Cán bộ Hội tham quan học tập các mô hình sản xuất nông nghiệp đặc sắc ở Hưng Yên
Chuyến tham quan, học tập các mô hình ở Hưng Yên có bà Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số ban, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành phố thuộc cụm thi đua số 2: Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình.
Đoàn đã đến thăm mô hình của gia đình anh Nguyễn Văn Tuyên ở xã Xuân Quang (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), một trong những tỷ phú trẻ của làng hoa, nhờ có chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên diện tích đất nông nghiệp, anh Tuyên đã thành công trong nghề trồng hoa, cây cảnh…
Anh Tuyên cho biết: Hiện nay thị trường hoa, cây canh của gia đình được trải đều khắp từ Bắc đến Nam. Mỗi năm từ việc bán hoa, cây cảnh gia đình anh đã có doanh thu 60 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 30 lao động, thu nhập từ 7-22 triệu đồng/người/tháng).
Tiếp đó đoàn đã đến thăm mô hình nuôi gà Đông Tảo của gia đình anh Lê Quang Thắng – Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo ở xã Đông Tảo (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Hợp tác xã chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo chính thức được thành lập năm 2016 đã tạo ra một hướng đi mới trong việc nuôi và kinh doanh gìn giữ, phát triển giống gà Đông Tảo nổi tiếng.
Anh Thắng cho hay: Hiện nay Hợp tác xã chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo có 16 thành viên, sản lượng thịt gà sản xuất 40-50 tấn/năm, chiếm 12% sản lượng toàn huyện Khoái Châu. Để nâng cao giá trị cho gà Đông Tảo, Hợp tác xã đã tập trung vào chế biến đến nay Hợp tác xã có có sản phẩm giò đạt OCOP 3 sao, chân gà đạt OCOP 4 sao thị trường rộng khắp tại các hệ thống các Siêu thị, nhà hàng, khách sạn ở các thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh…
Qua chuyến tham quan một số mô hình, bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Các mô hình được Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên giới thiệu để đoàn đi tham quan đều là những mô hình rất hiệu quả và đặc sắc, qua đó lãnh đạo, các ban của Hội Nông dân ở cụm thi đua số 2 đều có thể học tập và lan toả khi trở về địa phương.
“Với mô hình của anh Tuyên khi diện tích đất sản xuất nông nghiệp trồng trọt bị thu hẹp thì việc chuyển đổi, đưa những cây trồng mới, cây cảnh, cây hoa vào sản xuất là rất phù hợp. Đối với mô hình của anh Thắng để nâng cao giá trị cho sản xuất chăn nuôi thì việc “chế biến” đã được Hợp tác xã mạnh dạn đưa vào để từ đó góp phần nâng cao giá trị. Nhằm phát triển bền vững trong thời gian tới các chủ thể, mô hình cần gắn sản xuất với phát triển du lịch tham quan, để từ đó góp phần nâng cao giá trị trong sản xuất”, bà Thơm nhấn mạnh.
- Nghệ An: Các cấp Hội cần tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, cách làm hiệu quả, kết quả ấn tượng
- Hội Nông dân huyện Diễn Châu đã chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, xây dựng Hội, xây dựng mô hình, điển hình
- Đoàn công tác Trung ương Hội NDVN thăm và làm việc tại tỉnh Đồng Tháp
- Tuyên truyền pháp luật đến nông dân được duy trì thường xuyên, ổn định