Hà Tĩnh: Triển vọng từ nghề trồng dâu nuôi tằm
Dù không nghèo, nhưng trước đây, anh Lê Viết Bình, ở thôn Tân Tiến, xã An Dũng, huyện Đức Thọ có làm cật lực, trồng các loại cây ngắn ngày trên toàn bộ diện tích vườn của mình cũng chỉ đủ ăn. "Có những lúc tính toán khoản nộp tiền học cho con cũng là vấn đề nan giải" - anh Bình chia sẻ.
Thấy được hiệu quả kinh tế từ nuôi tằm sau khi tìm hiểu và tham quan mô hình tại các địa phương trong và ngoài tỉnh, anh Bình đã quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích đất sản xuất sang trồng dâu nuôi tằm. Được biết, qua gần hai năm thử nghiệm, bình quân mỗi năm gia đình anh nuôi khoảng 10 lứa tằm, thu hoạch gần 70 tạ kén (giá bán 1kg kén từ 170-180 nghìn đồng), trừ chi phí, anh còn thu nhập 120.000 triệu đồng/năm.
Anh Bình, cho biết: “Lợi nhuận của mô hình này khá cao, chi phí đầu tư thấp, xoay vòng vốn nhanh và thị trường tương đối ổn định. Tôi nuôi một hộp tằm trong 15 ngày, thu về không dưới 10 triệu đồng, đúng là nuôi heo cả năm, bằng nuôi tằm một lứa”.
Cũng giống như gia đình anh Bình, gia đình ông Nguyễn Công Chính, thôn Tân Tiến, xã An Dũng thực hiện chuyển đổi các loại cây ngắn ngày, kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm trên tổng diện tích hơn 5.000m2. Ông Chính chia sẻ: “Việc trồng dâu lấy lá làm thức ăn cho tằm không khó, đây là loại cây lâu năm, có đặc điểm tái sinh mạnh nên đảm bảo năng suất hằng năm mà không cần trồng mới. Sau khi trồng 6 tháng, cây dâu có thể cho thu hoạch lá thường xuyên với năng suất khoảng 6-8 tấn/ha”.
Bên cạnh diện tích trồng dâu, ông Chính còn đầu tư lắp đặt hệ thống giá đỡ, điều hoà... để nuôi tằm. Trung bình mỗi năm, ông Chính nuôi khoảng 10 lứa tằm trên diện tích sàn 40m2, sau khi trừ chi phí, ông thu về khoảng 100-120 triệu đồng/năm.
“Trứng tằm sau khi được ấp từ 9-11 ngày sẽ nở. Tằm con được ươm mẹt trong thời gian 12 ngày, sau đó tiến hành thả ra sàn, mỗi ngày cho ăn 4-5 bữa lá dâu. Khoảng 1 tuần sau, tằm sẽ được bắt bỏ né để nhả tơ. Tơ tằm của người dân Tân Tiến chủ yếu bán cho các đơn vị thu mua tại Đô Lương (Nghệ An) với mức giá 170.000 – 180.000 đồng/kg. Trung bình mỗi lứa, gia đình tôi thu về 10-12 triệu đồng, bao gồm tiền bán kén tơ và tằm giống” – ông Nguyễn Công Chính chia sẻ.
Cách đó không xa, gia đình bà Trần Thị Hiền cũng đang thu hoạch lá dâu để làm thức ăn cho tằm. Bà Hiền cho biết: “Gia đình tôi có tổng diện tích đất sườn đồi hơn 12.000m2. Trước đây, tôi chủ yếu trồng các loại hoa màu như: kiệu, ngô, cải… Vài năm trở lại đây, tôi quyết định chuyển đổi 3.500m2 trồng kiệu sang trồng dâu. Hiện tại, vườn dâu của tôi cho thu hoạch thường xuyên, đáp ứng được nhu cầu thức ăn cho tằm".
Hiện nay, lứa tằm của bà Hiền đang trong giai đoạn lớn, dự kiến sẽ được bắt bỏ né trong thời gian 3-4 ngày tới. Bà Hiền chia sẻ: “Tằm giai đoạn lớn thường có sức đề kháng yếu, dễ bị bệnh nên cần đặc biệt chú ý đến nhiệt độ, độ ẩm. Lá dâu cho tằm ăn cũng phải là loại lá dâu bánh tẻ, màu xanh đậm, tránh cho ăn các loại lá bị bệnh, lá vàng. Hiện gia đình tôi đang thả tằm trên diện tích sàn 50m2, dự kiến sẽ cho thu hoạch kén trong 2 tuần tới”.
Trồng dâu nuôi tằm đã được chứng minh hiệu quả thông qua những mô hình trên địa bàn. Ông Nguyễn Thanh Phương - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Dũng, huyện Đức Thọ phấn khởi, cho biết: “Đây là hướng phát triển kinh tế mới, bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao, giúp người nông dân có được mức thu nhập từ 300.000 – 400.000 đồng/ngày”. Từ những hiệu quả thiết thực mà mô hình đem lại, nhiều hộ dân trên địa bàn bắt đầu chuyển đổi cây trồng, học hỏi kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm để áp dụng nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình”.
“Thời gian tới, Hội Nông dân sẽ tham mưu với UBND xã để thành lập tổ hợp tác, hỗ trợ người dân về nguồn vốn, kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm để từng bước phát triển, nhân rộng mô hình, hướng tới chuyển đổi cây trồng, gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài các hộ đi đầu, bà con nông dân trong xã An Dũng hiện đang mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm với 25 hộ, tâp trung chủ yếu ở thôn Tân Tiến”, ông Nguyễn Thanh Phương - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Dũng cho biết.
- Hà Giang: Kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại Thủ đô
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi