Có Hội đồng hành, nông dân tự tin vươn lên làm giàu
Nông dân giỏi ứng dụng công nghệ cao, nâng chất nông sản
Với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, ông Tăng Văn Xúa ở xã Hoà Đông, thị xã Vĩnh Châu là điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Sóc Trăng. Ông Tăng Văn Xúa cho biết: Trước đây, thị xã Vĩnh Châu nói chung và xã Hòa Đông nói riêng chỉ sản xuất độc canh 1 vụ lúa. Do phụ thuộc vào thời tiết nên năng suất, sản lượng lúa thấp, giá cả bấp bênh, năm được năm mất… Sau khi có chủ trương về chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, gia đình ông Tăng Văn Xúa đã mạnh dạn chuyển từ trồng lúa sang đầu tư nuôi tôm.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Tăng Văn Xúa ở xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng).
Những năm đầu nuôi tôm, ông Tăng Văn Xúa gặp rất nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật. Để mô hình nuôi tôm đạt hiệu quả kinh tế cao, ông Xúa thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về nuôi tôm do Hội Nông dân, các ngành chức năng hướng dẫn. Áp dụng những kiến thức được học, ông Xúa đã mạnh dạn thay đổi quy trình sản xuất, cải tiến kỹ thuật trong nuôi tôm.
Từ năm 2016, ông Xúa đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Tất cả quy trình nuôi được khép kín và áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật rất nghiêm ngặt, góp phần bảo vệ môi trường.
Hiện nay, diện tích nuôi vừa tôm sú và thẻ chân trắng công nghệ cao của gia đình ông Xúa lên đến 6ha, mỗi năm thu hoạch khoảng 37 tấn tôm, với giá bán trung bình khoảng 100.000 đồng/kg, mỗi năm ông Xúa “bỏ túi sơ sơ” 5- 6 tỷ đồng. Với những kiến thức nuôi tôm của bản thân, ông Tăng Văn Xúa thường xuyên quan tâm hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm cũng như vốn, khoa học kỹ thuật cho nhiều hộ khó khăn ở địa phương để cùng vươn lên làm giàu chính đáng. Ông Tăng Văn Xúa còn đóng góp sửa chữa cầu, lộ nông thôn trị giá hơn 35 triệu đồng, xây dựng 4 cầu nông thôn trị giá 1 tỷ 200 triệu đồng, đóng góp Quỹ Hỗ trợ ND 1 triệu đồng/năm.
Cơ sở bún khô - mì nui của ông Trang Văn Trí tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động địa phương, thu nhập từ 5- 8 triệu đồng/tháng.
Cũng là điển hình ND sản xuất kinh doanh giỏi, ông Trang Minh Trí - Chủ cơ sở bún khô - mì nui Thanh Đại, ấp Giồng Chùa A, xã An Hiệp, huyện Châu Thành đã làm ra sản phẩm mì nui đạt chuẩn OCOP 3 sao. Ông Trang Minh Trí cho biết, hiện nay cơ sở sản xuất của ông đã đầu tư các loại máy móc hiện đại để sản xuất bún khô, mì nui đạt tiêu chuẩn sản phẩm chất lượng.
Theo ông Trí, cùng với đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại, ông chú trọng đến chất lượng nguyên liệu (gạo) để sản xuất ra sợi bún, mì nui ngon, bảo quản được lâu. Sau khi thí nghiệm nhiều loại gạo, ông Trí chọn loại gạo 504 cũ sản xuất tại Sóc Trăng làm nguyên liệu chính cho hai sản phẩm bún khô và mì nui của mình.
Ông Trí cho biết thêm, ngoài yếu tố nguyên liệu, để sản phẩm đạt chuẩn thì khâu sấy và nhiệt độ cũng rất quan trọng. Vì nếu sấy không đủ thời gian, nhiệt độ thì không bảo quản được lâu, còn sấy quá nhiệt độ thì sợi bún sẽ bị giòn, dễ gãy, hao hụt…
Với chất lượng sản phẩm được người tiêu dùng công nhận, hiện nay sản phẩm bún khô, mì nui của cơ sở ông Trí đã có mặt khắp các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL. Bình quân mỗi tháng, cơ sở sản xuất khoảng 20 tấn thành phẩm bún khô, mì nui, doanh thu mỗi năm trên 2 tỷ đồng. Đặc biệt, cơ sở của ông Trí đã giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động tại địa phương, với mức thu nhập từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Mục tiêu của ông Trí là năm 2023 sẽ đăng ký OCOP sản phẩm bún khô của mình. Khi 2 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP ông sẽ đẩy mạnh xúc tiến sản phẩm của mình đi các thị trường TP.HCM và các tỉnh miền Trung, miền Bắc.
Nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động Hội
Ông Lý Hoàng Minh, Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Nhiệm kỳ 2018 - 2023, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội trong toàn tỉnh hoàn thành tốt mọi mặt công tác. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ, phong trào “ND thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của Hội đạt được nhiều kết quả ấn tượng.
Hội ND tỉnh Sóc Trăng có 80.608 hộ đã được bình xét công nhận nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; có 372 hộ đạt cấp Trung ương, 2.404 hộ đạt cấp tỉnh, 10.498 hộ đạt cấp huyện và 67.334 hộ đạt cấp xã. So với năm 2018, số hộ sản xuất, kinh doanh giỏi có mức thu nhập trên 450 triệu đồng/năm tăng gấp 2,5 lần, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng 4,5 lần, nhiều tấm gương nông dân vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng.
Trong mục tiêu phát triển các mô hình kinh tế tập thể, các cấp Hội ND tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thành lập, đến nay, toàn tỉnh có 221 hợp tác xã, với tổng số 31.923 thành viên; tổng vốn điều lệ trên 167,4 tỷ đồng; vốn điều lệ trên 1.427,4 tỷ đồng. Có 1.247 tổ hợp tác, với 30.628 thành viên, tổng vốn góp trên 13,6 tỷ đồng, tổng số lao động 33.692 người. Hàng năm, Hội ND các cấp trong tỉnh phối hợp với các sở, ngành, Liên minh Hợp tác xã xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển mô hình kinh tế hợp tác từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với quy mô lớn, áp dụng tự động hóa trong sản xuất, nông nghiệp công nghệ 4.0, sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ gắn sản xuất với thị trường và các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, ND liên kết tham gia cánh đồng mẫu lớn, sản xuất tập trung, ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản. Đặc biệt đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, mô hình liên kết sản xuất.
Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh Sóc Trăng quản lý nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ ND các cấp trong tỉnh số tiền 62,27 tỷ đồng (tăng 38 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ, đạt 140%/năm so với chỉ tiêu nghị quyết). Thông qua nguồn vốn Quỹ, các cấp Hội đã tổ chức thực hiện được 470 dự án phát triển kinh tế, giúp thoát nghèo trên 1.500 hộ, giải quyết được 2.600 lao động tại địa phương