Nông nghiệp

Cơ giới hóa nâng cao giá trị tăng trưởng ngành Nông nghiệp

13:07 24/05/2024 GMT+7
Tỷ lệ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp mới chỉ tập trung ở một số khâu và chưa đồng bộ. Chính sách tích tụ ruộng đất, hạn điền, tín dụng, hỗ trợ liên kết vào nông nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa đủ mạnh.

Đây là vấn đề đưa ra tại Diễn đàn nông nghiệp với chủ đề “Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức tại tỉnh Quảng Ngãi hôm nay (23/5).

Các đại biểu dự Diễn đàn

Cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp không chỉ giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn với giá trị cao, tăng thu nhập cho nông dân mà còn là chìa khóa tạo nền tảng cho ngành nông nghiệp tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, thực trạng ứng dụng cơ giới hóa ở các khâu trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta chưa đồng bộ.

Từ năm 2011 đến nay, số lượng, chủng loại máy và thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng nhanh. Cụ thể, số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy cấy tăng 10 lần, máy gặt đập liên hợp tăng 80%, máy sấy nông sản tăng 30% và máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 3,5 lần. Ứng dụng cơ giới hóa đã đưa giá trị gia tăng toàn ngành bình quân đạt từ 2%-3% năm. Năm 2010, năng suất lao động bình quân của người lao động đạt 16, 6 triệu đồng, đến năm 2020 đã tăng lên 52,7 triệu đồng, tăng 3,17 lần.

Mô hình sạ lúa bằng máy được thử nghiệm tại Quảng Ngãi

Tại khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ (từ thành phố Đà Nẵng đến  Bình Thuận) đã ứng dụng 100% máy móc thiết bị trong khâu làm đất,  thu hoạch và ứng dụng 90% máy gặt đập liên hợp. Riêng tỷ lệ sử dụng máy móc, thiết bị trong gieo sạ còn thấp, chỉ chiếm khoảng 10% tổng diện tích gieo sạ toàn vùng. Khâu bón phân và phòng trừ sâu bệnh đa phần nông dân vẫn sử dụng biện pháp thủ công.

Giới thiệu máy sạ lúa kết hợp thiết bị bay không người lái phun thuốc cho ruộng lúa

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện nay tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp vùng duyên hải Nam Trung Bộ còn thấp vì nhiều yếu tố, cần có sự vào cuộc của chính quyền các địa phương.

 

"Vấn đề cơ giới hóa hiện nay Chính phủ cũng như các bộ, ban, ngành đã ban hành một loạt các cơ chế, chính sách. Bà con cũng đang rất sẵn sàng để ứng dụng cơ giới hóa. Tuy nhiên, trong thực tế sản xuất vẫn còn những rào cản. Chúng ta có một hạ tầng sản xuất tương đối manh mún, làm thế nào để thay đổi được nhận thức của người sản xuất. Chúng ta không thể nào cơ giới hóa trên một mảnh ruộng nhỏ được và phải thay đổi ngay tư duy, nông dân phải chấp nhận phá bỏ những bờ bao. Mặc dù rất nhỏ như vậy nhưng đó chính là rào cản lớn nhất để chúng ta cơ giới hóa được", ông Lê Quốc Thanh nêu rõ.

                                                                                                                            Theo VOV

Tin cùng chuyên mục
Tin khác