"Đảo ngọc" Cô Tô xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch
Để đảo ngọc luôn xanh, sạch như thiên nhiên ban tặng
Để tiếp tục phát triển và giữ vững được những nét đẹp thiên nhiên vốn có, việc bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan luôn được huyện đảo Cô Tô quan tâm, thực hiện với nhiều hoạt động, phong trào thiết thực.
Người dân Cô Tô thu gom rác thải trên bãi biển. Ảnh: Nguyễn Thành
Cụ thể, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cô Tô đã phối hợp với Đoàn Thanh niên tích cực tuyên truyền, vận động người dân, du khách trên địa bàn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Tới nay, các hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện đã đi vào nền nếp trên tinh thần tự nguyện, tự giác của mọi tầng lớp cán bộ, người dân. Bảo vệ môi trường tự nhiên, đặc biệt là môi trường biển, môi trường sinh thái giờ đây đã như một thói quen đối với mỗi người dân trên huyện đảo Cô Tô.
Anh Nguyễn Hải Linh, Phó Phòng Văn hoá Thông tin huyện Cô Tô cho biết, rất nhiều hoạt động ý nghĩa bảo vệ môi trường đã được huyện thường xuyên thực hiện như chiến dịch “Hãy làm sạch biển”; phong trào “Ngày Chủ Nhật xanh”; triển khai các đề án “Phân loại rác thải tại nguồn”, “Hạn chế sử dụng túi nilon”; thường xuyên tuyên truyền, người dân, du khách tự giác thu gom, nâng cao ý thức để rác đúng nơi quy định... Qua đó, đã góp phần rất lớn tạo môi trường xanh - sạch - đẹp tại các bãi biển, khu dân cư, xây dựng nếp sống văn hóa bảo vệ môi trường của người trên "đảo ngọc".
Theo thống kê của huyện Cô Tô, hiện trên địa bàn đang có 226 cơ sở lưu trú, với gần 2.900 phòng nghỉ để có thể đón khách du lịch. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có rất nhiều vấn đề về môi trường, nếu không có được sự ủng hộ, chung tay, đồng thuận từ phía những người dân kinh doanh và du khách sẽ rất khó trong công tác đảm bảo vệ sinh, giữ gìn cảnh quan tự nhiên.
Anh Bùi Đức Thành, chủ Homestay 368 (xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô) chia sẻ, thời gian qua, rất nhiều hoạt động bảo vệ môi trường đã được các cấp từ huyện đến xã tuyên truyền, vận động để người dân, người làm dịch vụ như chúng tôi nắm được và thực hiện. Đến nay, rác thải sinh hoạt của gia đình, khách du lịch đến nghỉ dưỡng đều được gia đình thu gom và xử lý đúng nơi quy định.
Tại các khu vực nghỉ dưỡng đều có thùng rác riêng và biển hiệu “không vứt rác bừa bãi - giữ vệ sinh môi trường”. Bảo vệ môi trường là giải pháp sống còn để phát triển du lịch Cô Tô nói riêng và du lịch của Quảng Ninh nói chung, vì vậy, chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm, luôn có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường; đồng thời thường xuyên vận động bà con cùng tham gia dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, tạo cảnh quan đẹp, môi trường sạch sẽ để thu hút khách du lịch.
Nơi giao thoa của giá trị lịch sử và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ
Sáng 26/4/2022, huyện Cô Tô tổ chức lễ thượng cờ và cắt băng khánh thành Cột cờ chủ quyền trên đảo Cô Tô. Công trình Cột cờ trên đảo Cô Tô do Trường Đại học Giao thông - Vận tải chủ trì và phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng huyện Cô Tô.
Công trình “Cột cờ chủ quyền trên đảo Cô Tô” có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, đồng thời chào mừng kỷ niệm 61 năm Ngày Bác Hồ ra thăm đảo (09/5/1961-09/5/2022).
Bà Nguyễn Thị Thanh Thái, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Cô Tô cho biết, điểm nhấn nơi trung tâm huyện đảo là Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh mới đây được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, các hạng mục của di tích, như khu khuôn viên tượng đài và đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, ao cá Bác Hồ, nhà lưu niệm… đang được huyện tôn tạo, chỉnh trang, sẵn sàng đưa vào khai thác trong mùa Hè này.
Sản phẩm du lịch mới mẻ này hứa hẹn sẽ gia tăng trải nghiệm, đồng thời giúp nhân dân và du khách hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần thúc đẩy để huyện đảo Cô Tô phát triển KT-XH và giữ vững chủ quyền biên giới vùng biển đảo phía Đông Bắc của Tổ quốc.
