Làng nghề Phú Vinh: Lưu truyền tinh hoa từ mây, tre
Nét đẹp truyền thống của sản phẩm mây tre đan
Việt Nam không chỉ nổi tiếng bởi những cảnh đẹp tuyệt vời mà còn là làng nghề truyền thống lâu dài. Nhiều làng nghề được bảo tồn và tồn tại từ thế hệ này sang thế hệ khác dài hàng thế kỷ. Sản phẩm ở mỗi làng nghề còn thể hiện phong tục, truyền thống và nét đặc trưng văn hóa Việt Nam. Trong phát triển những làng nghề truyền thống và đặc biệt là ngành nghề thủ công mỹ nghệ, lĩnh vực sản xuất mây tre đan đóng vai trò quan trọng. Một trong số những làng nghề tre đan của Hà Nội hiện nay, tiêu biểu là làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ. Làng nghề nằm dọc theo đường quốc lộ 6A nối liền Hà Nội với các tỉnh miền núi phía Bắc, cách huyện Chương Mỹ 5km, cách trung tâm Hà Nội 27km theo hướng Tây Nam.
Nổi tiếng như "xứ mây" của Hà Nội, làng mây tre đan Phú Vinh với hơn 400 năm lịch sử vẫn gìn giữ trọn vẹn nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc. Nơi đây lưu giữ câu chuyện lịch sử thú vị về nguồn gốc nghề đan lát, bắt nguồn từ "làng Cò Đậu" ngày xưa. Địa hình vùng trũng tràm nhiều tôm, tép, cá thu hút những đàn cò trắng bay đến kiếm ăn. Lông cò rụng xuống trắng muốt, khơi gợi ý tưởng cho người dân sáng tạo nên những chiếc mũ, nón thủ công độc đáo. Ban đầu, sản phẩm được làm quà tặng, sau dần được ưa chuộng và trở thành hàng hóa mang lại giá trị kinh tế. Do nguồn lông cò hạn chế, người dân đã chuyển sang sử dụng các vật liệu mềm dẻo như mây, giang, tre,... Qua thời gian, kỹ thuật đan được cải tiến, vật liệu đan phát triển, tạo nên những sản phẩm tinh xảo và có giá trị kinh tế cao.
Sau này làng được đổi tên thành Phú Hoa Trang (Phú Vinh) mang ý nghĩa được trời phú cho đôi bàn tay giỏi đan lát mây tre. Cùng với đó để tôn vinh những đôi bàn tay khéo léo trong việc đan lát mây tre. Các sản phẩm mây tre đan được ưa chuộng, xuất khẩu sang Trung Quốc và Liên bang Xô Viết. Thế nhưng năm 1991, khi Liên bang Xô Viết tan rã, làng nghề đã phải đứng trước những thách thức khi sản phẩm làng nghề thiếu đầu ra. Bước sang giai đoạn đổi mới, từ bỏ cơ chế bao cấp và chuyển sang nền kinh tế thị trường, làng nghề Phú Vinh đối mặt với nhiều khó khăn. Thị trường Đông Âu trong thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa còn nhiều biến động, chưa ổn định; thị trường tư bản cũng đặt ra nhiều rào cản cho sản phẩm thủ công truyền thống. Nhận thức được sự thay đổi của nền kinh tế, người dân làng nghề đã nỗ lực sáng tạo và đổi mới sản phẩm để đáp ứng thị hiếu thị trường và tiếp tục phát triển.
Với những giá trị truyền thống quý báu và tiềm năng phát triển to lớn, làng nghề mây tre đan Phú Vinh đang nỗ lực để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương và nâng cao đời sống cho người dân.
Lưu truyền tinh hoa làng nghề mây tre đan Phú Vinh
Dưới thời kì phong kiến, làng nghề cung cấp đồ dùng cho triều đình. Hiện nay, tại Bảo tàng cung đình Huế vẫn lưu giữ một số tác phẩm thư pháp chữ Hán đan bằng mây của các cố nghệ nhân. Vào thời vua Thành Thái, làng nghề truyền thống Phú Vinh có 9 cụ nghệ nhân trong làng được nhà vua phong sắc.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng nghề mây tre đan Phú Vinh vẫn được giữ gìn và phát triển cho đến ngày nay. Nơi đây là cái nôi nuôi dưỡng nhiều nghệ nhân tài hoa cấp quốc gia: Nguyễn Văn Khiếu, Hoàng Văn Khu...Trong đó có cụ Nguyễn Văn Khiếu – Nghệ nhân đầu tiên đan thành công ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng sợi mây truyền thống. Tuy nay không còn nhưng cụ đã làm rạng rỡ nghề mây tre đan Phú Vinh
Ngày nay, 90% hộ gia đình tại làng nghề Phú Vinh vẫn gìn giữ truyền thống đan mây tre. Nghề truyền thống được lưu truyền qua các thế hệ, ngay từ khi những đứa trẻ còn thơ ấu. “Ngay từ khi chào đời, những sợi mây tre đã gắn liền với cuộc sống của tôi. Khi lên 10 tuổi, tôi bắt đầu học hỏi và phụ giúp cha mẹ những công việc cơ bản. Đến 15-16 tuổi, tôi đã có thể tự tay làm những sản phẩm đan đơn giản. Kỹ năng đan lát trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân làng nghề. Buổi sáng đến trường, chiều về tôi lại phụ giúp cha mẹ ngâm mây, tre. Vậy nên tình yêu với nghề mây tre đan đã âm thầm nảy nở từ lâu trong tôi”, ông Hân, Chủ xưởng mây tre đan Hân Hạnh chia sẻ.
Mỗi sản phẩm được tạo ra không chỉ mang nét đẹp truyền thống, văn hóa dân tộc mà còn gồng gánh bao ước mơ hoài bão của hồn quê. Đi qua ngôi làng, nơi đâu cũng dễ dàng bắt gặp hình gặp người dân cầm sợi mây đan. Tuổi thơ của mỗi người con làng nghề gắn liền với mùi mây tre. Mỗi sản phẩm là một tác phẩm sáng tạo của nghệ nhân. Hơn thế nữa, nó còn là tấm lòng thủy chung của người thợ gửi gắm trong tác phẩm của mình. Mây tre đã hòa cùng nhịp đập và máu thịt, dòng máu chảy là dòng tình yêu với đan lát của người làng nghề. Những nghệ nhân với “ trời phú đôi bàn tay lụa” ấy là những tinh hoa của làng nghề Phú Vinh.