Nghỉ Hè, các cô nuôi ở Quảng Trị phải lao đao để mưu sinh
Theo Nghị quyết số 35/2018 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Trị, từ năm 2019, các chế độ dành cho người lao động hợp đồng vị trí nấu ăn trong các trường mầm non công lập tại tỉnh Quảng Trị sẽ được hỗ trợ tiền lương và bảo hiểm xã hội 9 tháng/người/năm. Đối với vùng đặc biệt khó khăn, thì ngân sách hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 12 tháng.
Vậy là, trong 3 tháng nghỉ Hè, rất nhiều lao động hợp đồng vị trí nấu ăn ở các trường mầm non công lập (không thuộc vùng đặc biệt khó khăn) không được hưởng lương, đồng thời không hỗ trợ đóng các loại bảo hiểm.
Đến tháng 5/2024, 100% cô nuôi ở 147 trường mầm non công lập tại địa bàn tỉnh Quảng Trị được hưởng lương và các cô nuôi được đóng BHXH, BHYT, BHTN bằng 21,5% mức lương tối thiểu vùng.
Chị Lê Thị Lệ Huyền (35 tuổi, thôn Tân Tiến, xã Tân Liên, huyện Hướng Hoá) hiện đang là nhân viên nấu ăn Trường mầm non Tân Liên cho hay, “sau 9 tháng làm ở trường thì chị ở nhà và không hề có khoản trợ cấp nào, ai kêu gì làm đó nên rất khó khăn. Để duy trì khoản bảo hiểm đã đóng, chị phải bươn trải để kiếm tiền và tự đóng trong 3 tháng nghỉ Hè.
Cũng với hoàn cảnh trên chị Nguyễn Thị Hà (ngụ thị trấn Khe sanh, huyện Hướng Hoá) cho biết, số lương chị nhận được trong thời gian làm công việc nấu ăn tại Trường mần Tân Liên chỉ chưa đến 3,5 triệu đồng thì đã rất khó khăn rồi, nghỉ Hè thì lại khó khăn hơn. Thời gian nghỉ Hè chị lại “lận đận” trong công việc với thu nhập bấp bênh.
Theo đó, việc chi trả lương cho cô nuôi thực hiện theo mức thu nhập trung bình của người lao động vùng Quảng Trị với mức gần 3,5 triệu đồng/người. Với mức thu nhập khá thấp như trên thì việc trang trải cho cuộc sống của các cô gặp rất nhiều khó khăn. Trong những năm vừa qua các đơn vị đã tham mưu với UBND cấp huyện hỗ trợ hoặc cho cơ chế để thu từ phụ huynh hỗ trợ thêm cho cô nuôi để cô nuôi tăng thu nhập.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị, vì thời gian 3 tháng Hè, các cháu không tham gia học ở trường, các cô nuôi không tham gia làm việc nên không hưởng lương, không có hợp đồng lao động nên không thể thực hiện các khoản bảo hiểm bắt buộc được. Để các cô nuôi ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc Sở đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố huy động các nguồn kinh phí, chỉ đạo các trường mầm non công lập vận động xã hội hoá để hỗ trợ thêm lương và thực hiện bảo hiểm tự nguyện trong 3 tháng Hè đảm bảo đủ 12 tháng bảo hiểm/năm cho cô nuôi.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, căn cứ khả năng cân đối ngân sách của tỉnh để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh nâng mức hỗ trợ lương cho cô nuôi ở các trường mầm non công lập vào thời điểm phù hợp.