Đa dạng sinh kế, nâng cao đời sống bà con miền núi
Thời gian qua, tại các địa phương miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, nhiều mô hình, chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Gà đen là giống gà kiến H’re bản địa lai với gà H’Mông ở huyện miền núi Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng. Mô hình nuôi gà đen được Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp sạch huyện Sơn Hà triển khai từ nhiều năm nay thu hút hàng chục hộ gia đình xã viên. Từ chỗ chỉ nuôi thả tự nhiên nhỏ lẻ trong hộ gia đình, đến nay, mỗi hộ xã viên nuôi từ 500 đến hàng ngàn con gà đen.
Ông Lê Văn Mười, ở xã Sơn Thượng, huyện Sơn Hà cho biết, từ khi tham gia hợp tác xã, gia đình ông cùng nhiều hộ khác mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô nuôi gà đen cho thu nhập đáng kể: “Trước đây gia đình nuôi nhỏ lẻ, đầu ra tiêu thụ sản phẩm bấp bênh. Khi vào hợp tác xã thì đầu ra ổn định, bây giờ mình phát triển chăn nuôi số lượng lớn hơn”.
Huyện miền núi Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi hiện có 17 hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ phát triển theo chuỗi liên kết. Nhờ đó, người dân chủ động hơn trong sản xuất, đồng thời nông sản có đầu ra ổn định, mang lại thu nhập cao. Gà đen, gà kiến, mắm cá niên, khổ qua rừng Sơn Hà trở thành đặc sản địa phương và có mặt ở nhiều siêu thị lớn cả nước. Bà Đinh Thị Trà, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết, địa phương ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi... nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm.
“Huyện tiếp tục bố trí nguồn lực để tạo đòn bẩy, giới thiệu quảng bá các sản phẩm cho bà con, nhất là đối với những sản phẩm chủ lực của địa phương. Sắp tới, huyện sẽ có đổi mới trong phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị”, bà Đinh Thị Trà cho biết.
Sau hơn 10 năm thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy và các chính sách của Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội miền núi, các địa phương ở tỉnh Quảng Ngãi đã có bước phát triển quan trọng. Các địa phương miền núi đã đầu tư có trọng điểm phục vụ phát triển hạ tầng, xây dựng các mô hình sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con. Các mô hình khoán khoanh nuôi tái sinh rừng, hỗ trợ, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi… được triển khai. Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, chưa bền vững, kinh tế rừng chưa được phát huy đúng mức, phần lớn diện tích rừng trồng vẫn là cây keo.
Tháng 8/2021, Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo miền núi tỉnh Quảng Ngãi giảm từ 4%- 4,5%/năm, giải quyết việc làm từ 5.000- 6.000 lao động/năm, thu nhập của người dân tăng gấp đôi so với năm 2020.
“Chúng ta cần phải có sự điều chỉnh. Đó là, xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết, đảm bảo người dân tham gia trong chuỗi liên kết có điều kiện phát triển sản xuất. Qua đó, đảm bảo an sinh xã hội của bà con đồng bào dân tộc thiểu số và người dân ở các huyện miền núi. Chúng tôi mong muốn có những mô hình chuyển đổi để đảm bảo đa dạng sinh thái, bảo vệ môi trường và mang giá trị gia tăng cao hơn”, ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nói.
Theo VOV
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi