Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - tạo sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
Bà Lương Thị Bích Thủy – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quản Bạ cho hay: Hiện nay, trên địa bàn huyện Quản Bạ nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung đang tích cực đẩy mạnh hoạt động du lịch, khách đến với địa phương ngày một nhiều, vì vậy mà nhu cầu về sử thực phẩm thịt dê ở các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn rất lớn. Cùng với đó trên địa bàn xã Quyết Tiến huyện Quản Bạ đã có hộ gia đình chăn nuôi dê Bách Thảo rất thành công (dê Bách Thảo phát triển khỏe mạnh với khí hậu và cách chăn nuôi của người dân nơi đây). Vì vậy Hội Nông dân huyện Quản Bạ đã tham mưu để Hội Nông dân tỉnh Hà Giang hỗ trợ hội viên nông dân trên địa bàn xã Lùng Tám phát triển nghề nuôi dê Bách Thảo.
Bà Nguyễn Thị Thúy – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang cho hay: Trên cơ sở những đề xuất của Hội Nông dân huyện Quản Bạ, chúng tôi đã phê duyệt phương án để xây dựng mô hình chăn nuôi dê Bách Thảo sinh sản, luân chuyển cho 5 hội viên nông dân xã Lùng Tám, mỗi hộ 29 triệu đồng vừa xây dựng chuồng nuôi vừa mua dê Bách Thảo giống. Mong rằng trong thời gian tới mô hình sẽ phát huy hiệu quả kinh tế mở ra hướng đi mới giúp hội viên nông dân xã Lùng Tám nói riêng và nông dân huyện Quản Bạ nói chung ngày một khá giả, vượt khó đi lên.
Trước khi trao dê Bách Thảo giống để bà con xã Lùng Tám chăn nuôi, Hội Nông dân tỉnh Hà Giang, Hội Nông dân huyện Quản Bạ, Hội Nông dân xã Lùng Tám đã phối hợp với ngành Nông nghiệp địa phương để tổ chức tuyên truyền về việc chăn nuôi dê Bách Thảo; kỹ thuật chăm sóc, kỹ thuật xây dựng chuồng nuôi, phòng trừ dịch bệnh; trồng thêm cỏ để làm thức ăn chăn nuôi…
Dê Bách Thảo có nhiều tên gọi khác nhau như: Bắc Thảo, Bát Thảo, Bắc Hải, Bách Thảo nhưng được gọi thống nhất là Bách Thảo từ sau năm 1992. Dê Bách Thảo cho nhiều sản phẩm có giá trị về kinh tế và y học. Với khả năng sinh trưởng, sinh sản, cho sữa của dê Bách Thảo khá tốt, vì vậy đã có nhiều hộ chăn nuôi dê sử dụng giống dê Bách Thảo.
Một số đặc tính của dê Bách Thảo
Dê Bách Thảo dễ nhận biết và có màu sắc tương đối đồng nhất. Trên mặt, dọc phần cổ, tai, chân, bụng có màu trắng. Mũi dô, đầu dài, tai cụp xuống, đa số là không có râu cằm.
Trọng lượng: Con đực trưởng thành có thể đạt 75 - 80kg/con, con cái trưởng thành đạt từ 40 - 45kg/con. Giống dê này có tỷ lệ thịt xẻ cao, đạt từ 40 - 45%, tỉ lệ thịt tinh đạt từ 30 - 35%.
Kỹ thuật xây dựng chuồng nuôi dê Bách Thảo: Nên lựa chọn hướng Đông Nam hoặc hướng Nam để chuồng thông thoáng, mát mẻ. Chuồng nuôi cần đảm bảo sạch sẽ, khô ráo và tránh được nắng nóng, ẩm thấp. Nền chuồng chăn nuôi dê có thể láng bằng xi măng, bằng phẳng để dễ dàng vệ sinh, các cống rãnh thoát nước tiểu và phân dê được thiết kế hợp lý.
Do đặc điểm cấu trúc chuồng dê đơn giản nên khi làm chuồng các gia đình lựa chọn các vật liệu có sẵn tại địa phương, dễ kiếm và rẻ tiền như: Gỗ tận dụng, tre, lứa... Các loại lá tranh, rơm, ngói... đều có thể làm nguyên liệu lợp mái.
Hiện nay có 2 dạng chuồng phổ biến nhất là chuồng sàn có chia ngăn và chuồng sàn không chia ngăn. Đối với nuôi dê Bách Thảo lấy thịt thường áp dụng kiểu chuồng sàn không chia ngăn. Khoảng cách từ sàn nuôi đến mặt đất phải cao 50 - 80cm; sàn nhốt dê chỉ được hở 1 - 1,5cm để chân dê không bị lọt xuống bên dưới nhưng vẫn dễ dàng dọn dẹp vệ sinh; Thành chuồng nuôi phải cao tối thiểu 1,5 - 1,8m đóng bằng gỗ hoặc tre, các nan cách nhau 6 - 10cm; Nền chuồng bên dưới sàn phải có độ nghiêng 2 - 3%, dốc dần về phía rãnh thoát nước.
Về thức ăn: Dê Bách Thảo là loài ăn tạp nên nguồn thức ăn vô cùng phong phú, có sẵn ở địa phương. Người nuôi có thể tận dụng tối đa các phế phẩm và phụ phẩm của ngành trồng trọt, các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm để đáp ứng nhu cầu thức ăn và phát triển của đàn dê. Trong khẩu phần ăn của dê, thức ăn thô xanh chiếm khoảng 55 - 70%, còn lại là thức ăn tinh; thức ăn thô xanh (Cỏ, cỏ voi, rau muống, rau bèo, lá xoan, dây khoai lang, lá mít, lá sấu, thân cây chuối, thân cây đậu lạc, thân cây ngô…); thức ăn tinh (các loại hạt ngũ cốc, thóc, ngô, đậu tương…).
Chăm sóc: Dê Bách Thảo cần được chăn thả vận động ít nhất là 2 - 4 giờ/ngày. Chuồng nuôi dê cần được quét dọn sạch sẽ hàng ngày. Định kỳ hàng tháng khử trùng chuồng trại, máng ăn để hạn chế sự lây nhiễm các mầm bệnh, đặc biệt là các loại bệnh ký sinh trùng đường tiêu hóa. Tiêm phòng cho dê các bệnh truyền nhiễm như: Đậu dê, tụ huyết trùng, viêm ruột hoại tử, lở mồm long móng... và tẩy ký sinh trùng sau 3 tháng tuổi và định kỳ tiêm nhắc lại sau 6 tháng. Hàng ngày chú ý kiểm tra tình trạng sức khỏe của dê để có những biện pháp điều trị kịp thời.
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi
- Nông dân Hiệp Hòa thay đổi tư duy khi tham gia sản xuất lúa “thân thiện với môi trường”
- Bà Rịa-Vũng Tàu: Nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp hội viên vươn lên làm giàu
- Hội Nông dân Cà Mau hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển bền vững