Hưng Yên: Phát triển du lịch nông thôn gắn với các làng nghề truyền thống
Phát huy giá trị làng nghề
Nắm bắt xu thế của du khách về thăm quan tìm hiểu các hoạt động sản xuất kinh doanh, làm ra những sản phẩm chất lượng, nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã khéo léo tận dụng những lợi thế sẵn có của địa phương để khai thác tiềm năng du lịch và đã có những thành công bước đầu, trở thành điểm đến hấp dẫn, không thể bỏ qua khi du khách tới Hưng Yên.
Nằm cách trung tâm thành phố Hưng Yên tỉnh Hưng Yên khoảng 40km, nhưng chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội chừng 20km, Làng Dược liệu Nghĩa Trai thuộc xã Tân Quang huyện Văn Lâm, có tuổi đời gần 1.000 năm. Cảnh quan của Làng Dược liệu Nghĩa Trai được bao quanh bởi những cánh đồng trồng dược liệu như: Cúc, mần trầu, tía tô, kinh giới, cốt khí, cây lương, cây mã đề, cây quế, cây bạch chỉ và nhiều loại cây khác) tạo nên một màu sắc đẹp mắt quanh năm.
Đến với Làng Dược liệu Nghĩa Trai, du khách còn được thăm quan quy trình, quá trình sản xuất làm ra các sản phẩm dược liệu đặc sắc; được chính người dân làm dược liệu chia sẻ về những bài thuốc Nam, những dược liệu trong quá trình chăm sóc sức khỏe…
Còn tại thành phố Hưng Yên tỉnh Hưng Yên, Làng hương Cao Thôn thuộc xã Bảo Khê, chuyên sản xuất hương xạ nổi tiếng khắp nơi, với hương thơm thanh nhẹ, lưu giữ lâu mà hiếm có hương ở nơi nào sánh bằng. Tương truyền, vào thế kỷ XVIII, bà Đào Thị Khương đi buôn bán và học được nghề làm hương, khi trở về đã truyền dạy lại cho người dân trong làng về cách làm hương.
Lưu giữ và phát huy nghề truyền thống, hiện nay Làng hương Cao Thôn đang có khoảng gần 200 hộ gia đình còn giữ được nghề làm hương truyền thống. Đến với Làng hương Cao Thôn du khách sẽ trải nghiệm với khung cảnh ấn tượng trên các con đường làng, ngõ xóm, trong sân, trên mái nhà… nơi đâu cũng ngập tràn một màu vàng, màu đỏ của hương phơi. Thăm quan Làng nghề hương Cao Thôn, du khách sẽ có được trải nghiệm tuyệt vời khi trực tiếp cùng với người thợ lành nghề làm ra sản phẩm hương truyền thống.
Không có được bề dày lịch sử truyền thống như ở Làng Dược liệu Nghĩa Trai, Làng hương Cao Thôn nhưng ở Làng hoa Xuân Quan ở xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, khi thăm quan du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị trong quá trình trồng và phát triển các loài hoa, cây cảnh.
Nhờ áp dụng công nghệ cao, chọn giống tốt, chăm sóc kỹ lưỡng, người dân Xuân Quan đã tạo ra những sản phẩm hoa, cây cảnh đẹp, độc và lạ, được thị trường trên khắp cả nước ưa chuộng. Tại Làng hoa Xuân Quan, du khách sẽ được trải nghiệm những công đoạn trồng hoa, hiểu thêm về những kỹ thuật trong chăm sóc hoa… Khi trở về du khách có thể lựa chọn cho mình những loại hoa, giỏ hoa về để trang trí hay tặng làm quà cho người thân.
Ngoài việc sản xuất làm ra các sản phẩm đặc trưng của mỗi làng nghề, giờ đây ở các Làng Dược liệu Nghĩa Trai, làng hương Cao thôn, làng hoa Xuân Quan… đã và đang thành công trong việc phát triển du lịch làng nghề. Mỗi năm các làng nghề đón cả trăm đoàn khách, hàng nghìn lượt khách du lịch tới thăm quan, tìm hiểu quá trình sản xuất, mua hàng làm quà lưu niệm…
Du lịch gắn với bảo tồn văn hóa
Không chỉ vậy, tỉnh Hưng Yên còn nhiều làng nghề nổi tiếng khác như: Làng nghề mộc mỹ nghệ xã Hòa Phong (thị xã Mỹ Hào); Làng nghề long nhãn Hồng Nam ở phường Hồng Nam (TP Hưng Yên); Làng nghề Tương Bần ở thị trấn Bần Yên Nhân (thị xã Mỹ Hào); Làng nghề đúc đồng Lộng Thượng ở xã Đại Đồng (huyện Văn Lâm); Làng nghề chạm bạc Huệ Lai ở xã Phù Ủng (huyện Ân Thi)… Hiện nay ở những làng nghề cũng đã có sự chuyển mình tích cực trong việc phát triển sản phẩm cũng như đẩy mạnh hoạt động thu hút phát triển du lịch.
Theo nhận định chung việc thăm quan du lịch tại các Làng nghề truyền thống ở Hưng Yên đã và đang là xu hướng được khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến, bởi những làng nghề ở Hưng Yên vẫn còn những được những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ làng nghề qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng.
Bên cạnh đó đến với những Làng nghề ở Hưng Yên du khách sẽ được ngắm cảnh quan của một làng quê đặc trưng vùng đồng bằng Bắc bộ với cây đa, giếng nước, sân đình và được tham quan nơi sản xuất, trực tiếp tiếp xúc với thợ thủ công và tham gia làm thử một vài công đoạn sản xuất các sản phẩm. Điều này sẽ góp phần tạo nên sức hấp dẫn riêng của du lịch làng nghề Hưng Yên.
Ông Lê Trung Cần – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cho hay: Tại các làng nghề của tỉnh Hưng Yên, có những làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm với những sản phẩm đặc sắc, đặc trưng riêng, đó không chỉ là những lợi thế để các địa phương xây dựng và phát triển các sản phẩm của làng nghề để đạt chứng nhận OCOP mà còn là lợi thế để phát triển loại hình dịch vụ du lịch. Từ đó sẽ khơi dậy tiềm năng phát triển ở khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, bảo tồn các giá trị văn hóa, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.