Xã hội

Cùng nhau lan tỏa tinh thần, nghĩa cử cao đẹp của hiến máu tình nguyện

07:56 16/06/2024 GMT+7
Anh Ma A Sà mong muốn Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện và các cấp, ngành cùng nhau truyền thông mạnh mẽ hơn nữa về hoạt động hiến máu để được lan tỏa đến vùng sâu, vùng xa...

Chia sẻ của những gương mặt hiến máu trong Lễ tôn vinh 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2024, diễn ra vào chiều 15/6, tại Hà Nội, cho thấy với mỗi người cảm giác giọt máu của mình đang chảy trong cơ thể người khác và cứu sống được người khác là điều thật ý nghĩa.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với đại biểu người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2024. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với đại biểu người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2024. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Hạnh phúc khi được gặp người nhận máu của mình

Anh Ma A Sà (dân tộc Mông, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường) là một trong 100 gương tiêu biểu toàn quốc đại diện cho người hiến máu tỉnh Lai Châu.

Anh đã tham gia hiến máu khi đủ tuổi và đến nay đã có 33 lần hiến máu tình nguyện, vận động được 516 người tham gia hiến máu tình nguyện. Lần hiến máu đầu tiên của anh tại Hà Nội do ở địa phương ít có cơ hội tiếp cận với hoạt động hiến máu.

Phải đến những năm 2011, hoạt động hiến máu được diễn ra sôi nổi hơn, anh mới có nhiều cơ hội được tham gia hiến máu tại địa phương. Sau mỗi lần hiến máu, anh thấy tinh thần luôn vui vẻ, cơ thể khỏe mạnh.

Nhắc lại kỷ niệm khó quên trong một lần hiến máu, anh Ma A Sà chia sẻ: “Năm 2017, khi đó tôi được huy động đi hiến máu khẩn cấp cho 1 cháu bé cần truyền máu mà gia đình hoàn cảnh lại khó khăn. Sau đó, tôi rất bất ngờ khi nhận được lời cảm ơn của mẹ cháu và cháu. Tôi thấy vui và may mắn vì đây là lần đầu tiên gặp trực tiếp người được truyền đơn vị máu của mình. Đó là cảm giác hạnh phúc, xúc động vì đã làm được một việc có ích với cuộc đời."

Là cán bộ trẻ nhưng lại làm công tác cựu chiến binh, anh Ma A Sà luôn cố gắng vượt qua những khó khăn trong công tác tuyên truyền tới các cựu chiến binh lớn tuổi. Trong các buổi sinh hoạt, anh luôn lồng ghép các câu chuyện về hiến máu tình nguyện.

Vì thế, trong 5 năm gần đây, khi Hội cựu chiến binh của xã phối hợp với Hội cựu Chiến binh huyện tổ chức các chương trình hiến máu tình nguyện đã thu hút được nhiều người tham gia.

Chia sẻ về khó khăn trong công tác vận động mọi người tham gia hiến máu tình nguyện anh cho biết mỗi lần tham gia hiến máu thì đa số là các cán bộ công chức, người lao động, sinh viên, nhưng người dân tộc tham gia hiến máu còn ít. Đặc biệt như dân tộc Mông của anh rất ít người tham gia hiến máu, bởi họ vẫn nghĩ hiến máu là mình bị mất máu, không thể bù đắp lại mà chưa hiểu được những lợi ích mà việc hiến máu đem lại cho bản thân mình. Chính vì vậy, việc huy động các cán bộ cựu chiến binh tham gia hiến máu sẽ là những tấm gương về người thật, việc thật để mọi người làm theo.

Anh Ma A Sà cũng bày tỏ mong muốn rằng Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện và các cấp, ngành cùng nhau truyền thông mạnh mẽ hơn nữa về hoạt động hiến máu để hoạt động được lan tỏa đến vùng sâu, vùng xa, đến đồng bào dân tộc… để người dân tích cực tham gia hiến máu thường xuyên, giúp cho nhiều bệnh nhân hơn nữa.

ttxvn_hien mau 2.jpg
Đại biểu Ma A Sà, tỉnh Lai Châu phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Cảm xúc hiến máu lần nào cũng như lần đầu Chị Nguyễn Thị Bích Lan (49 tuổi, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) lại rất bất ngờ và xúc động khi được là người đại diện cho tỉnh Bình Phước trong Lễ tuyên dương 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm nay.

Chị đến với hoạt động hiến máu từ năm 2004, đến nay đã có 20 năm gắn bó với hoạt động này. Năm 1995, chị gái ruột của chị bị bệnh tim, phải làm phẫu thuật và cần truyền máu nên gia đình đến bệnh viện để hiến máu nhưng không ai hiến máu được do cả nhà bị sốt rét.

Lúc đó chị thấy rằng nhiều người bệnh cũng sẽ ở trong hoàn cảnh giống như chị gái chị, mong manh giữa sự sống và cái chết. Tuy nhiên, nhờ có cộng đồng giúp đỡ mà chị gái chị đã được truyền máu kịp thời và ca phẫu thuật diễn ra thành công. Khi đó chị tự nhủ nếu có cơ hội và khi mình đủ sức khỏe sẽ tham gia hiến máu thường xuyên, nhưng do khu vực chị sinh sống chưa có điều kiện để tiếp cận với các chương trình hiến máu, phải đến năm 2004 khi hoạt động hiến máu được Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức tại Bình Phước chị mới có cơ hội tham gia.

Đến những năm 2008, hoạt động hiến máu được tổ chức thường xuyên hơn, giúp chị thêm nhiều cơ hội đi hiến máu. Dù đã hiến máu 50 lần nhưng đối với chị lần nào cũng mang cảm xúc nguyên vẹn như lần đầu đi hiến máu, hồi hộp và háo hức. Như một thói quen, trước mỗi lần hiến máu chị đều có những buổi nói chuyện với các học sinh của mình về lợi ích của việc hiến máu tình nguyện.

Chị Lan mong muốn các em hiểu được giá trị của việc hiến máu nhân đạo, biết sẻ chia với những người khác, giúp các em hình thành tính cách, sau này trưởng thành sẽ là người có ích, đóng góp những điều tích cực cho xã hội. Chị Lan luôn tâm niệm rằng, mỗi người trong chúng ta không tránh khỏi những lúc bị ốm đau, vì vậy cần tích cực tham gia hiến máu để bảo vệ sức khỏe bản thân mình và thực hiện trách nhiệm với cộng đồng.

100 đại biểu tham dự chương trình năm nay đã hiến tổng cộng 4.470 đơn vị máu, trong đó có 2 đại biểu hiến máu trên 100 lần. Đặc biệt, đại biểu ít tuổi nhất là anh Nguyễn Thành Tài (22 tuổi, đến từ tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã có tới 43 lần hiến máu, hiến tiểu cầu.

Trong số 100 đại biểu năm nay có 78 đại biểu nam, 22 đại biểu nữ. Đáng chú ý, trong số 100 đại biểu có 14 đại biểu thuộc Lực lượng Vũ trang, 15 đại biểu thuộc ngành Giáo dục và 5 đại biểu là nhân viên y tế.

Từ mọi miền Tổ quốc, các đại biểu đến với Hà Nội trong tâm thế tự hào. Đó không chỉ là niềm tự hào của riêng bản thân họ mà còn là đại diện cho lòng nhân ái, hết mình vì cộng đồng của con người Việt Nam./.

Theo TTXVN/Vietnam+

Tin cùng chuyên mục
Tin khác