sản phẩm nông nghiệp Sơn La tiêu biểu đã ký Quyết định số 03/QĐ/BTC ngày 15/10/2024 về việc công nhận sản phẩm nông nghiệp Sơn La tiêu biểu năm 2024 cho 25 sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Huy Anh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La, chương trình Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp Sơn La tiêu biểu năm 2024 đã nhận được sự tham gia tích cực của các sở, ban, ngành; sự hưởng ứng, quan tâm của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Ban Tổ chức đã kịp thời ban hành thể lệ bình chọn; tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Chương trình đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân sản xuất sản phẩm nông nghiệp.
Chất lượng các sản phẩm đăng ký tham gia đa dạng về mẫu mã, chủng loại và có chất lượng tốt, có đầy đủ các điều kiện để phát triển và nhân rộng như: Giấy đăng ký sản xuất, kinh doanh, các chứng chỉ chứng nhận: An toàn thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, OCOP,…; có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, sản phẩm có mẫu mã đẹp, sản xuất thân thiện với môi trường…
"Việc tổ chức Chương trình góp phần cổ vũ, động viên, khích lệ tính sáng tạo trong lao động sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, thực hiện nghiêm theo các quy định của Nhà nước, tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt, an toàn, thân thiện với môi trường, bảo vệ người tiêu dùng và người lao độ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La nhấn mạnh.
Xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản địa phương
Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức đã trao Giấy chứng nhận 25 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Sơn La năm 2024 cho các hợp tác xã, công ty và hộ kinh doanh có sản phẩm được bình chọn.
Nằm trong các sản phẩm được tôn vinh, tỏi đen Diệp Bách của HTX Tây Bắc (xã Viêng Lán, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Ứng dụng hệ thống máy móc hiện đại và công nghệ lên men tỏi đen chuẩn Nhật Bản, HTX Tây Bắc đã nâng cao giá trị tỏi địa phương với các sản phẩm đa dạng như tỏi đen, tỏi đen mật ong, rượu tỏi đen…, tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều bà con trong xã, huyện.
Đến với chương trình, chị Nguyễn Thị Yến Linh, Giám đốc HTX Tây Bắc phấn khởi: “Chúng tôi rất vinh dự và tự hào khi sản phẩm tỏi đen Diệp Bách lần thứ hai được công nhận là 1 trong 25 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Sơn La. Đây là sự ghi nhận, khích lệ quý báu để chúng tôi tiếp tục phát triển thương hiệu tỏi đen Diệp Bách và các sản phẩm nông sản khác của HTX Tây Bắc, góp sức nhỏ của mình trong quảng bá, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Yên Châu, Sơn La”.
Được biết, HTX Tây Bắc đã cho ra mắt gần 20 sản phẩm chế biến từ nông sản địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, HTX Tây Bắc đầu tư xây kênh giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội; mở rộng tiếp thị qua mô hình kinh doanh affiliate và các đại lý, các sàn thương mại điện tử; tham gia livestream và các phiên livestreams lớn trên TikTok… Các sản phẩm của HTX Tây Bắc được tiêu thụ cả trong và ngoài nước, sau khi đến với tay khách hàng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Cũng sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh trong nhiều năm liên tiếp, sản phẩm gạo J02 của HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Huy (xã Quang Huy, huyện Phù Yên) được sản xuất theo hướng hữu cơ. Bà Cầm Thị Ngân, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Huy chia sẻ: Được sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền các cấp, HTX đã tham gia và duy trì mô hình trồng lúa hữu cơ “Ruộng nhà mình”. Không chỉ riêng giống J02 mà nhiều giống lúa khác chúng tôi cũng đang canh tác theo phương thức này. Theo đó, cây lúa được chăm sóc theo quy trình chung, được bón phân hữu cơ, phun thuốc hữu cơ sinh học… Quy trình này cho ra hạt gạo thơm hơn, ngon hơn, chất lượng hơn vì thế cũng bán được giá cao hơn.
Để nâng tầm sản phẩm, HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Huy đã đầu tư thiết kế bao bì, quảng bá thương hiệu gạo Phù Yên. “Tham gia đăng ký bình chọn, chúng tôi thấy nhiều HTX đầu tư bao bì hút mắt, xây dựng thương hiệu tốt giúp giá thành sản phẩm được nâng cao hẳn. Chúng tôi cũng đã được tư vấn để phát triển thêm mặt này. Thực tế cho thấy đây là hướng đi đúng đắn. Hiện nay, nhiều khách hàng không chỉ mua để ăn mà còn mua để làm quà tặng, quà biếu. Riêng năm nay thôi, từ trước khi thu hoạch, chúng tôi đã có nhiều đơn hàng đặt trước.”, bà Ngân lý giải.
Sản phẩm gạo Phù Yên của HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Huy đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Ngoài gạo J02, HTX còn sản xuất và cung ứng nhiều giống gạo khác như gạo Séng Cù, gạo BC15, nếp Tan…
Trong năm 2025, để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp tham gia bình chọn, ông Nguyễn Huy Anh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho biết, cần tuyên truyên, vận động các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích các sản phẩm truyền thống đã có thương hiệu thế mạnh của địa phương, của tỉnh, trở thành hàng hóa; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có sản phẩm tham gia bình chọn phải được cải tiến cả về nhãn mác, xuất xứ và chứng nhận an toàn thực phẩm.
- Vĩnh Phúc: Xã Hồ Sơn duy trì và nâng “chất” các tiêu chí nông thôn mới đã đạt
- Cà Mau: Tăng cường công tác xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh
- Lâm Đồng: 18 chủ thể được cấp Chứng nhận sử dụng nhãn hiệu độc quyền “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”
- Xã Tiến Thịnh huy động nội lực tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao