Hỗ trợ nông dân Nghĩa An xử lý chất thải trong chăn nuôi
Hơn 300 hội viên được tập huấn về xử lý chất thải chăn nuôi
Theo ông Chu Văn Phát – Chủ tịch Hội Nông dân Nghĩa An, xã có tổng diện tích tự nhiên 1.163,83ha với 764 hộ chia thành 7 thôn, bản, trong đó có 7 chi hội với với trên 664 hội viên nông dân. Xã Nghĩa An có 5 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm 95% dân số.
Cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô hộ gia đình, hiện trong toàn xã có 1.133 con trâu, bò. Tuy nhiên, theo thói quen, hầu hết những nhà nuôi trâu, bò đều buộc dưới gầm sàn, không những vậy, chuồng gà, vịt, lợn cũng ở gần khu vực nhà ở nên gây mùi hôi rất khó chịu. Nguyên do là còn có nhiều bất cập trong xử lý chất thải, nước thải chưa được đảm bảo, ảnh hưởng đến môi trường sống của bà con nhân dân. Do vậy, việc nâng cao nhận thức trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường, việc ứng dụng công nghệ sử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi là rất cần thiết.
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Yên Bái hỗ trợ cho 37 hội viên nông dân ở xã Nghĩa An (TX. Nghĩa Lộ) tham gia thực hiện ứng dụng công nghệ sinh học xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi. Thông qua việc hỗ trợ vỏ trấu, cám gạo, chế phẩm vi sinh để hội viên nông dân thực hiện ngay tại chuồng trại của gia đình…
Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức lớp tập huấn, nhằm nâng cao kiến thức về ứng dụng công nghệ sinh học xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi và kỹ thuật làm đệm lót sinh học cho 310 hội viên nông dân trên địa bàn thị xã.
Đảm bảo vệ sinh môi trường nhờ dự án
Ông Chu Văn Phát thông tin, từ khi thực hiện áp dụng chế phẩm vi sinh trong việc xử lý chất thải chăn nuôi tại hộ gia đình, tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực nhà ở của người chăn nuôi đã giảm đáng kể, đồng thời, đàn gia súc được bảo vệ tốt hơn tránh được các bệnh do vi khuẩn vi rút gây nên. Các hộ dân cũng giảm được công việc nặng nhọc do phải thường xuyên thay đổi chất độn.
Để giúp hội viên nông dân xử lý tốt chất thải chăn nuôi, các báo cáo viên đã hướng dẫn người chăn nuôi sử dụng vỏ trấu trộn với Chế phẩm sinh học SV24 do Trung tâm Môi trường Nông thôn hỗ trợ. Ngoài phun trùng tẩy uế phòng chống dịch bệnh trong chuồng trại trước, trong và khi chăn nuôi trâu, bò, chế phẩm sinh học SV24 còn giúp khử mùi hôi, khí độc trong chuồng trại và đồng thời phân hủy mùn, bã hữu cơ tự nhiên; giúp duy trì môi trường sống lành mạnh, tạo điều kiện phát triển thuận lợi cho sự phát triển của động vật nuôi và cải thiện điều kiện làm việc cho người chăm sóc.
“Chăn nuôi trâu, bò theo mô hình ứng dụng đệm lót sinh học tiết kiệm được nước; nước chỉ dùng để phun tạo độ ẩm nền chuồng. Việc sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi trâu, bò làm ấm phần chân, bụng cho trâu bò, giúp trâu bò tiêu hóa tốt, phòng dịch bệnh giúp người chăn nuôi hạn chế việc sử dụng thuốc thú y nuôi” – ông Chu Văn Phát cho hay.
Ông Chu Văn Phát cho biết thêm: Với 310 cán bộ, hội viên nông dân được tập huấn kiến thức về ứng dụng công nghệ sinh học xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi, sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực cho hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn.
Trong thời gian tới, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể xã tiếp tục tuyên truyền để các hộ nông dân thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu, tích cực triển khai thực hiện dự án đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật áp dụng công nghệ sinh học tiên tiến cho sản xuất chăn nuôi trâu, bò, nhằm đem lại hiều quả kinh tế cao cho bà con nông dân, đảm bảo môi trường không khí trong lành, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người và vật nuôi.
“Tôi mong muốn được Trung tâm môi trường nông thôn - Trung ương HND Việt Nam; Hội Nông dân tỉnh tiếp tục tư vấn về kỹ thuật trong quá trình phát triển, nhân rộng dự án để mang tới nhiều lợi ích hơn cho hội viên nông dân chăn nuôi trên địa bàn” – ông Chu Văn Phát bày tỏ.