Lan toả hương vị mật ong thiên nhiên của sản phẩm OCOP 4 sao Hưng Yên
Liên kết sản xuất để duy trì chất lượng và nguồn cung sản phẩm dồi dào
Tận dụng mùa hoa sú, vẹt ở khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định, ông Nguyễn Thanh Phú ở thôn Mễ Sở, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang (Hưng Yên) đã di chuyển hàng nghìn đàn ong mật của mình để đặt gần khu vực rừng ngập mặn. Với nguồn thức ăn dồi dào, ong cho khá nhiều mật. Mỗi tháng, ông Phú tổ chức quay lấy mật 3-4 lần, thu hoạch hàng tấn mật ong. Hoa sú, vẹt nở không bị ảnh hưởng bởi các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật nên chất lượng mật ong tốt, được khách hàng ưa chuộng.
Với mong muốn mở rộng sản xuất, tạo ra sản phẩm mật ong chất lượng phục vụ người tiêu dùng, ông Nguyễn Thanh Phú đã tổ chức liên kết sản xuất với các hộ nuôi ong trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Ông đứng ra thành lập Công ty TNHH Mật ong Danh Vị, nhận mật ong từ các hộ nuôi ong ở nhiều địa phương, sau đó tổ chức sản xuất, đóng gói sản phẩm và tiêu thụ ngoài thị trường.
Từ năm 2017, mật ong Danh Vị đã trở thành đối tác thân thiết của hầu hết thị trường nhập khẩu lớn trên thế giới như Mỹ, Nga... Cũng trong năm này, Công ty đã sản xuất thành công sản phẩm ong mang chính thương hiệu Danh Vị.
Ông Nguyễn Thanh Phú thu hoạch mật ong nuôi ở vùng ven biển Nam Định. Ảnh tư liệu
Để thực hiện mục tiêu tạo ra sản phẩm từ mật ong có chất lượng, ông Phú đã đầu tư ban đầu cho các hoạt động nghiên cứu thị trường, đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu mật ong từ nội bộ và đối tác, tập trung nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, xây dựng chính sách hệ thống phân phối truyền thống và hiện đại, xác lập bản sắc và hình ảnh nhận diện thương hiệu với tên hiệu mật ong Danh Vị. Các hoạt động truyền thông cũng đã được lên kế hoạch nhằm tạo dựng vị thế vững vàng thương hiệu công ty. Bao bì, nhãn mác của sản phẩm mới được thiết kế theo phong cách hiện đại, đúng với thị hiếu của người tiêu dùng, đáp ứng các quy trình khắt khe của Bộ Y tế đề ra.
“Trải qua hơn 20 năm hoạt động và phát triển, tôi thấy rằng, đầu tư cho việc xây dựng thương hiệu mật ong tại thị trường nội địa là không hề dễ dàng, trong bối cảnh có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất mật ong trong nước cũng chọn đi hướng tương tự. Đặc biệt, chi phí đầu tư cho việc xây dựng thương hiệu là không hề nhỏ. Người nuôi ong thường xuyên phải cơ động theo mùa hoa ở những địa bàn khác nhau. Nếu chỉ có một mình thì không đủ khả năng để đi nhiều khu vực. Do đó, việc liên kết sản xuất sẽ tạo ra nguồn mật phong phú, tập trung sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP. Công ty đã đăng ký mật ong là sản phẩm OCOP của tỉnh Hưng Yên nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người nuôi ong” - ông Nguyễn Thanh Phú - Giám đốc Công ty TNHH Mật ong Danh Vị cho biết.
Được biết, công ty của ông Phú đã liên kết với các hộ sản xuất, do đó số lượng đàn ong có lúc lên đến gần 20.000 đàn, sản lượng thu hoạch hàng chục tấn mật/năm. Ngoài sản phẩm mật ong, công ty còn đa dạng hoá sản phẩm, sản xuất sữa ong chúa, phấn hoa, sáp ong, mật ong ngâm chanh đào... phục vụ cho các khách hàng thuộc lĩnh vực mỹ phẩm, đông dược.
Sản phẩm mật ong Danh Vị được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Ảnh: Thùy Linh
Trước đây, các hộ nuôi ong làm chủ yếu theo kinh nghiệm, đóng gói thủ công, sản phẩm tiêu thụ có lúc gặp khó khăn do chất lượng chưa được đánh giá. Đứng ra liên kết sản xuất, Công ty TNHH Mật ong Danh Vị đăng ký nhãn hiệu, có kiểm định chất lượng. Các hộ được bao tiêu sản phẩm đã yên tâm sản xuất, cung cấp nguồn mật tốt nhất cho công ty. Khi liên kết sản xuất, sản phẩm mật ong được nâng cao giá trị, tiêu thụ ổn định, giúp các hộ nuôi ong mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng.
Tăng cường giới thiệu, quảng bá, định kỳ đánh giá chất lượng để nâng tầm sản phẩm
Sản phẩm của công ty trong nhiều năm qua đã được giới thiệu, phân phối tại các siêu thị, kênh thực phẩm sạch, các hội nghị, hội chợ của Chương trình OCOP, Chương trình xúc tiến thương mại, Tuần hàng quảng bá, giới thiệu và bán nông sản - thực phẩm do tỉnh Hưng Yên và thành phố Hà Nội cũng như tại nhiều địa phương trong cả nước tổ chức, qua đó đưa các sản phẩm mật ong của Công ty tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng, được khách hàng tin tưởng lựa chọn.
Đại diện cho Công ty Danh Vị mở gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Tuần hàng quảng bá, giới thiệu và bán nông sản thực phẩm tại Hà Nội vừa qua, ông Lê Quốc Tuấn chia sẻ: "Tôi mang đến hội chợ đặc sản mật ong Hưng Yên như mật ong hoa nhãn, mật ong hoa vải, phấn hoa mật ong, long nhãn, nghệ vàng… Đây đều là những sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Hưng Yên. Các sản phẩm của công ty chúng tôi đều được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao và đều được kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm hàng năm nên người dân có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng".
Giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của các ban, ngành chức năng đối với sản phẩm OCOP 4 sao mật ong Danh Vị.
Không chỉ quảng bá sản phẩm ở các hội chợ, để tìm kiếm các khách hàng và giữ mối với khách cũng như các đại lý, Công ty Danh Vị cũng như nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã khác đã gửi thông tin qua nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook… để khách hàng có thể đặt hàng và được vận chuyển đến tận nhà. "Cùng với việc bán hàng cho khách thì công tác kết nối, xúc tiến sản phẩm đưa vào hệ thống siêu thị là hết sức quan trọng", ông Tuấn cho biết thêm, hiện sản phẩm của công ty đã có mặt tại nhiều cửa hàng và siêu thị trên địa bàn Hà Nội.
Để giúp các chủ thể thường xuyên duy trì chất lượng, đánh giá xếp loại hạng sao của các sản phẩm OCOP, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP huyện Văn Giang định kỳ tổ chức hội nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Tại hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 của huyện với sự tham dự của lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), các thành viên trong Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP huyện, đại diện lãnh đạo 2 xã Mễ Sở, Cửu Cao và các chủ thể có sản phẩm tham gia xếp hạng đã thảo luận, đánh giá các sản phẩm gồm: Sản phẩm mật ong hoa nhãn, sữa ong chúa, phấn hoa ong của công ty TNHH Mật ong Danh Vị tại xã Mễ Sở; sản phẩm bánh dầy Cửu Cao của hộ sản xuất kinh doanh bánh dày Kim Phụng tại xã Cửu Cao. Đây là những sản phẩm đã được UBND tỉnh xếp hạng 4 sao, 1 sản phẩm xếp hạng 3 sao đã qua 36 tháng theo quy định phải đánh giá phân hạng lại.
Ông Nguyễn Quốc Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP huyện Văn Giang nhận xét: Theo đánh giá chung, các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt này đều có xu hướng phát triển tốt, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Trên cơ sở kết quả chấm điểm của Tổ giúp việc, các thành viên Hội đồng đã nghiên cứu, đánh giá và chấm điểm cho các sản phẩm. Sản phẩm mật ong hoa nhãn, sữa ong chúa, phấn hoa ong của Công ty TNHH Mật ong Danh Vị tại xã Mễ Sở tiếp tục được ghi nhận và đánh giá là sản phẩm OCOP hạng 4 sao của địa phương.
Ông Nguyễn Quốc Chương cũng đề nghị các chủ thể hoàn thiện sản phẩm theo ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng thẩm định; phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình UBND tỉnh công nhận chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật để phát triển sản xuất sản phẩm OCOP theo tiêu chuẩn mới, đáp ứng yêu cầu thị trường; rà soát các tiêu chí có kế hoạch hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hướng tới nâng sao cho sản phẩm; thúc đẩy xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Quốc Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng chủ trì hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 của huyện Văn Giang. Ảnh Đức Hùng
Cùng với đó, ông Nguyễn Quốc Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện cũng yêu cầu các ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với các địa phương có sản phẩm tham gia xếp hạng tiếp tục hỗ trợ các chủ thể thông qua các cơ chế chính sách, giải quyết những khó khăn vướng mắc để có thêm nhiều sản phẩm OCOP chất lượng, giá trị kinh tế cao. Qua đó góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
- Vĩnh Phúc: Xã Hồ Sơn duy trì và nâng “chất” các tiêu chí nông thôn mới đã đạt
- Sơn La: Tôn vinh 25 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2024
- Cà Mau: Tăng cường công tác xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh
- Lâm Đồng: 18 chủ thể được cấp Chứng nhận sử dụng nhãn hiệu độc quyền “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”