Chuyển đổi số giúp Hà Giang thu hẹp khoảng cách nông thôn - thành thị
Sẵn sàng đổi mới
Việc sớm ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số sẽ góp phần thay đổi tư duy, tiếp cận về phương thức sản xuất, kinh doanh, thụ hưởng các dịch vụ ở nông thôn. Qua đó sẽ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc trên không gian số, hướng tới nông thôn mới thông minh.
Do đó, thời gian qua Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Giang đã thực hiện các chủ trương của Trung ương và UBND tỉnh Hà Giang về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) gắn với cải cách hành chính, hướng tới chính quyền điện tử trong xu thế hội nhập quốc tế và phục vụ công tác quản lý của Văn phòng.
Ông Đỗ Tấn Sơn – Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Hà Giang cho biết: "Thời gian qua, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Hà Giang đã áp dụng và triển khai hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành qua đó đã xử lý văn bản đi, văn bản đến, theo dõi xử lý công việc, thống kê, giám sát quá trình xử lý văn bản... Ngoài ra từ đầu năm 2020, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Hà Giang đã áp dụng chữ ký số trong các hoạt động hành chính của cán bộ, công chức, nâng cao mức độ an toàn và bảo mật trên môi trường mạng".
Hướng tới chuyển đổi số trong xây dựng Nông thôn mới và Nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Hà Giang đang phối hợp với các ngành để tham mưu cho UBND tỉnh Hà Giang thực hiện cơ chế phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn. Trong đó lựa chọn 01 xã để xây dựng Nông thôn mới thông minh (xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang); chọn 3 thôn xây dựng Nông thôn mới thông minh: Trong lĩnh vực văn hoá, du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm, lựa chọn thôn Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn); Thôn Nậm Hồng (xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì); Lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, lựa chọn thôn An Xuân (xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang).
Sức bật từ OCOP
Ông Nguyễn Trung Hiếu – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang cho biết thêm: Hiện nay toàn tỉnh Hà Giang đang có 233 sản phẩm OCOP (Trong đó có 193 sản phẩm 3 sao, 38 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm 5 sao, còn lại là sản phẩm 2 sao). Các sản phẩm OCOP đều là những mặt hàng đặc trưng, chủ lực của tỉnh Hà Giang: Cam, chè, mật ong, bò vàng… Đặc biệt, tỉnh Hà Giang đã có 2 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp Quốc gia là Trà xanh hộp Bà cụ 100 gam và Hồng trà 100 gam của HTX chè Phìn Hồ, huyện Hoàng Su Phì.
Trong đó, đã có 4 sản phẩm đã được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý (gồm cam sành, chè Shan tuyết, bò vàng và mật ong Bạc hà). Đây là những cơ hội rất lớn để nông nghiệp Hà Giang ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc bán hàng và sản xuất trong thời gian tới.
Ngoài việc phát triển số lượng các sản phẩm OCOP, tỉnh Hà Giang cũng đã tập trung chỉ đạo các địa phương phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng hàng hóa. Trong niên vụ 2021 - 2022, tổng diện tích cam sành của tỉnh Hà Giang đạt trên 6.100ha và sản lượng cam sành đạt tiêu chuẩn VietGAP là 45.700 tấn; Tính đến cuối năm 2021, tổng diện tích chè của Hà Giang đạt gần 20.000 ha (chủ yếu là chè Shan, chiếm trên 90% diện tích), chè đạt tiêu chuẩn an toàn VietGAP đạt gần 5.000ha, chè hữu cơ đạt trên 4.600ha từ đó đưa Hà Giang trở thành địa phương có diện tích chè lớn thứ 3 cả nước (sau Lâm Đồng và Thái Nguyên).
Trong chăn nuôi Hà Giang đã tập trung phát triển đàn trâu, bò hàng hóa gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ. Tính đến tháng 12/2021, tổng đàn trâu, bò của tỉnh Hà Giang đạt gần 291.000 con, chủ yếu tập trung tại 4 huyện cao nguyên đá (gồm Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ chiếm trên 65% tổng đàn trâu, bò của tỉnh). Giống bò của Hà Giang chủ yếu là giống bò vàng địa phương có năng suất thịt cao, chất lượng thịt thơm ngon đã được Bộ Nông nghiệp - PTNT bình chọn và đưa vào danh sách bảo tồn.
Bên cạnh đó, Hà Giang đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Bảo tồn nguồn gen của giống ong nội địa phương” nhằm nâng cao năng suất và chất lượng mật ong bạc hà tại 4 huyện vùng cao nguyên đá. Tính đến thời điểm cuối năm 2021, tổng đàn ong của tỉnh Hà Giang đạt trên 34.500 đàn (trong đó, riêng 4 huyện cao nguyên đá (Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ và Yên Minh) đã có trên 21,5 nghìn đàn, chiếm trên 63% tổng số đàn ong của tỉnh Hà Giang) và tổng sản lượng mật ước đạt gần 194 tấn/năm.
Các sản phẩm OCOP đã và đang tạo diện mạo mới trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn ở Hà Giang. Từ đó đã góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số quảng bá, đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử: Postmart.vn; Voso.vn; Sendo.vn;...
Đây cũng là định hướng mà tỉnh Hà Giang xác định nhằm xây dựng nền nông nghiệp công nghệ số cùng với đó là gắn kết sản phẩm OCOP trong phát triển du lịch, thúc đẩy chuyển đổi số với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản phẩm OCOP cũng như góp phần để người dân tiếp cận được sản phẩm qua nhiều hình thức, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
- COP29 đạt được thỏa thuận khởi động giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
- Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh vì tương lai phát triển bền vững
- Phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Hội Nhà báo Việt Nam
- Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica