Hưng Yên: Chuyển đổi số góp phần xây dựng nông thôn ngày càng hiện đại
Xây dựng thôn thông minh
Xã Nam Hồng được UBND thành phố Hưng Yên tỉnh Hưng Yên lựa chọn xây dựng xã nông thôn mới thông minh. Là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2019, đây được xem là cơ sở để Nam Hồng triển khai mô hình nông thôn mới thông minh của thành phố Hưng Yên.
Trên cơ sở đánh giá những ưu điểm, lợi thế của các thôn, xã Nam Hồng đã lựa chọn thôn Lê Như Hổ để xây dựng mô hình “thôn thông minh”. Theo đó, sẽ xây dựng “thôn thông minh” hướng tới phát triển thôn bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn thôn; đồng thời tạo dựng môi trường sinh thái trong lành, an ninh trật tự bảo đảm…
Thôn Lê Như Hổ đã tăng cường nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt của nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn. Hệ thống loa truyền thanh, lắp đặt wifi miễn phí, camera an ninh và đẩy mạnh xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… đã được triển khai và đem lại hiệu ứng tích cực. Đặc biệt, sản phẩm quả nhãn trong niên vụ 2024 của thôn đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử.
Trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, để người dân giảm thời gian chờ đợi khi tới xã làm việc, thôn Lê Như Hổ cùng Tổ công nghệ số của địa phương cũng đã tích cực khuyến khích, hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt.
Về ứng dụng công nghệ số trong công tác thông tin tuyên truyền nhằm bảo đảm thực hiện thông tin, tương tác hai chiều với người dân, UBND xã Nam Hồng đã chỉ đạo các thôn, cán bộ thông tin phối hợp với tổ công nghệ số, tổ chức cài đặt cho người dân các trang mạng xã hội như: Zalo, facebook để tương tác hai chiều trên môi trường mạng. Trên nền tảng các nhóm chung của các chi, tổ hội trên địa bàn thôn Lê Như Hổ cũng đã thường xuyên cập nhật các thông tin để các hội viên nắm bắt.
Cũng giống như thôn Lê Như Hổ được xã Nam Hồng lựa chọn để xây dựng mô hình thôn thôn minh, thôn Tiên Quán xã Phạm Ngũ Lão huyện Kim Động tỉnh Hưng Yên cũng đã được lựa chọn để xây dựng thôn thông minh của xã. Giờ đây về thôn Tiên Quán không khó để nhận thấy sự thay đổi từ công tác chuyển đổi số.
Hiện nay, trên địa bàn thôn Tiên Quán đã có mạng lưới wifi miễn phí tại các điểm công cộng, nhà văn hóa. Ngay tại các trục đường của thôn đều đã có các camera an ninh để đảm bảo công tác an ninh trật tự; hệ thống loa phát thanh đã được lắp đặt ở nhiều vị trí khi có thông tin mới mọi người đều có thể nắm bắt dễ dàng.
Cùng với đó, tại tất các cửa hàng tiện ích trên địa bàn thôn Tiên Quán đều nhận thanh toán mua hàng bằng hình thức chuyển khoản, quét mã QR và không dùng tiền mặt… Chuyển đổi số đã đem lại nhiều tiện ích lớn cho 750 hộ dân với 2.000 nhân khẩu của thôn Tiên Quán.
Kinh tế số vững mạnh
Điểm nổi bật trong quá trình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ở Hưng Yên đó chính là người dân đã áp dụng công nghệ số vào quá trình sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm trên các “chợ” điện tử.
Tại huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên), đến nay, huyện đã xây dựng và phát triển được 12 chuỗi lên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 4 chỉ dẫn địa lý, 4 nhãn hiệu tập thể được chứng nhận bảo hộ (Gà Đông Tảo, Chuối tiêu hồng Khoái Châu, nghệ Chí Tân – Khoái Châu và Mộc Đại Tập).
Các chủ thể có sản phẩm được chứng nhận đều đã được các ngành chức năng ở địa phương hỗ trợ xây dựng và dán tem có mã QR-Code… để người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc và chủ thể cũng được hỗ trợ đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như: VOSO, POSTMART…
Nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Khoái Châu cũng đã chủ động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, như đầu tư lắp đặt: Nhà màng, quạt gió, tưới nước tự động, sử dụng công nghệ điều khiển từ xa để sản xuất các loại rau củ quả. Áp dụng công nghệ số đã góp phần giúp các hộ gia đình giảm công lao động, chi phí; giúp cây trồng rút ngắn thời gian sinh trưởng, năng suất cao.
Cũng như ở huyện Khoái Châu, tại thị xã Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên, trong thời gian vừa qua UBND thị xã Mỹ Hào cùng các phòng, ban, đơn vị liên quan cũng đã hỗ trợ các hộ sản xuất trên địa bàn xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa tập thể Mộc Mỹ nghệ và Tương bần, làng nghề mộc Mỹ nghệ Mão Chinh ở xã Dương Quang, mộc dân dụng Quan Cù ở phường Phan Đình Phùng…
Các hộ kinh doanh cũng đã được cán bộ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn thị xã Mỹ Hào đến tận nhà hỗ trợ mở tài khoản ngân hàng, lập mã QR-Code để thanh toán điện tử và bán hàng trực tuyến trên các nền tảng số: như Facebook, Tiktok và trên các sàn thương mại điện tử.
Có thể thấy rằng chuyển đổi số ở Hưng Yên trong thời gian vừa qua đã góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn - thành thị. Thực hiện chuyển đổi số cũng đang là giải pháp để Hưng Yên thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh./.