Lễ thượng cờ tại huyện đảo Cô Tô sáng 26/4. Ảnh Nguyễn Thành
Những năm gần đây, huyện đảo Cô Tô đã trở thành điểm đến hấp dẫn của rất nhiều du khách trong nước và quốc tế. Đảo ngọc Cô Tô có một vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, có hệ sinh thái thực vật phong phú, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và nhiều nét văn hóa riêng của con người vùng biển.
Mặc dù đã được đô thị hoá, nhưng một số tuyến phố tại đây vẫn giữ được những nét đặc trưng riêng, nổi bật là những hàng phi lao và rừng thông xanh mát, những cánh rừng nguyên sinh hai bên đường. Bên cạnh đó, nơi đây còn níu chân du khách bởi hải sản tươi ngon, có thể thưởng thức ngay tại bãi biển.
Bãi đá Cầu Mỵ thu hút khách du lịch bởi vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ. Ảnh: Nguyễn Thành
Trong năm 2022, huyện Cô Tô cũng triển khai các hoạt động kích cầu, xúc tiến, quảng bá du lịch, tạo đòn bẩy cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ trên địa bàn huyện hoạt động trở lại. Đồng thời xây dựng các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, hấp dẫn, an toàn, phù hợp với thị hiếu, xu hướng du lịch trong bối cảnh dịch Covid-19. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp du lịch khảo sát xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc để thu hút khách mùa Thu Đông.
Những bãi biển ở Cô Tô luôn nổi bật với bờ cát trắng, nước biển trong xanh. Ảnh: Nguyễn Thành
Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch
Xác định công tác quy hoạch là yếu tố then chốt, quyết định thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới ở các giai đoạn khác nhau, thời gian qua, huyện Cô Tô đã tập trung chỉ đạo lập, quản lý và tổ chức triển khai thực hiện các quy hoạch chiến lược, tiêu biểu là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch phát triển du lịch, quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phân khu chức năng đảo Cô Tô, Thanh Lân…. Qua đó, kiểm soát, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn.
Các tuyến đường trên huyện đảo đều được bê tông hóa, giúp khách du lịch có trải nghiệm tốt nhất. Ảnh: Nguyễn Thành
Đến nay, 100% các đường trục xã, trục thôn, liên thôn, ngõ xóm trên địa bàn huyện đã được bê tông hóa và nâng cấp mở rộng; hàng loạt các công trình hạ tầng thiết yếu, mang tính động lực cho phát triển được tập trung hoàn thành, góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất hàng hóa lớn.
Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng du lịch, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, tập trung vào các sản phẩm thế mạnh của huyện. Nhiều mô hình sản xuất mới, giá trị cao được hình thành, phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm nhanh qua từng năm. Năm 2021, theo chuẩn nghèo đa chiều, huyện Cô Tô không còn hộ nghèo.
Hiện nay, theo kết quả rà soát theo Bộ tiêu chí quốc gia về Huyện Nông thôn mới và Huyện Nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, Cô Tô đã hoàn thành 6/9 tiêu chí; 30/33 chỉ tiêu đối với Huyện Nông thôn mới và 4/9 tiêu chí, 28/38 chỉ tiêu Huyện Nông thôn mới nâng cao. Huyện đang tập trung mọi nguồn lực, củng cố các tiêu chí, phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2023.
Làm việc với huyện Cô Tô, ông Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: “Cô Tô phải tiếp tục tập trung cho công tác quy hoạch. Trong đó, đặc biệt lưu tâm Khu lưu niệm Bác Hồ phải được quy hoạch xứng tầm với di tích quốc gia đặc biệt, đảm bảo mang tính bền vững và phải là biểu tượng để cả nước hướng về đảo ngọc”.
Ông Phạm Văn Thành cũng yêu cầu Cô Tô tiếp tục triển khai Chương trình xây dựng Nông thôn mới gắn liền với đặc trưng của biển đảo; tập trung phát triển sản xuất, hình thành và nhân rộng các mô hình mẫu trong xây dựng nông thôn mới; tiếp tục rà soát lại các quy hoạch, nhất là quy hoạch về bảo vệ môi trường, chú trọng xử lý nước thải, chất thải rắn sinh hoạt, không để ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển.
Năm 2022, Cô Tô đặt mục tiêu đón 200.000 lượt du khách, tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 500 tỷ đồng. Sản phẩm du lịch đổi mới hấp dẫn, môi trường sinh thái trong lành, người dân thân thiện, hiếu khách… sẽ là tiền đề quan trọng để du lịch Cô Tô phục hồi mạnh mẽ trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Từ đó, làm tiền đề để huyện đảo xây dựng nông thôn mới bền vững.