Bước khởi đầu quan trọng định hướng xây dựng văn kiện trình Đại hội XIV
Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII khai mạc trọng thể sáng 16/5 tại Thủ đô Hà Nội. Một nội dung quan trọng của Hội nghị là cho ý kiến vào đề cương các Văn kiện trình Đại hội 14 của Đảng. Để có được Đề cương các Văn kiện trình Trung ương, thời gian qua, các tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội và Tiểu ban Điều lệ Đảng đã có nhiều buổi làm sôi nổi, với các ý kiến thẳng thắn, góp ý thiết thực xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Ngày 8/3 vừa qua, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng do ông Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Thường trực Tiểu ban, Tổ trưởng Tổ Biên tập Văn kiện Đại hội XIV làm Trưởng đoàn, đã làm việc với Ban Kinh tế Trung ương.... Buổi làm việc diễn ra sôi nổi với các ý kiến góp ý thiết thực, nhằm góp phần vào công tác xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng. Những đánh giá về kinh tế - xã hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay; bối cảnh phát triển mới, cơ hội và thách thức, cũng như định hướng chiến lược phát triển trong giai đoạn mới; các giải pháp về hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển nhằm hoàn thành mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... là những vấn đề được các đại biểu phân tích, đề xuất có giải pháp căn cơ thời gian tới.
Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh việc cần tiếp tục chủ động, ưu tiên tham vấn, đóng góp ý kiến cho việc xây dựng dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng: "Không chờ đợi, lần này Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV cần có sự đổi mới trong cách làm, tham vấn ngay từ trong quá trình xây dựng, chuẩn bị văn kiện chứ không phải chờ đến lúc có dự thảo văn kiện".
Những buổi làm việc như trên cũng đã diễn ra với Tiểu ban Kinh tế - xã hội và Tiểu ban Điều lệ Đảng. Các Tiểu ban đã khẩn trương, nghiêm túc chuẩn bị dự thảo Đề cương Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế - xã hội, Báo cáo xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng để xin ý kiến Bộ Chính trị tiếp tục hoàn thiện trình Trung ương xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị lần thứ 9 này. Do vậy, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng có vai trò rất quan trọng, định hướng cho việc chuẩn bị có chất lượng các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng. Việc chuẩn bị các văn kiện cho Đại hội XIV, đặc biệt là Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, có vai trò định hướng cho các văn kiện khác của Đại hội phải được tiến hành một cách khoa học, nghiêm túc, có đổi mới trong cách làm, phải bảo đảm thật sự có chất lượng, phản ánh đầy đủ thực tiễn mới của đất nước. Đây là công việc có ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo đảm sự thành công của Đại hội.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, đoàn Cà Mau cho rằng, đặc biệt trong Văn kiện Đại hội là Báo cáo chính trị, báo cáo tổng kết lại toàn bộ quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đặt ra những vấn đề trong việc thể chế hóa đường lối của Nghị quyết Đại hội Đảng, trong việc tổ chức thực hiện và đặt ra những vấn đề tiếp tục đổi mới, sửa đổi, bổ sung. Đây là những vấn đề rất chiến lược mà Tổng Bí thư đặt vấn đề cho 5 năm tới mà có tầm nhìn nhiều năm sau, đặc biệt là sự kiện 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Tại Hội nghị Trung ương 9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Dự thảo Đề cương các văn kiện trình Hội nghị lần này mới chỉ nêu định hướng, có tính chất mở với nhiều phương án khác nhau để Trung ương cho ý kiến chỉ đạo, lựa chọn một bước, sau đó tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị theo quy trình, qua các bước thảo luận tại đại hội đảng bộ các cấp, cuối cùng Trung ương sẽ quyết định trình ra Đại hội Đảng toàn quốc. Trước yêu cầu của thực tiễn, cán bộ, đảng viên và nhân dân kỳ vọng Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc lần này phải là một công trình khoa học kết tinh trình độ lý luận, tầm cao trí tuệ của toàn Đảng, niềm tin, khát vọng của cả dân tộc, phản ánh những quy luật khách quan của thực tiễn, xu thế vận động mới của thực tiễn.
Tiến sĩ Lê Trung Kiên, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh kiến nghị, văn kiện Đại hội XIV của Đảng phải tập trung phân tích, đánh giá thật khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được; những hạn chế, yếu kém tồn tại và phân tích nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm chủ yếu và dự báo xu thế phát triển trong thời gian tới để kịp thời bổ sung, phát triển một số quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và điều chỉnh một số trọng tâm, nhiệm vụ, nội dung giải pháp ứng phó cho phù hợp với tình hình mới.
Sau Hội nghị Trung ương 9, công việc của Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội và Tiểu ban Điều lệ Đảng rất nhiều, rất khó, đòi hỏi thảo luận, bàn bạc, tạo sự thống nhất cao, nhất là những vấn đề mới, vấn đề khó. Trong đó, Báo cáo chính trị phải là báo cáo trung tâm, phải đặt ở tầm quan điểm, đường lối, chủ trương lớn; báo cáo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là báo cáo chuyên đề, bảo đảm nhất quán về quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển đất nước giai đoạn 2026 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, góp phần tiếp tục bổ sung, phát triển nhận thức lý luận của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Theo VOV