Nhà nông với khoa học, kỹ thuật

Phù Mỹ chuyển giao kỹ thuật trồng hành củ chuẩn VietGAP giúp nông dân tăng thu nhập

Thu Dịu - 13:27 18/09/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất cây hành lấy củ, góp phần tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cho nông dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định tiếp tục triển khai thực hiện mô hình sản xuất cây hành đạt tiêu chuẩn VietGAP (năm thứ 2) thuộc Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 – 2025 cho 18 hộ hội viên nông dân tại xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ.
TIN LIÊN QUAN

Trồng hành củ thu lợi cao hơn 13 lần so với trồng lúa

Để triển khai thành công mô hình, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã phối hợp với chính quyền, Hội Nông dân xã Mỹ Thọ tổ chức tập huấn đầu vụ nhằm hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất cho các hộ dân trong và ngoài mô hình. Các hộ dân tham gia thực hiện mô hình đã được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách chuẩn bị giống, chuẩn bị đất, cách trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại và ghi chép nhật ký sản xuất để thuận lợi trong quá trình đánh giá, chứng nhận VietGAP cho sản phẩm.

Anh Đồng Xuân Hiệp, hội viên nông dân tham gia mô hình chia sẻ: “Gia đình tôi có 1.200m2 trồng hành lấy củ, trước kia sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính. Tuy nhiên từ khi tham gia mô hình, được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cây hành theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu chọn giống, lên luống phải cao từ 25 – 30cm, bón phân cân đối, tưới nước đủ ẩm và phòng trừ sâu bệnh hại, đảm bảo thời gian cách ly của thuốc bảo vệ thực vật... Nhờ vậy cây hành sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, mô hình cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn trước”.

Cán bộ Khuyến nông và hội viên nông dân tham quan mô hình sản xuất hành đạt tiêu chuẩn VietGAP tại Mỹ Thọ.

Thực hiện theo quy trình VietGAP, sau 02 tháng xuống giống, cây hành hương sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất củ đạt 98 tạ/ha, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, được thị trường và người tiêu dùng ưa chuộng, hiệu quả kinh tế đạt 149,6 triệu đồng/ha, cao hơn 13 lần so với trồng lúa, tỉ suất lợi nhuận đạt 62%.

Ông Nguyễn Kim Trắc, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ cho biết: “Trước đây vùng đất tại thôn Chánh Trạch 2 sản xuất chủ yếu là cây lúa, hiệu quả kinh tế rất thấp. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng lúa – hành hoặc lúa - dưa – hành mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Mô hình triển khai thành công sẽ góp phần thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất của bà con trong việc bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, giữ gìn môi trường xanh - sạch. Thời gian tới, UBND xã có kế hoạch từng bước nâng cao chất lượng, xây dựng thành sản phẩm OCOP “Hành Mỹ Thọ”, đồng thời nhân rộng mô hình trên địa bàn xã”.

Theo đánh giá ban đầu của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định, hiệu quả mô hình sản xuất hành theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Mỹ Thọ không chỉ tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn, nâng cao giá trị nông sản, tạo thuận lợi trong khâu tiêu thụ mà còn gắn trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ, phục vụ truy xuất nguồn gốc.

“Thực tế triển khai cho thấy, cây hành khá phù hợp với trình độ canh tác của bà con trên địa bàn huyện Phù Mỹ và thích ứng tốt với điều kiện thời tiết. Giá hành hương tuy chưa ổn định nhưng kết quả đạt được rất khả quan, đem lại năng suất và lợi nhuận cao cho người dân. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tích cực thông tin tuyên truyền, chuyển giao và nhân rộng mô hình để giúp bà con từng bước tiếp cận, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định cho người dân” - ông Đỗ Minh Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định nhận xét. 

Phổ biến kỹ thuật trồng hành củ chuẩn VietGAP cho hội viên

Theo ông Nguyễn Cường - cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, người trực tiếp tham gia hướng dẫn cho bà con phương pháp trồng, chăm sóc, phòng trừ bệnh trên cây hành cho biết: Cây hành vốn ưa khí hậu lạnh, tốt nhất nên trồng hành vụ Đông khi thời tiết bắt đầu hơi se lạnh (biên độ chênh lệch ngày đêm lớn). Thời vụ từ 01/10 đến 15/10 dương lịch.

Khâu chọn giống: Hành được trồng từ củ giống được bảo quản từ vụ trước (hành vụ Chiêm) hoặc năm trước (hành vụ Đông). Củ giống trước khi đem trồng tốt nhất nên xử lý nấm bệnh tồn dư trên củ. Cách làm như sau: Sử dụng 1 gói Validacin 10ml pha với 10 lít nước cho vào bình phun đều cho 30 - 40kg củ hành giống rồi đảo đều, để ráo sau đó đem trồng. Để hành nhanh mọc có thể cắt bớt 1/5 - 1/4 về phía chóp của củ.

Khâu làm đất: Đất trồng hành tốt nhất là đất thịt nhẹ, đất pha cát, nhất là đất được luân canh với cây lúa nước. Đất được cày bừa kỹ, rắc vôi bột (15 - 20kg/sào) lên luống với kích thước cao 25 -  30cm, rộng 1- 1,2m rồi tiến hành san phẳng bề mặt. Xử lý đất trước khi trồng bằng thuốc diệt nấm Validacin (15 - 20ml/bình 16 lít/sào), phun trước trồng khoảng 2 - 3 ngày.

Kỹ thuật trồng: Nên tưới ẩm luống hành trước khi đặt củ. Củ hành được đặt chắc xuống luống đất, sâu khoảng 1/3 củ. Không nên đặt nông hơn hoặc sâu hơn đều hạn chế sự sinh trưởng của cây hành (đổ ngã hoặc thối hỏng). Tùy theo kích thước luống, bố trí các hàng sao cho hàng cách hàng 22 - 25cm, cây cách cây 13 - 18cm. Sau đặt củ dùng trấu để phủ kín củ hoặc dùng rơm rạ phủ một lớp mỏng trên mặt luống để giữ độ ẩm cho hành nhanh mọc.

Người dân Mỹ Thọ làm quen với sản xuất hành VietGAP từ mô hình thí điểm sản xuất cây hành đạt tiêu chuẩn VietGAP do Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện.

Kỹ thuật chăm sóc, bón phân: Lượng phân bón tùy vào chân đất và mức độ thâm canh, mỗi sào bón khoảng 4 – 5 tạ phân chuồng hoai mục (có thể thay thế bằng 25 - 30kg phân vi sinh); bón lân supe từ 30 - 35kg; Đạm Ure 10 - 12kg/sào; Kali Corua 6 - 8kg hoặc có thể sử dụng 20 – 25 kg phân NPK loại 13:13:13 + TE hay loại 16:16:8...

Cách bón phân: Bón lót toàn bộ phân chuồng (hoặc phân vi sinh) + 70% lân supe + 4 – 5kg đạm Ure, phân được bón trước khi trồng sau đó lấp đất tránh để phân tiếp xúc với củ giống.

Tưới phân thúc: Lần 1 khi hành bật khỏi mặt rạ khoảng 10 - 12cm (15 - 20 ngày sau trồng tùy điều kiện thời tiết). Lần 2 sau lần 1 khoảng 10 - 12 ngày. Tưới với lượng 2 - 3kg Urê + 5kg supe lân + 1 kg Kali cho mỗi lần. Lần 3 tưới khi hành bắt đầu xuống củ. Tưới với lượng 1kg Urê + 2 - 3 kg Kali. Lần 4 cách lần 3 từ 7 - 10 ngày, tưới với lượng 1kg Urê + 2 - 3kg Kali.

Hành củ ở giai đoạn thu hoạch.

Một số kinh nghiệm phòng trừ bệnh hại trên cây hành:

Giai đoạn cây hành non: Đây là giai đoạn cây hành mẫn cảm nhất với bệnh chết rũ do nấm hoặc vi khuẩn héo xanh phát sinh gây hại. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, nếu bổ sung phân vi sinh và các chế phẩm chứa nấm đối kháng Trichodecma ngay từ lúc bón lót phân cho hành và hòa nước tưới định kỳ 10 ngày/lần ở giai đoạn sau mọc đến khi hành bật khỏi mặt rạ 15 - 20cm thì tỷ lệ cây chết được giảm thiểu.

Giai đoạn hành xuống củ: Muốn bảo tồn được bộ thân lá hành để hành xuống củ được tốt cần phòng bệnh định kỳ cho cây, nhất là khi thời tiết có mưa kéo dài hoặc sương ban đêm. Thuốc dùng để phòng bệnh cho hành nên chọn thuốc Zineb hoặc Rhidomil hoặc Alfamil…, không nên phòng bằng thuốc Boocdo dễ làm cháy lá hành. Cần phun trừ bệnh bằng các loại thuốc đặc trị nấm khi bệnh chớm xuất hiện.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác