Mở ra cơ hội triển vọng phát triển chè hữu cơ Quang Sơn
Ông Lê Đàm Ngọc – Phó Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên (Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên) cho biết: Ngoài việc hỗ trợ về vốn cho bà con nông dân xã Quang Sơn thúc đẩy sản xuất chè sạch theo hướng hữu cơ, thì Hội Nông dân Thái Nguyên đã mời “chuyên gia” trong việc sản xuất chè hữu cơ đến để chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ thuật… đặc biệt là trực tiếp “cầm tay chỉ việc” quy trình “sao chè” đây là khâu quan trọng trong việc quyết định chất lượng của sản phẩm chè hữu cơ khi đưa ra ngoài thị trường.
Bà Lê Thị Huyền Trang – Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Sơn cho biết: Thời gian qua trên địa bàn xã Quang Sơn có rất nhiều hộ gia đình đang sản xuất và chế biến chè, nhưng mới chỉ theo quy mô hộ gia đình. Nhận thấy tiềm năng và giá trị từ cây chè trên địa bàn, Hội Nông dân xã đã chủ động hỗ trợ bà con nông dân trong việc trồng và phát triển cây chè. Để có được thương hiệu và hướng đi bền vững trong tương lai cho cây chè, Hội Nông dân đã hướng dẫn bà con cách làm chè theo hướng hữu cơ.
Theo đó tháng 9/2022, Hội Nông dân xã Quang Sơn đã hướng dẫn bà con nông dân thành lập được Tổ hội nghề nghiệp về trồng và chế biến cây chè hữu cơ Quang Sơn với 15 thành viên đều là những người sản xuất chè ở trên địa bàn xã Quang Sơn.
Để “Tiếp sức” cùng bà con nông dân xã Quang Sơn trong phát triển cây chè theo hướng hữu cơ, trong ngày 08/5 Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức giải ngân 600 triệu đồng cho 10 hộ gia đình thuộc Tổ hội nghề nghiệp về trồng và chế biến cây chè hữu cơ Quang Sơn. Với số tiền được vay các hộ gia đình đã tập trung đầu tư mua: Phân bón, máy sao, vò chè, cây giống, hệ thống tưới tự động, cải tạo đất mở rộng diện tích chè tại gia đình...
Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên còn mời “chuyên gia” là bà Đỗ Thị Nga – Giám đốc Hợp tác xã chè Thiên Phú (xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên) đơn vị tiên phong trong trồng và chế biến chè hữu cơ trên địa bàn đến để hỗ trợ bà con nông dân về cách làm chè hữu cơ. Việc được “Cầm tay chỉ việc” hướng dẫn kỹ thuật hái chè, chế biến, lấy hương chè… ngay tại chỗ, đã giúp cho bà con của Tổ hội nghề nghiệp về trồng và chế biến cây chè hữu cơ xã Quang Sơn tự tin hơn về việc phát triển chè hữu cơ trong thời gian tới.
Là thành người được vay vốn, được hỗ trợ kỹ thuật… chị Vi Thị Phương (xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ) phấn khởi cho biết thêm: Hôm nay được trực tiếp nghe những kinh nghiệm, rồi lại được hướng dẫn quy trình sản xuất chè hữu cơ, giải đáp những thắc mắc trong sản xuất chè sạch… các thành viên chúng tôi rất vui mừng. Mong rằng trong thời gian tới chúng tôi sẽ được Hội Nông dân các cấp tỉnh Thái Nguyên tiếp tục hỗ trợ về việc thành lập được Hợp tác xã, sản phẩm chè có bao bì nhãn mác, thị trường… để trong thời gian tới Chè hữu cơ Quang Sơn sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế cho bà con nông dân nơi đây.
- Hà Giang: Kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại Thủ đô
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi