Xã hội

Báo chí có vai trò quan trọng trong việc phổ biến chính sách pháp luật về bảo vệ biên giới, biển, hải đảo

Quang Tú - 09:31 26/04/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Đó là ý kiến của ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông tại Hội nghị tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật về bảo vệ biên giới của Tổ quốc; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia về biển và hải đảo do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 25/4, tại Hà Nội.
Ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các đại biểu của Sở thông tin và Truyền thôngcác tỉnh phía Bắc, cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại, thông tin, báo chí – xuất bản thuộc TP. Hà Nội; các phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải cho biết, nhiều năm qua, thông qua các tin, bài và phóng sự, các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ lan tỏa các thông điệp bảo vệ biên giới đến mọi tầng lớp nhân dân. Đây là lực lượng có vai trò quan trọng trong việc phổ biến chính sách pháp luật về bảo vệ biên giới, biển, hải đảo góp phần cổ vũ tinh thần yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Việc nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ chủ quyền, biển đảo thiêng liêng đã tạo ra sự đồng thuận cũng như sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật bảo vệ biên giới Tổ quốc đối với đối tượng phóng viên, biên tập viên cũng như cán bộ làm công tác truyền thông là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết.

Cac sđại biểu dự Hội nghị.

Tại nội nghị, các đại biểu đã nghe Thượng tá Phạm Ngọc Khoái - Trợ lý phòng Tuyên huấn Bộ đội Biên phòng – Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trình bày về “Tình hình biên giới và những vấn để đặt ra trong công tác quản lý, xây dựng và bảo vệ biên giới trong tình hình hiện nay”.

Theo Thượng tá Phạm Ngọc Khoái, biên giới luôn là chủ đề nhạy cảm và nhận được nhiều sự quan tâm, nhất là trong tình hình thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp. Việc giải quyết dứt điểm vấn đề biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và các nước có chung đường biên giới, việc hoàn thành xây dựng đường biên giới rõ ràng, chính xác, hiện đại, có giá trị pháp lý đối với sự phát triển của mỗi nước và hòa bình, ổn định của khu vực. Chính sách pháp luật của Việt Nam về phân giới cắm mốc, về phát triển vùng biên giới trên tinh thần hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ nhằm nâng cao ý thức quốc gia và trách nhiệm bảo vệ biên giới Tổ quốc.

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng –Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ về “Kỹ năng viết tin, bài tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong công tác thông tin đối ngoại”, trong đó nhấn mạnh, bên cạnh nghiệp vụ, kĩ năng, quy tắc viết báo thì cần phải nắm được chủ trương của Đảng và Nhà nước về chủ quyền biên giới và biển, đảo. Nhà báo cần kết hợp sử dụng các trang thông tin điện tử cũng như nghiên cứu các kĩ thuật trong truyền thông chính sách để người dân được tiếp cận đầy đủ, sâu rộng với các nguồn tin, cũng như tối ưu các phương tiện. Báo chí phải là lực lượng chủ động đưa những thông tin sớm nhất, đúng nhất đến công chúng.

TS. Trần Công Trục - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia – Bộ Ngoại giao.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu tiếp tục được TS. Trần Công Trục – Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia – Bộ Ngoại giao Nguyên trao đổi về tình hình thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong những năm gần đây.

TS. Trần Công Trục cho biết, Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo này từ khi chúng còn là dất vô chủ, chí ít là từ thế kỷ thứ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở 2 quần đảo này là rõ ràng, liên tục, hòa bình, phù hợp với nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ hiện hành - nguyên tắc chiếm hữu thật sự- của Công pháp quốc tế. Việt Nam có đầy đủ các chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để chứng minh và bảo vệ chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo này qua các thời kỳ lịch sử.

TS. Trần Công Trục cũng nhấn mạnh, không phải bất cứ tư liệu lịch sử và bản đồ nào cũng đều có giá trị pháp lý để chứng minh và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này. Chỉ có những tư liệu lịch sử và bản đồ có giá trị pháp lý (nghĩa là các tư liệu do hệ thống tổ chức Nhà nước có thẩm quyền ban hành) mới được coi là những chứng cứ pháp lý. Nếu sử dụng không có chọn lọc, nhất là dùng cho đấu tranh pháp lý, tất cả tài liệu lịch sử, bản đồ… có thể vô tình ủng hộ cho lập trường “chủ quyền lịch sử” của các quốc gia khác.

Trình bày về vị trí, vai trò quan trọng của biển và đại dương, chính sách, pháp luật của Việt Nam trên biển và hải đảo, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, TS. Trung tá Nguyễn Thanh Minh - Phs Giám đốc trung tâm đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, Việt Nam là quốc gia biển, do vậy biển đảo có vị trí, vai trò rất quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện ở 3 phương diện: quốc phòng - an ninh; phát triển kinh tế; hợp tác quốc tế.

Đến nay, Nhà nước Việt Nam đã ban hành chính sách, pháp luật về biển và hải đảo một cách đồng bộ bao gồm nhiều lĩnh vực như kinh tế biển, quốc phòng - an ninh trên biển, hợp tác quốc tế về biển, phân định biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển.

Ông Nguyễn Thanh Minh nhấn mạnh, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam vẫn là lực lượng nòng cốt trong công tác đấu tranh bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển bằng biện pháp pháp luật. Mong các cán bộ làm công tác truyền thông sẽ luôn gắn kết, đồng hành cùng Cảnh sát biển Việt Nam trong công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về vấn đề bảo vệ biên giới Tổ quốc đến với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là bà con vùng sâu vùng xa, biên giới đất liền và hải đảo.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác