Công tác Hội

Hà Tĩnh: Chủ động trang bị cho nông dân kỹ năng sản xuất trước những thách thức

Đức Cảnh - 13:27 16/05/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong những năm qua, Hội Nông dân huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai nhiều hoạt động tư vấn, dạy nghề, giúp hội viên, nông dân có thêm kiến thức, kỹ năng ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả.

Nâng cao chất lượng các hoạt động, trong đó dạy nghề cho hội viên được Hội Nông dân huyện Hương Khê xác định là nhiệm vụ quan trọng trong công tác. Những năm qua, công tác đào tạo nghề được triển khai theo hướng thiết thực, hiệu quả, lấy nhu cầu học nghề của hội viên làm tiêu chí để mở các lớp đào tạo.

Ông Đặng Minh Lương- Uỷ viên Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Hương Khê cho biết: “Xác định khoa học công nghệ là chìa khóa thành công trong quá trình sản xuất kinh doanh nên Hội không ngừng đẩy mạnh công tác dạy nghề, tập huấn giúp nông dân nắm vững các kiến thức khoa học công nghệ trong sản xuất, chăn nuôi. Để công tác đào tạo nghề đạt kết quả cao, chúng tôi thường xuyên triển khai rà soát danh sách hội viên, nông dân chưa được đào tạo, nắm bắt nhu cầu về học nghề của hội viên, nông dân để tổng hợp danh sách, đề xuất chính quyền các cấp hỗ trợ kinh phí đào tạo”.

HND huyện Hương Khê xem công tác đào tạo nghề cho hội viên, nông dân là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác

Kết quả, từ năm 2020 đến nay, Hội Nông dân Hương Khê đã phối hợp tổ chức 37 lớp học nghề, trong đó tập trung chủ yếu đào tạo về trồng cây ăn quả có múi, nuôi ong lấy mật, cơ khí,...cho 1.230 hội viên nông dân. Sau đào tạo có 885 người có việc làm thường xuyên phát huy được nghề đã học. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng trên 65%.

Xã Hoà Hải là địa phương đặc thù của huyện Hương Khê, rừng chiếm phần lớn diện tích nhưng lại là nơi thường xuyên xẩy ra ngập lụt vào mùa mưa, hạn hán vào mùa Hạ với mức độ ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến ổn định sản xuất, đời sống người dân. Vì thế, việc đẩy mạnh đào tạo nghề giúp hội viên nông dân có thêm kiến thức, kỹ năng ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh được đánh giá là hướng đi phù hợp nhằm đối phó, thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.

Được biết, thời gian qua, Hội Nông dân xã cũng đã phối hợp với các cấp Hội, đơn vị có liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân trên địa bàn theo từng ngành nghề sản xuất. Nhờ đó, phong trào hội nông dân xã Hòa Hải được huyện hội và cấp ủy chính quyền đánh giá là điển hình trong các phong trào thi đua sản xuất, tham gia xây dựng nông thôn mới.

Hội viên Nông dân xã Hương Thuỷ được chia sẻ về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bưởi

“Ngoài việc sẽ phối hợp với các đơn vị, phòng, ban của huyện để mở các lớp đào tạo nghề theo hướng cầm tay, chỉ việc, chính quyền cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nhằm làm thay đổi nhận thức của người  dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vậy nuôi, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát huy hiệu quả”, ông Nguyễn Văn Phú- Chủ tịch UBND xã Hoà Hoải cho biết.

Còn tại xã Hương Thuỷ, những năm qua trồng bưởi Phúc Trạch đang được nhiều hộ dân lựa chọn làm hướng đi mới cho phát triển kinh tế. Song song với đó, nhu cầu về tư vấn kỹ thuật trong quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh của người dân trồng bưởi là hết sức cần thiết.

Chuyên gia chỉ dẫn người dân cách phòng trừ sâu bệnh cho cây bưởi

Đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, Hội Nông dân xã Hương Thuỷ đã kết nối với các chuyên gia về tại địa phương nhằm trang bị những kiến thức cơ bản. Nhờ nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, người dân tự tin sẽ mang lại sản lượng, chất lượng quả bưởi tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tăng hiệu quả kinh tế. Cách làm này cũng đang dần được nhân rộng trên địa bàn toàn huyện.

Theo số liệu thống kê, toàn huyện Hương Khê đến nay có trên 18 nghìn hội viên nông dân, chiếm tỷ lệ 86,72%. Từ năm 2018 – 2023, Hội Nông dân đã vận động hội viên tham gia xây dựng trên 2.500 mô hình kinh tế, 124 tổ hợp tác và 2 hợp tác xã. Hiện có hơn 8 nghìn hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi.

Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Hương Khê cho rằng, thông qua việc đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật đã giúp nông dân đổi mới tư duy, cách làm, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế. Mặt khác, nhờ nắm chắc khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp người dân khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác