Đại hội Hiệp hội Công chứng viên toàn quốc lần II
Đến dự chỉ đạo Đại hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; đại diện các bộ, ngành Trung ương và các đại biểu đại diện cho các công chứng viên trên toàn quốc.
Theo báo cáo tại đại hội, năm 2019 cả nước có 51 tỉnh, thành phố thành lập Hội Công chứng viên với số lượng công chứng viên là 2.600 người. Tính đến năm 2022, 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã thành lập Hội Công chứng viên với 1.239 tổ chức hành nghề công chứng, 3.054 công chứng viên. Trong đó, số lượng tổ chức hành nghề công chứng cũng như công chứng viên chủ yếu tập trung ở TP.HCM và Hà Nội.
Nhiệm kỳ vừa qua, Hiệp hội Công chứng đã phát huy được vai trò của tổ chức mình, thực hiện tốt chức năng đại diện, tập hợp, đoàn kết, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên… Hiệp hội cũng tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào các văn bản pháp luật và các văn bản thuộc lĩnh vực công chứng do Bộ Tư pháp chủ trì và các bộ, ngành liên quan xây dựng; thực hiện tốt các hoạt động hợp tác quốc tế về công chứng. Hiệp hội đã phối hợp thường xuyên với Bộ Tư pháp trong việc tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, tập sự hành nghề công chứng…
Với mong muốn nâng cao chất lượng hoạt động nhiệm kỳ II nhằm đạt hiệu quả, chất lượng tốt hơn, Hiệp hội công chứng đã đề ra một số phương hướng, nhiệm vụ. Cụ thể là nâng cao vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi của hội viên và kiểm tra, giám sát hội viên; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ; tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động nghề công chứng. Hiệp hội công chứng đóng vai trò tích cực, chủ động trong quá trình chuyển đổi số hoạt động công chứng…
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ghi nhận và biểu dương thành tích mà các công chứng viên, các tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.
Trong nhiệm kỳ II, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Hiệp hội công chứng tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực công chứng, nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết 172/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng… Định hướng phát triển phải đảm bảo tính bền vững, lấy nguyên tắc an toàn pháp lý cao nhất cho các hợp đồng, giao dịch là điều kiện hàng đầu và thước đo giá trị cho hoạt động này. Đồng thời, thể hiện rõ trách nhiệm đối với xã hội, người dân.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lưu ý, Hiệp hội chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy, các cơ quan của Hiệp hội, các Hội công chứng viên ở địa phương theo hướng khoa học, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, đảm bảo thông suốt, thông nhất.
Hiệp hội cần có giải pháp cụ thể để đảm bảo tối đa quyền, lợi ích chính đáng của hội viên; phối hợp với Bộ Tư pháp tập trung phát triển đội ngũ công chứng viên có chất lượng, số lượng phù hợp với nhu cầu xã hội, có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp…
Trước đó, Đại hội đã bầu ra Hội đồng Công chứng viên toàn quốc là 75 công chứng viên, Ban Thường vụ Hiệp Hội Công chứng viên Việt Nam nhiệm kỳ II gồm 15 người (trong đó TP.HCM có 03 công chứng viên).
Ông Nguyễn Chí Thiện (công chứng viên Hà Nội) được bầu giữ chức Chủ tịch Hiệp Hội. Các Phó Chủ tịch Hiệp hội gồm ông Nguyễn Trí Hòa (Công chứng viên TP.HCM), Nguyễn Thị Thơ (Công chứng viên Hà Nội), Vương Quốc Tuấn (Công chứng viên Quảng Ninh), ông Hoàng Xuân Hoan (Công chứng viên TP.HCM).
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Triển khai công việc theo tinh thần 'vừa chạy vừa xếp hàng'
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
- Tổng Bí thư: Mục tiêu cao nhất của dân vận giai đoạn cách mạng mới là vì dân
- Còn nhiều băn khoăn quanh việc tăng thuế suất 5% cho mặt hàng phân bón