Độc đáo làng nghề hương trầm Liên Đức
Từ “cơ duyên” đặc biệt
Những gì xuất hiện và tồn tại đều có nguyên nhân của nó nhưng nếu nói về “duyên” của làng nghề hương trầm Liên Đức xuất hiện trên “quê Nhút” Thanh Chương lại hết sức đặc biệt. Chữ "duyên" không xuất hiện ở việc cố tìm tòi, không xuất hiện ở môi trường có nhiều hy vọng mà lại diễn ra ở trong không gian bệnh viện khi bệnh tật ập đến.
Để hiểu hơn, lật lại câu chuyện quá khứ từ lời kể của nhân vật chính – anh Phan Bá Bảy, người đã đưa hương trầm Liên Đức của quê hương Thanh Liên có mặt khắp mọi nơi như hôm nay.
“Vào năm 2002, tôi bị bệnh được đưa đi cứu chữa tại bệnh viện Đa khoa Thanh Chương. Tưởng là một ngày đen đủi, nhưng lại là một ngày nhận được món quà quý “thay đổi cuộc đời tôi”. Kế bên giường tôi là giường của chị Nga - một bệnh nhân nữ, khoảng 50 tuổi, lúc đó tôi mới 32 tuổi. Mấy ngày nằm cùng phòng bệnh nên chị thường tâm sự với vợ chồng tôi. Chị đã học được nghề làm hương thơm, về mở hiệu làm nghề, nhưng vì sức khỏe chị quá yếu, ốm đau triền miên, không thể chuyên tâm công việc được. Trước đó, đã bao người muốn xin chị truyền lại bí quyết, công thức làm hương, nhưng chị đều lắc đầu. Và tới khi gặp tôi – một chú thợ xây ốm yếu, nghèo khó, thật thà, chị và chồng đã mủi lòng bảo tôi “Nếu chú muốn học nghề này, sau khi ra viện lên nhà chị nói chuyện thêm”. Chữ duyên của tôi với chị và nghề bắt đầu từ đó. Tuy còn rất mơ hồ, nhưng khi rời bệnh viện, tôi vẫn lần theo địa chỉ về miền ngược, cách khoảng 30km đường đồi núi thăm chị và gia đình. Qua trò chuyện, chị tin tưởng và quyết định truyền lại bí quyết nghề hương cho tôi với những lời nhắn nhủ của một người chị vô cùng có Tâm – Đức”, anh Bảy tâm sự.
Những ngày đầu đến với nghề dù có nhiều vất vả, cũng có lúc nản chí muốn bỏ cuộc nhưng bằng quyết tâm và sẵn chất chịu khổ, chịu khó anh vẫn tiếp tục “nghênh chiến” với bao khó khăn phía trước. Thời gian đầu làm nghề, anh chưa thể sản xuất được bao bì, nhãn mác riêng nên đành “mượn” tạm bao bì bán sẵn của các thương hiệu ở Hà Nội. Sau một thời gian, anh cũng đã tạo ra được mẫu mã và chất lượng cho riêng mình.
Ban đầu cơ sở còn nhỏ giải quyết công việc cho lao động tại địa phương chưa nhiều, đến một thời gian sau đó, khi thị phần dần được khẳng định, người dùng ưa chuộng, cơ sở sản xuất hương bắt đầu mở rộng tạo việc làm cho hàng chục hộ gia đình tại địa phương. Từ đó, thương hiệu Hương trầm Liên Đức được công nhận cùng địa phương là Làng nghề Hương trầm Liên Đức đóng tại xóm Liên Đức, xã Thanh Liên vào năm 2008.
"Làng nghề ra đời không chỉ giải quyết nhu cầu công việc cho người lao động tại địa phương mà còn góp phần rất lớn trong việc nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống và tạo nên lề lối làm việc có trách nhiệm, có tổ chức và tuân thủ quy trình sản xuất an toàn tại cơ sở. Điều đáng mừng là nhờ có làng nghề mà một số bà con trong xã không phải tha phương tìm kiếm việc làm", ông Phan Bá Ngọc - Chủ tịch UBND xã Thanh Liên cho biết.
Đến sản phẩm OCOP 4 sao đầu tiên trên địa bàn huyện
Kể từ ngày làng nghề ra đời, không phải mạnh ai nấy làm, không ai cất giữ bí quyết chung để làm cho sản phẩm trở nên mỗi người một khác mà tất cả đều nhất quán trước sau như một. Bởi ở đó luôn có người định hướng, chịu trách nhiệm chung toàn sản phẩm khi được làm ra. Tựu chung lại, sản phẩm được quy về một đầu mối dưới dạng mô hình công ty để nâng cao sức cạnh tranh, có kỷ cương về quy trình sản xuất.
Khi làng nghề phát triển và đủ vững vàng để bá chủ thị trường nhiều nơi, làng nghề bắt đầu vươn vai ra làm 2 cơ sở: Cơ sở chính là nơi đặt máy móc để sản xuất hương và cơ sở tiếp theo hoàn thiện khâu cuối cùng là đóng gói và đưa lên cơ sở chính để bắt đầu chinh phục thị hiếu tiêu dùng của khách hàng.
Để làng nghề phát triển và giải quyết lao động trên địa bàn như hiện nay phải kể đến mô hình sản xuất của làng nghề không như thông thường mà được quy tụ về một đầu mối. Và anh Bảy chính là người đứng ra chịu mọi trách nhiệm từ chất lượng đến mẫu mã sản phẩm và kế hoạch chinh phục thị trường trong nước.
Anh chia sẻ: “Để sản phẩm “bền” với khách hàng thì mình phải làm thật cái tâm của mình. Nghề của mình vốn đã phải thành kính từ tâm nữa rồi nên không thể vì lợi nhuận mà làm dối được. Cứ thật tâm và thành kính duyên sẽ lại đến. Chất liệu để làm ra thẻ hương trầm chủ yếu được lấy từ rễ cây hương, nụ đinh hương, cây quế, hoa hồi, cây mía tươi cùng với bí quyết gia truyền. Những chất liệu đó đều được thu mua ở vùng miền núi các xã trên địa bàn huyện”.
Những nguyên liệu này sau khi được xay thành bột, người thợ bắt đầu trộn đều chúng lại với nhau và vì làm thẻ hương nén nên phải dùng đến bột keo kết dính, bột keo này làm từ cây mười lời mua từ Đắc Lắc về vì ở đây không có loại cây này. Sau khi trộn hỗn hợp bột đều 10 đến 15 phút công nhân lấy ra làm. Công việc sản xuất hương cũng phải chọn ngày nắng để màu hương lên màu đẹp và để giữ được mùi hương thơm đặc trưng.
Hiện tại, làng nghề hương trầm đã trực tiếp giải quyết cho 20 lao động tại cơ sở chính và hơn 35 hộ gia đình trong làng với mức thu nhập từ 6 đến 10 triệu đồng/tháng tùy vào phần việc người lao động đảm nhận. Nhờ đó, người dân trên địa bàn ổn định hơn với phần việc của mình hàng ngày, có thu nhập và không còn phải lo lắng tìm kiếm việc làm trong thời điểm dịch bệnh có nhiều khó khăn như hiện nay.
Một đóng góp đáng được trân trọng của làng nghề Hương trầm Liên Đức trong công cuộc xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn là góp phần vào việc thực hiện mỗi xã một sản phẩm chủ lực và sản phẩm của làng nghề đạt chất lượng OCOP 4 sao đầu tiên của huyện Thanh Chương. Được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2014 của tỉnh Nghệ An.