Xã hội

Con đường phát triển của báo chí là đồng hành với công nghệ

Tuệ Anh - 19:18 18/03/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Ngày 18/3/2023, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023 tại Bảo tàng Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội thảo Trí tuệ nhân tạo (AI) và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn.
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt  Nam phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: N.D

Chủ trì Hội thảo có ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt  Nam; ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam; TS Tạ Bích Loan, Trưởng Ban sản xuất các chương trình giải trí (VTV3).

Tham dự Hội thảo còn có các học giả nghiên cứu báo chí, các nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí, sinh viên…

Theo Ban Tổ chức, Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí cùng nhận diện các xu hướng trên thế giới, thảo luận về những câu hỏi hóc búa mà trí tuệ nhân tạo đang đặt ra, từ đó có những giải pháp nhằm định hướng sáng tạo nội dung cho từng nhà báo và ở mỗi cơ quan báo chí hiện nay.

Báo chí cần thích ứng với sự có mặt của Al

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Quốc Minh, cho biết: “Chuyển đổi số đã, đang là xu thế tất yếu diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội hiện nay. Là lĩnh vực phản ứng nhạy bén với mọi biến động của đời sống kinh tế - xã hội, báo chí truyền thông cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Trước bối cảnh đó, báo chí phải chủ động đổi mới phương thức chuyển tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số".

Việc đối diện với sự bùng nổ về cả tốc độ, số lượng và quy mô tiêu thụ thông tin hiện nay, các tổ chức báo chí – truyền thông đang dần quá tải nếu vẫn duy trì cách truyền thống. Để giải quyết vấn đề này, nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thay đổi cách sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản cũng như phân phối nội dung tin tức trên các nền tảng khác nhau, từ đó từng bước thay đổi trải nghiệm người dùng về nội dung và cả hình thức theo hướng thông minh hơn. Tuy nhiên, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là ChatGPT hiện nay đã và đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức, nhất là đối với các nhà báo và các nhà quản lý báo chí.

Cơ hội của việc sử dụng Chat GPT, trí tuệ nhân tạo trong báo chí truyền thông bao gồm: ChatGPT có thể tạo ra những nội dung văn bản rất phức tạp chỉ từ những câu lệnh đơn giản của người dùng. Trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là ChatGPT giúp tăng tương tác với độc giả, giúp cải thiện trải nghiệm người dùng bằng cách trả lời các câu hỏi và giải đáp thắc mắc của khách hàng; Sử dụng ChatGPT và ứng dụng AI trong báo chí truyền thông đã thúc đẩy hoạt động báo chí truyền thông phải đổi mới sáng tạo và phát triển các giải pháp kỹ thuật sử dụng AI và tạo công nghệ mới để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho cộng đồng, nâng cao chất lượng, công khai minh bạch trong truyền thông, nghiên cứu và sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí phù hợp. Song bên cạnh cơ hội, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả, thách thức lớn từ góc nhìn pháp lý, an ninh truyền thông, từ góc nhìn văn hóa và đạo đức nghề nghiệp. Sử dụng ứng dụng AI cũng đang tiềm ẩn việc có thể thay thế một số công việc của nhân lực, gây ra mất việc làm cho một số nhân viên…

PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng cũng chia sẻ: Bản chất của báo chí số là sử dụng công nghệ số vận hành đồng thời sáng tạo nội dung, sản xuất các dòng sản phẩm số, kinh doanh, phát hành trên các nền tảng số, trong một hệ sinh thái số. Chuyển đổi số báo chí thực chất là chuyển đổi từ báo chí đơn loại hình sang nền báo chí lấy báo mạng điện tử làm trung tâm, ứng dụng công nghệ số trong toàn bộ hoạt động của toà soạn hội tụ.

Có nhiều cách khác nhau để áp dụng AI trong hoạt động nghiệp vụ báo chí như: Tóm tắt nội dung văn bản và tài liệu, trả lời theo yêu cầu và chủ đề của người dùng hoặc sáng tạo các nội dung, các tác phẩm theo góc nhìn mới, đặt tiêu đề cho các bài báo, dịch thuật đa ngôn ngữ.

“Các ứng dụng này giúp nhà báo tiết kiệm thời gian và công sức lao động nghề nghiệp. AI có thể là trợ lý ảo đắc lực cho nhà báo trong tìm kiếm, xác định thông tin. Có thể sử dụng các phần mềm ứng dụng công nghệ AI để phát hiện đề tài, thu thập xử lý thông tin để theo dõi sự kiện, trích xuất thông tin và xác định xu hướng” – bà Hằng cho hay.

Các đại biểu tham dự hội Hội thảo.

Sử dụng AI là công cụ phục vụ cho báo chí

Trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng hàng ngày trong cuộc sống. Hiện nay, đã có sự dịch chuyển từ báo chí truyền thống sang báo chí thích ứng, sáng tạo diễn ra do sự thúc đẩy của công nghệ số, đặc biệt là ChatGPT. Mặc dù công nghệ ChatGPT vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, nhưng các tòa soạn có thể hưởng lợi từ việc áp dụng ChatGPT và các công cụ tương tự vào công việc hàng ngày.

Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ mỗi phóng viên có một lộ trình làm tin bài riêng, thay vì phải tham gia thụ động vào các chủ đề cố định. Giờ đây, phóng viên có thể nhận được gợi ý của dữ liệu và từ đó phản hồi kịp thời, đảm bảo được tác phẩm báo chí của họ sáng tạo và ấn tượng. Chính vì vậy, các nhà báo, phóng viên phải là những người nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi của công nghệ, coi đó là công cụ để phục vụ cho sự sáng tạo của mình.

Theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, các phần mềm ứng dụng AI, dù có nhiều tính năng vượt trội, nhưng xét đến cùng, đó cũng chỉ là một công cụ mà nhà báo phải học cách để làm chủ nó, sử dụng nó phục vụ cho hoạt động tác nghiệp của mình nhằm tạo ra tác phẩm, sản phẩm báo chí theo nguyên tắc của nghề nghiệp. “Chúng có thể là công cụ đắc lực cho công tác biên tập, sản xuất báo chí tự động, nhưng nó không thể thay thế lao động sống của nhà báo tại hiện trường. Chúng cũng không có nhạy cảm chính trị, không có lý tưởng, không có tính nhân văn, hoàn toàn không có trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí”.

Do đó, để làm chủ và sử dụng được công cụ số nói chung và các phần mềm ứng dụng AI nói riêng, mỗi nhà báo Việt Nam càng phải trau dồi năng lực và phẩm chất của một nhà báo cách mạng, học hỏi, thảo luận để có thể làm chủ công nghệ, chứ không để công nghệ dẫn dắt và làm chủ chúng ta.

Anh Minh Dũng – Trung tâm sản xuất truyền hình thể thao VTV cũng cho rằng: “Nếu không có con người thì cũng không thể có Al, một điều rất cụ thể ngay như trong cuộc hội thảo này nếu không có các bạn quay phim, các bạn phóng viên, không viết bài, không đẩy lên mạng xã hội thì chẳng có con Al nào biết về sự kiện ngày hôm nay cả. Vì vậy, theo quan điểm của tôi thì chúng ta chỉ nên sử dụng nó là công cụ, cần có sự hiểu biết cụ thể, cơ chế hoạt động, nguyên tắc để sử dụng tốt hơn”.

Đại biểu chia sẻ ý kiến tại Hội thảo.

Sự xuất hiện AI vừa là cơ hội, đồng thời là thách thức lớn với nhà báo và cơ quan báo chí, đặc biệt là với các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí truyền thông. Vì vậy, các cơ quan báo chí cần chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó đẩy mạnh ứng dụng AI trong toà soạn.

“Cần chú ý là không có kịch bản chung cho việc ứng dụng AI trong quản trị sáng tạo nội dung báo chí. Với các cơ quan báo chí đang ở bước cơ bản trong chuyển đổi số, cần tập trung các ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất, nghiên cứu và phân khúc công chúng trên phiên bản báo điện tử, chú trọng an toàn và an ninh thông tin” - bà Hằng cho hay.

Với cấp độ cao hơn, các toà soạn nên triển khai ứng dụng AI trong một, một vài hoặc toàn bộ quy trình của toà soạn như: ứng dụng trong quản trị nội bộ (ứng dụng trong phần mềm quản lý tác giả, tác phẩm, quản lý đăng ký kế hoạch tin bài phóng viên…); sản xuất nội dung, phân phối, phát hành với các tính năng gợi ý nêu trên.

Với các toà soạn đã ứng dụng tốt cả quy trình, có thể triển khai ứng dụng AI cho khổi tương tác, quản lý; phát triển dịch vụ giá trị gia tăng để phát triển kinh tế báo chí số, xây dựng chương trình tương tác và ứng dụng tin tức có tính năng vượt trội, giải quyết các vấn đề bản quyền và thực thi các mô hình báo chí số với cả 3 khu vực: Nội dung số - công nghệ số- kinh tế số, phát triển hệ sinh thái số cho cơ quan báo chí.

Hiện nay ở Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí từng bước áp dụng các côngnghệ số hiện đại như AI, IoT, Cloud, Big Data… vào hoạt động của mình. Hầu như các đơn vị báo chí lớn như Thông tấn xã Việt Nam, VnExpress, VietNamNet, Zing… đều đã trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện với các trang báo đáp ứng tiêu chí Mobile First, đa nền tảng, sử dụng các hình thức truyền tải tin bài hiện đại như E-magazine, Interactive, Infographic, Story scroll…

Việc ứng dụng AI cũng đang được bước đầu ứng dụng vào báo chí với những hình thức ngày một phổ biến hơn: Podcast, Text to Speech, Text to Video…Phân tích dữ liệu người dùng và gợi ý các nội dung yêu thích của độc giả cũng là một ứng dụng AI mà một số toà soạn lớn cũng đã bước đầu triển khai áp dụng. VietNamNet, Thanh niên, Tạp chí điện tử Ngày Nay… cũng đã triển khai mô hình Premium - thu phí độc giả trên một nhóm nội dung chất lượng cao, thanh toán phí qua cổng thanh toán tiện lợi, phù hợp với một số nhóm đối tượng, tuy nhiên chưa đạt mức cá nhân hóa đến từng độc giả. 

Hội thảo nhận được 22 tham luận từ các nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà khoa học gửi về Ban Tổ chức. Điều này cho thấy chủ đề mà Hội thảo đưa ra là một vấn đề hết sức “nóng”, thu hút sự quan tâm rất lớn của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan báo chí” – PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng – Trưởng Ban Nghiệp vụ công tác Hội, Hội Nhà báo Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác