Đam Rông - Nông nghiệp là giải pháp căn bản của phát triển
Những con số biết nói
Trở lại Đam Rông vào một ngày đầu tháng 6/2022, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi vùng đất hoang hoá, ban sơ ngày nào giờ đã trở thành vùng đất canh tác màu mỡ. Bức tranh về một làng quê mới ở đây đã, đang và sẽ được phác thảo bằng nhiều gam màu hết sức sinh động và hấp dẫn.
Để đạt được kết quả như ngày hôm nay, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân ở địa phương đã nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa, vị trí, vai trò của nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo sự tin tưởng, đồng thuận, quyết tâm thống nhất cao trong thực hiện. Từ đó căn cứ chức năng, nhiệm vụ để xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, gắn những nhiệm vụ cụ thể trong Nghị quyết với nhiệm vụ chuyên môn và đặc thù của từng địa phương. Nhiệm vụ đó đã tạo nên những bước tiến ở huyện Đam Rông.
Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông, ngành Nông nghiệp của huyện có sự chuyển biến rõ rệt, phát triển tương đối toàn diện cả về quy mô, chất lượng và từng bước ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Cơ cấu cây trồng dịch chuyển theo đúng định hướng, đi vào khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng tiểu vùng sinh thái. Đơn cử như trong lĩnh vực trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng năm 2022 trên 20 ngàn héc ta; giá trị thu hoạch bình quân 86,3 triệu đồng/ha, tăng 2,7 lần (tương đương 54,3 triệu đồng/ha) so với năm 2008. Trong 18 năm qua, huyện đã vận động bà con thực hiện chuyển đổi trên 4 ngàn héc ta cây trồng các loại, góp phần giảm diện tích sản xuất kém hiệu quả (dưới 50 triệu đồng/ha) còn khoảng 2 ngàn héc ta, tương ứng 13,2% tổng diện tích đất canh tác. Bước đầu hình thành và phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ, đến nay diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 500 ha; giá trị sản xuất công nghệ cao bình quân 300 triệu đồng/ha, đặc biệt có trên 18 ha có giá trị sản xuất đạt trên 500 triệu đồng/ha.
Cây mắc ca thực sự đã tạo được nguồn thu nhập ổn định cho người dân ở xã Phi Liêng (huyện Đam Rông).
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông cho biết: “Huyện đã tập trung đầu tư phát triển các tiểu vùng chuyên canh như: Chuyên canh cây lương thực, trồng dâu nuôi tằm tại xã Đầm Ròn; chuyên canh sản xuất cà phê, cây mắc ca, chuối Laba, nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phi Liêng, Đạ Knàng; chuyên canh cà phê, cây ăn quả (sầu riêng, bơ, mít…) tại xã Đạ Rsal, Liêng Srônh, Rô Men… Chính quyền địa phương và bà con nhân dân đã tận dụng các vùng trũng, ven sông, suối, bãi bồi chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang phát triển trồng dâu nuôi tằm, đến nay diện tích dâu tằm toàn huyện đạt hơn 490ha.
Nhờ hướng đi đúng, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm nhanh và chỉ còn 8,73% cuối năm 2021 (theo tiêu chí nghèo giai đoạn 2016-2020), trong đó có 725 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.
Thương hiệu nông sản Đam Rông đã vươn ra quốc tế
Ở Đam Rông sản phẩm chuối Laba đã vươn ra tầm quốc tế. Sau khi chinh phục thị trường Nhật Bản, chuối Laba Đạ K’Nàng đã tìm đường sang Mỹ, Hàn, Malaysia và Trung Quốc. Hơn 100 hộ người K’Ho, M’Nông, Dao… đã đổi đời nhờ tham gia chuỗi liên kết sản xuất loại trái cây đặc sản này. Theo ông Nguyễn Huy Phương, Giám đốc HTX Laba Banana Đạ K’Nàng, năm 2021, HTX xuất khẩu sang Nhật Bản 6.000 tấn chuối, Hàn Quốc 600 tấn, Malaysia 400 tấn, Trung Quốc khoảng 300 tấn, Mỹ 40 tấn…, chiếm 70% tổng sản lượng chuối do HTX liên kết sản xuất; 30% lượng chuối còn lại được tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Gần đây các đối tác đề nghị tăng số lượng chuối Laba cung ứng lên gấp nhiều lần, tương ứng với diện tích đất trồng chuối cần mở rộng đến năm 2023 là 500 ha, do đó HTX ký hợp đồng liên kết mới với 80 nông hộ trong thời gian 3 năm. Theo đó, HTX đầu tư cho nông hộ 50% nguồn vốn để mua cây giống, vật tư, phân bón; hướng dẫn về kỹ thuật canh tác và bao tiêu toàn bộ sản phẩm thu hoạch với giá ấn định trước. Phía nông hộ phải tuân thủ quy trình canh tác theo hướng dẫn của HTX; sản phẩm chuối phải đúng quy cách, số lượng và tiêu chuẩn theo cam kết trong hợp đồng. Với hợp đồng 3 năm này, nông hộ trồng chuối nắm chắc khoản lãi 300 triệu đồng/ha/năm.
Chuối Laba ở Đam Rông đã có mặt ở thị trường Nhật Bản.
Cùng với chuối Laba thì sản phẩm cá tầm Đam Rông cũng rất nổi tiếng. Những năm gần đây, người dân tích cực đầu tư mở rộng 40.000m2 diện tích mặt nước được sử dụng vào việc nuôi cá tầm
Từ năm 2018 tới nay, bình quân mỗi năm diện tích nuôi cá tầm của địa phương tăng lên khoảng 10.000m2-15.000m2. Hiện đã có hơn 40 hộ gia đình cùng 3 hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nuôi cá tầm, với tổng diện tích mặt nước đạt hơn 90.000m2. Trong đó các trại nuôi cá tầm tập trung chủ yếu tại khu vực các xã Rô Men, Đạ Tông và Liêng Srônh. Nhờ khí hậu và đặc biệt là nguồn nước phù hợp nên cá tầm nuôi ở Đam Rông nhanh lớn, ít bệnh tật. Bình quân mỗi héc ta mặt nước một năm cho thu hoạch khoảng 8-10 tấn cá và mang lại cho người nuôi từ 1,2 tới 1,5 tỷ đồng. Trong số này có hộ của ông Lê Duy Lâm, từ Vũng Tàu lên đây đầu tư 30 tỷ đồng để nuôi cá tầm. Sau 7 năm gắn bó với nghề, giờ đây ông Lâm đã có mức thu nhập ổn định 5 đến 7 tỷ đồng/năm.
Thu hoạch cá tầm ở Đam Rông.
Đến nay, toàn huyện đã phát triển được 19 hợp tác xã, 8 tổ hợp tác và 13 trang trại. Phát triển được 9 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp và các tổ chức nông dân, người sản xuất, với tổng số hộ liên kết khoảng 450 hộ (dâu tằm 02 chuỗi, chuối Laba 02 chuỗi, sản xuất rau thương phẩm 02 chuỗi, sản xuất sầu riêng 01 chuỗi, sản xuất mắc ca 01 chuỗi, nuôi cá tầm 01 chuỗi); 06 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (Chuối Laba, xã Đạ K’Nàng; Hạt mắc ca sấy, xã Phi Liêng; cà phê phin và Trà dây rừng, xã Liêng Srônh; Dứa mật, xã Rô Men; Sầu riêng, xã Đạ RSal).
Trao đổi với chúng tôi ông Trương Hữu Đồng – Chủ tịch UBND huyện Đam Rông chia sẻ về những mục tiêu lớn của huyện trong tương lai gần, đó là: “Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới có kinh tế - xã hội phát triển, có kết cấu hạ tầng đồng bộ; đời sống vật chất, tinh thần của các dân tộc trên địa bàn ngày càng được nâng lên; phấn đấu sớm đạt chuẩn huyện Nông thôn mới...”.
Sự đổi thay trong thực tiễn cuộc sống đã lấy được lòng tin của Nhân dân. Đó là cơ sở cho sự đồng thuận, để người dân tích cực tham gia, đóng góp xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện có 4/8 xã đạt 19/19 tiêu chí, gồm: Rô Men, Phi Liêng, Đạ R’Sal và Đạ K’Nàng; trong đó: Xã Đạ R’Sal được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2020, đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về môi trường; xã Rô Men đạt 7/14 tiêu chí NTM nâng cao; xã Phi Liêng đạt 7/14 tiêu chí NTM nâng cao; Các xã còn lại: xã Đạ Long: 15/19 tiêu chí; xã Đạ M’Rông: 16/19 tiêu chí; xã Liêng Srônh và Đạ Tông:17/19 tiêu chí.